Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

LS "soi" lý lẽ của chủ đầu tư Dự án 8B Lê Trực

(DS&PL) -

Luật sư cho rằng, chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực không thể dùng Quy hoạch chi tiết 1/500 để thay thế giấy phép xây dựng cho dự án.

Luật sư cho rằng, chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực không thể dùng Quy hoạch chi tiết 1/500 để thay thế giấy phép xây dựng cho dự án.

Vừa qua, thông tin Công ty CP May Lê Trực  (chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực) bất ngờ “phản pháo” về những quyết định xử phạt và phong tỏa dự án 8B Lê Trực khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Thông qua báo chí, ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Lê Trực  cho biết, dự án 8B Lê Trực được thi công đúng theo Quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND TP Hà Nội phê duyệt. Theo đó, bản quy hoạch có quy mô chiều cao công trình 69,1m và 20 tầng (đúng theo giấy phép xây dựng chỉ là 53 m).

Lãnh đạo Công ty CP May Lê Trực  khẳng định thêm, việc đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 thì dự án 8B Lê Trực thuộc diện không cần phải xin giấy phép xây dựng (Chủ đầu tư viện dẫn thêm do dự án được thi công trước thời điểm một số nghị định, quyết định về cấp phép xây dựng có hiệu lực nên không cần giấy phép). Do đó, việc cơ quan chức năng cưỡng chế phá dỡ dự án dựa theo Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 là không đúng bản chất.


Dự án 8B Lê Trực vẫn đang bị phong tỏa.

Ông Lê Văn Hùng cung cấp thêm với báo chí: “Để được phê duyệt quy hoạch có quy mô chiều cao công trình 69,1m và 20 tầng, Công ty đã cam kết và thực hiện xong việc bàn giao cho thành phố 1.941m2 đất để mở đường Trần Phú kéo dài với điều kiện không yêu cầu thành phố phải đền bù diện tích đất tương đương khác.”

Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các Luật sư để nhìn nhận vấn đề trên phương diện pháp lý.

Luật sư Hà Huy Phong – trưởng văn phòng Luật sư Inteco cho biết: “Luật quy định, quy hoạch chi tiết 1/500 do doanh nghiệp tổ chức lập và chi phí cho việc lập (quy hoạch tính vào chi phí của dự án). Sau đó quy hoạch này sẽ được doanh nghiệp gửi tới cơ quan có thẩm quyền (Sở Xây dựng) phê duyêt. Tuy nhiên, không thể đánh đồng việc đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 là không cần có giấy phép xây dựng.”

Theo Luật sư Phong, chỉ một số trường hợp công trình mới không cần có giấy phép xây dựng. VD như Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Nhà có quy mô dưới 7 tầng và diện tích không quá 500 m2… Chiếu theo luật, dự án 8B Lê Trực không thuộc diện miễn giấy phép xây dựng.

Luật sư Tạ Ngọc Bảo – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Với mỗi công trình xây dựng có quy mô lớn, việc đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 thì chủ đầu tư đã được phép thi công. Tuy nhiên,  việc quy hoạch 1/500 chỉ là bản cắt diện tích, không tính chiều cao. Vì vậy, việc cấp phép cao độ của công trình phải đến từ giấy phép xây dựng.  Việc chủ đầu tư 8B Lê Trực xây nhà có chiều cao vượt quá giấy phép xây dựng đã vi phạm vào luật và bị xử lý là đúng quy định.”

Đề cập tới thông tin Chủ đầu tư 8B Lê Trực đưa ra rằng: Công ty đã bàn giao gần 2000 mét đất (không cần đền bù) cho TP để  thỏa thuận được phê duyệt quy hoạch 1/500? Luật sư Ngọc Bảo cho hay, thông tin này hoàn toàn không liên quan tới việc phê duyệt quy hoạch cho chủ đầu tư.

Luật sư Bảo phân tích: “Việc bàn giao cho thành phố 1.941m2 đất để mở đường Trần Phú kéo dài mà không cần đền bù là thỏa thuận giữa công ty và TP. Nó không liên quan tới việc TP có phê duyệt cho dự án của công ty hay không… Trên thực tế, không có quy định nào về việc đổi đất lấy xác nhận quy hoạch cả.”

Luật sư Bảo đưa ra trường hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp có thỏa thuận để cùng đạt được mục đích đó là dự án BOT. Theo đó, Nhà nước có thể kêu gọi các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng công trình thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian và sau cùng là chuyển giao lại cho nhà nước. Việc thỏa thuận này là đúng quy định.

Mới đây nhất, trả lời tại phiên họp thường vụ chất vấn của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận trách nhiệm về việc chậm xử lý tại dự án 8B Lê Trực.

“Hiện nay công trình này đã hạ được toàn bộ tầng 19, nhưng để hạ các tầng tiếp theo lại là vấn đề. Theo dự án được phê duyệt lên đến tầng 14, 15, 16, 17 và 18 đều giật cấp vào 3,36m. Để đảm bảo cho công trình này, TP.Hà Nội cùng với chủ đầu tư trình Bộ Xây dựng phương án kỹ thuật để xử lý tiếp. Bộ Xây dựng đang mời các nhà khoa học để xem phương án kỹ thuật trên, sau khi xử lý tòa nhà 8B Lê Trực có đảm bảo về mặt kỹ thuật để người dân ở hay không, hay phải trình phương án khác, việc chậm là do nguyên nhân này. TP.Hà Nội sẽ cùng với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thẩm định kỹ thuật liên quan đến việc cắt tòa nhà, sau đó sẽ công khai xử lý với dư luận” - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tại phiên trả lời chất vấn.

Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP.Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000m2, tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng trên 6.000m2 so với giấy phép.  

Tin nổi bật