Người Trung Quốc xưa quan niệm “một dạ dày lợn bằng 10 vị thuốc”. Tuy câu nói này có chút cường điệu hóa nhưng không thể phủ nhận giá trị dinh dưỡng của dạ dày.
Sách y học Bản thảo cương mục cho biết dạ dày lợn có tác dụng bổ tỳ vị, tăng cường sinh lực, làm dịu thần kinh, bồi bổ dưỡng khí, thích hợp với người suy nhược, thể trạng yếu.
Một số lợi ích của dạ dày đối với sức khỏe:
Cải thiện tình trạng thiếu máu
Việc thiếu sắt sẽ dẫn đến tình trạng không sản xuất đủ máu, gây thiếu máu. Nội tạng lợn lại là bộ phận chứa nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là sắt. Bạn tùy theo thể trạng để bổ sung lượng dạ dày phù hợp, có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu máu.
Tăng cường sinh lực
Dạ dày lợn là lựa chọn tốt để tăng cường sinh lực, bổ sung dương khí cần thiết cho cơ thể. Nam giới có vấn đề liên quan có thể ăn một số món nấu từ dạ dày lợn để cải thiện.
Dưỡng khí và huyết
Không ít chị em phụ nữ thường bị lạnh tay chân vào mùa đông, đau nhức toàn thân, suy nhược do thiếu khí và huyết trong cơ thể. Việc ăn một chút dạ dày lợn có thể giúp dưỡng khí, bổ huyết và giảm cảm lạnh.
Tăng cường lá lách, nuôi dưỡng dạ dày
Dạ dày lợn tính ấm, có tác dụng bồi bổ nhất định đối với dạ dày, lá lách. Ăn một lượng dạ dày lợn vừa phải có thể giảm đau bụng, đầy hơi, giảm khó chịu đường tiêu hóa.
Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triền của thai nhi
Đối với phụ nữ mang thai, ăn dạ dày lợn có thể thúc đẩy quá trình phát triển của thai nhi. Thực phẩm này chứa nhiều chất dinh dưỡng, có thể giúp thai nhi phát triển ổn định.
Dạ dày lợn cũng chứa axit dolic, có thể hỗ trợ ngăn ngừa dị tật thai nhi. Ăn dạ dày lơn đúng cách còn có thể cung cấp cho thai phụ nhiều khoáng chất, vitamin, tránh tình trạng thiếu máu khi mang thai.
Tuy nhiên, dạ dày lợn thuộc thực phẩm phủ tạng động vật, chứa nhiều cholesterol, không nên ăn quá nhiều vì dễ dẫn đến tăng cholesterol và triglycerid trong cơ thể, gây ra tình trạng tăng mỡ máu, ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Khi thời tiết chuyển lạnh, người có khả năng miễn dịch kém rất dễ bị nhiễm gió lạnh dẫn đến cảm, sốt. Ăn dạ dày lợn có thể làm tăng khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ bệnh tật xuất hiện.
Một số món ăn bổ dưỡng từ dạ dày lợn
- Dạ dày lợn hầm hạt sen
Mua 1 cái dạ dày lợn cỡ vừa nhỏ, mang về làm sạch. Lấy 500g hạt sen, bóc vỏ, bỏ tâm rồi ngâm mềm. Buộc một đầu dạ dày lợn rồi nhét hạt sen vào bên trong. Sau đó, buộc đầu còn lại của dạ dày lợn cho kín.
Cho dạ dày đã nhồi hạt sen vào nồi, đổ ngập nước với 20ml rượu và ninh nhừ. Khi chín thì lấy dạ dày lợn ra thái miếng và ăn nóng. Có thể chấm nước mắm cho vừa miệng. Món ăn này tốt cho người sa dạ dày, sa tử cung.
- Dạ dày bát bảo (dạ dày thập cẩm)
Mua 1 cái dạ dày lợn to, dùng nước ấm rửa sạch trong ngoài, sau đó lấy dây sạch buộc chặt một đầu. Cho vào trong dạ dày 100g hạt sen, 100g hạt khiếm thực, 150g hạt ý dĩ, 60g hạnh nhân ngọt, 100g dấm ăn, 100g tôm nõn, 60g chân giò hun khói thái quân cờ rồi trộn đều, thêm 250g gạo nếp và buộc lại. Mang đi hầm chín rồi ăn cái uống nước. Món này bổ tỳ vị, chữa mệt mỏi, ăn uống kém.
- Dạ dày lợn hầm tiêu
Chuẩn bị 1 cái dạ dày lợn, 9-15g hạt tiêu. Dạ dày lợn làm sạch, hạt tiêu đập vụn cho vào trong dạ dày rồi dùng chỉ buộc lại, đem hầm chín bằng lửa nhỏ, chế thêm gia vị, uống nước hầm và ăn dạ dày, 2 – 3 ngày dùng 1 lần. Có thể thay hạt tiêu bằng 15g sa nhân. Món ăn này bổ tỳ, kiện vụ, ôn dương thông mạch.
Lưu ý, dạ dày lợn phải làm thật sạch phần trong và phải biết cách nấu chín nhưng không bị dai cứng. Tuy đây là thực phẩm bổ dưỡng nhưng cần chú ý đến số lượng và cách ăn, tránh ăn quá nhiều và quá thường xuyên kẻo phản tác dụng. Ngoài ra, những người béo phì, người có tiền sử mỡ máu cao và người bị bệnh huyết áp, tim mạch không nên ăn dạ dày lợn.
Đinh Kim (T/h)