Mới đây Đời sống & Pháp luật đã đưa tin về vụ án “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Hưng Yên liên quan đến công tác quản lý nhà nước về ngân hàng đối với đồng tiền đã qua sử dụng, không đủ điều kiện lưu thông.
Để hiểu rõ hơn về vụ án đang được dư luận quan tâm, phóng viên Đời sống v& Pháp luật đã có buổi làm việc với luật sư Nguyễn Văn Chiến – ĐBQH khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội là người bào chữa cho bị cao Nguyễn Thị Lệ có đơn kêu oan.
PV: Thưa Ông, chúng tôi nhận được Đơn kêu cứu của bị cáo Nguyễn Thị Lệ trình bày dấu hiệu bị oan trong vụ án này. Ông đánh giá thế nào về việc kêu oan của bị cáo?
LS Nguyễn Chiến: Việc bị cáo kêu oan là có cơ sở để xem xét. Phiên tòa sơ thẩm công khai đã được TAND tỉnh Hưng Yên mở 02 lần và cả 02 lần này Hội đồng xét xử đều trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đến nay, chúng tôi nhận thấy cũng chưa đáp ứng được việc điều ra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án, do vậy nếu không đủ căn cứ để buộc tội bị cáo theo quy định của pháp luật thì Tòa án phải tuyên bị cáo không phạm tội theo đúng quy định tại Điều 10 BLTTHS 2015 về suy đoán vô tội.
PV: Phiên tòa sơ thẩm lần thứ ba đã có kế hoạch xét xử chưa và ông hy vọng gì ở phiên tòa tới đây?
Luật sư - ĐBQH Nguyễn Chiến |
LS Nguyễn Chiến: Vào ngày 24/4/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên vừa có Thông báo cho người bào chữa về việc tham gia phiên tòa mở lại vào ngày 03/5/2018 tới đây. Vụ án này khá phức tạp, chứng cứ buộc tội không đầy đủ, không vững chắc, có có dấu hiệu “bỏ lọt tội phạm” nên cần phải bảo đảm việc tranh tụng công khai tại phiên tòa một cách khách quan, toàn diện và đương nhiên kết quả của bán án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, theo đúng tinh thần cải cách tư pháp hiện nay. Tôi hy vọng và trông chờ sự thượng tôn pháp luật của người tiến hành tố tụng cũng như người tham gia tố tụng. Đặc biệt, tôi tin vào sự độc lập của hội đồng xét xử, chỉ tuân theo pháp luật để xét xử vụ án.
PV: Dưới góc độ là người bào chữa, ông có băn khoăn gì về việc cáo buộc trách nhiệm hình sự đối với thân chủ Nguyễn Thị Lệ qua 02 phiên tòa xét xử sơ thẩm trước đây?
LS Nguyễn Chiến: Mọi người đều phải được bình đẳng trước pháp luật. Trách nhiệm chứng minh tội phạm là nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng. Trong vụ án, qua kết quả công khai tại các phiên tòa trước đây thì đều thấy rằng việc chứng minh bị cáo Lệ phạm tội là hoàn toàn thiếu căn cứ đối với khoản tiền 200.000.000 đồng (do không phải chữ ký niêm phong của bị cáo trên cơ sở kết quả giám định). Còn 02 khoản tiền khác lớn hơn thì hoàn toàn không có căn cứ buộc tội bị cáo. Đặc biệt, trong 02 khoản này có khoản tiền rất lớn là 1.395.000.000 đồng bị thiếu lại thuộc về trách nhiệm của những người liên quan thuộc kho quỹ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lệ. Ảnh PLO |
Phải thấy rõ rằng, khi đại diện Cục kho quỹ của Ngân hàng Nhà nước đã kiểm tra, nhận đủ, niêm phong lại với tên và chữ ký của mình, sau đó đã mang tiền không đủ điều kiện lưu thông do chi nhánh tại tỉnh Hưng Yên bàn giao về kho quỹ trung ương quản lý thì không còn bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến thuộc cấp tại Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Hưng Yên.
Chúng ta phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm quy định pháp lý về quản lý nhà nước đối với vấn đề này để giải quyết và xác định trách nhiệm minh bạch, rõ ràng, không né tránh dù người có trách nhiệm là bất kỳ ai. Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá đã có quy định rất rõ về trách nhiệm người có tên, chữ ký trên niêm phong phải chịu trách nhiệm về tiền đã niêm phong bị thiếu.
Niêm phong có tên, chữ ký của cán bộ, nhân viên thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì không thể thuộc về trách nhiệm của cấp dưới tại chi nhánh tại tỉnh Hưng Yên được, sao lại buộc tội cho bị cáo Lệ? Không lẽ chúng ta lại làm trái quy định của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN hay sao?
PV: Liệu việc xử lý đối với những người có trách nhiệm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong vụ án có được đặt ra tại phiên tòa tới đây?
LS Nguyễn Chiến: Trách nhiệm này thuộc cơ quan tiến hành tố tụng. Chúng tôi đã đề cập và chứng minh rất rõ vấn đề này tại các phiên tòa công khai trước đây. Hội đồng xét xử cũng đã công tâm xem xét, chấp nhận và xác định đây là một trong các vấn đề cần thiết để trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Bị cáo Nguyễn Thị Lệ tại phiên tòa |
Hy vọng, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 3/5/2018 tới đây, Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục công khai làm rõ để xác định sự thật vụ án, đặc biệt phải tập trung làm rõ kết quả trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có đáp ứng yêu cầu chứng minh tội phạm theo các quyết định trả hồ sơ yêu càu điều tra bổ sung của Tòa án hay không.
Pháp luật về tố tụng hình sự quy định Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 01 (một) lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 01 (một) lần nên vụ án này đã hết số lần được trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung theo quy định.
Trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung cũng đã được quy định tại Điều 15 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Chúng ta phải tuân theo pháp luật để các vụ án hình sự nói chung cũng như vụ án này nói riêng xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm nhưng không làm oan người vô tội, qua đó chứng minh hiệu quả của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, đang đặt Tòa án làm trọng tâm cải cách.
PV: Xin cảm ơn Luật sư.