Tràng An, Hải Châu, Hải Hà, Hữu Nghị - những hãng bánh kẹo lâu đời của Việt Nam gây chú ý không phải bởi sản phẩm mà là các mảnh đất.
Tháng 1/2015, dự án tổ hợp chung cư cao cấp Tràng An Complex chính thức khởi công tại địa chỉ số 1 Phùng Chí Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội), chủ đầu tư là GP Invest. Khu đất mà Tràng An Complex được xây dựng có diện tích 2,6 ha đủ để mọc lên 2 tòa chung cư cao 28 tầng và 23 tầng, với tổng số khoảng 800 căn hộ. Khu đất được mô tả là vị trí “vàng” khi nằm tại khu vực sôi động nhất nhì quận Cầu Giấy với kết nối giao thông cực kỳ thuận lợi.
Cũng trong năm đó, Handico 5 thông báo khởi công dự án nhà ở xã hội 622 Minh Khai (Hà Nội). Diện tích khu đất này gần 2,9ha.
2 dự án bất động sản nói trên đều được xây trên những mảnh đất từng do 2 công ty bánh kẹo lâu đời của Việt Nam quản lý và sử dụng. Tràng An Complex xưa kia vốn là đất của CTCP Bánh kẹo Tràng An, còn dự án 622 Minh Khai vốn là đất của CTCP Bánh kẹo Hải Châu.
Tràng An Complex xây dựng trên nhà máy cũ của Bánh kẹo Tràng An |
Trong khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này không mấy hiệu quả bởi sự cạnh tranh gay gắt trong ngành đến từ doanh nghiệp bánh kẹo ngoại, thì việc bán đất thực sự đã đem đến các khoản lợi nhuận trời cho, tạo nên cú đột biến về lợi nhuận.
Tại Tràng An, trong vòng 6 năm từ 2010 đến nay đã chứng kiến sự suy giảm mạnh về doanh thu. Nếu như năm 2011, doanh thu của Tràng An là 582 tỷ đồng thì năm 2015 chỉ còn 196 tỷ đồng. Năm 2016 có sự cải thiện, doanh thu đạt 240 tỷ đồng. Cùng với sự suy giảm đó, lợi nhuận ngày càng teo tóp. Từ con số 12 tỷ lợi nhuận trước thuế năm 2011, Tràng An lỗ 4 tỷ vào năm 2012 và trong các năm sau đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng.
Tuy nhiên như đã nói, năm 2015 bánh kẹo Tràng An ghi nhận 92 tỷ đồng lợi nhuận khác đột biến từ bán đất, giúp cho lợi nhuận trước thuế năm này tăng vọt lên đến 94 tỷ đồng. Phần lớn lợi nhuận được công ty nhanh chóng chuyển vào quỹ đầu tư phát triển nên đến cuối năm 2016, quỹ đầu tư phát triển của bánh kẹo Tràng An tăng mạnh từ 8 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng.
Vì thế, dù lợi nhuận năm 2016 vẫn chỉ có 5 tỷ đồng thì cổ đông đã phần nào kỳ vọng vào sự nỗ lực của bánh kẹo Tràng An trong việc thay đổi cách quản trị và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Đối với bánh kẹo Hải Châu, không rơi vào đà suy giảm mạnh như Tràng An mà thậm chí từ 2011 đến nay, doanh thu luôn tăng trưởng đều đặn. Đến năm 2016, doanh thu của công ty đạt 774 tỷ đồng – tăng 24 tỷ đồng tương đương 3,2% so với năm 2015 mặc dù doanh thu năm 2015 đã bao gồm cả 42 tỷ đồng đến từ việc bán đất tại dự án 622 Minh Khai. Nhờ khoản này, lợi nhuận sau thuế của bánh kẹo Hải Châu tăng vọt lên 60 tỷ đồng.
Hoạt động bán đất được ghi nhận tiếp vào năm 2016 tại khoản thu nhập khác với 38 tỷ đồng, tiếp tục giúp cho lợi nhuận trước thuế năm 2016 của bánh kẹo Hải Châu đạt 61 tỷ đồng, tương đương năm trước.
Bánh kẹo Tràng An và Hải Châu xếp sau một số thương hiệu bánh kẹo Việt Nam khác như Hải Hà, Hữu Nghị, Bibica về cả doanh thu lẫn hiệu quả kinh doanh, nhưng nhờ việc bán đất, lợi nhuận của họ đã vọt lên trên tất cả các anh em khác. Riêng với lợi nhuận năm 2015, Tràng An chỉ đứng sau Bibica (năm đó đạt 107 tỷ đồng).
Tuy nhiên việc bán đất kiếm tiền nhiều hơn bán bánh kẹo không chỉ là trường hợp cá biệt tại Tràng An và Hải Châu. Bánh kẹo Hải Hà (mã chứng khoán: HHC) và Hữu Nghị (mã chứng khoán: HNF) mặc dù có doanh thu vào loại hàng đầu thị trường nhưng hiệu suất kinh doanh rất thấp. Vì vậy, xưa nay các doanh nghiệp này ít khi gây ấn tượng bởi kết quả kinh doanh mà các câu chuyện hỗ trợ cho giá cổ phiếu đều liên quan đến các mảnh đất.
Vào tháng 7/2012, Hải Hà đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án “Hợp tác đầu tư xây dựng tổ hợp đa chức năng tại 25-27 Tr¬ương Định, Hà Nội” với Liên danh Công ty cổ phần hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên đầu tư xây lắp và phát triển nhà. Dự án không thực hiện theo đúng tiến độ và phải đổi nhà đầu tư. UBND thành phố Hà nội chưa phê duyệt quy hoạch cho khu đất dự án 25 Trương Định.
Nhà máy của Hải Hà tại 25 Trương Định Hà Nội. |
Đối với bánh kẹo Hữu Nghị, tại ĐHCĐ thường niên năm 2015, cổ đông đã thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu đất 122 Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) thành văn phòng làm việc, công trình nhà ở để kinh doanh. Tuy nhiên đến 30/06/2017, công ty vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như lập dự án quy hoạch.
Trong khi đó, tại khu vực này đang mọc lên hàng loạt dự án song song với sự hoàn thiện của đường vành đai 2,5.
Sự vướng mắc của dự án bánh kẹo Hữu Nghị được cho là gắn liền với những rắc rối trong cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp này trước khi cổ đông nhà nước Vinataba thoái vốn.
Trong năm qua, Hải Hà và Hữu Nghị “gây bão” bởi thương vụ thoái vốn của Vinataba khỏi 2 doanh nghiệp này và cuộc chuyển nhượng cổ phiếu vòng vèo qua các cá nhân khiến cho cổ đông cũ không đồng tình. ĐHCĐ lần thứ 3 của Hải Hà vẫn chưa thể tổ chức thành công khi cổ đông phủ quyết chương trình đại hội ngay từ đầu.