(ĐSPL) - Vì tin tưởng "sếp", Tuyết Anh đã tình nguyện lấy tài khoản của mẹ chồng đưa cho Huyền Như sử dụng. Tuy nhiên, cô không hề biết, hành động của mình đã vô tình giúp sức cho "sếp" lừa đảo số tiền khủng lên đến 210 tỉ đồng.
Cũng vì điều này, trong phiên tòa sơ thẩm, Tuyết Anh đã phải nhận mức án 15 năm tù giam vì tội Vi phạm các quy định về việc cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Sự thật về căn biệt thự 43 tỉ đồng
Suốt bốn ngày xét xử, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank) vẫn liên tục khẳng định, bản án sơ thẩm xét xử là đúng người, đúng tội và mức án chung thân dành cho mình về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chính xác. Do đó, đứng trước vành móng ngựa, Huyền Như khai không có ý định kháng cáo.
Tuy nhiên, bị cáo này lại cho hay, đến phiên tòa phúc thẩm chỉ với một ý định duy nhất là "xin lại nhà cho mẹ". Căn nhà mà Huyền Như nhắc đến thực chất là căn biệt thự số H2 The Nam Hải (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trị giá lên tới 43 tỉ đồng.
Huyền Như đã đẩy cấp dưới của mình vào vòng lao lý. |
Trước đó, mẹ của Như là bà Nguyễn Thị Lang cũng đã có kiến nghị tòa phúc thẩm trả lại căn biệt thự này cho mình. Bà khẳng định, căn biệt thự H2 được bà mua vào tháng 4/2009 và đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp trước khi Như thực hiện hành vi phạm tội. Căn biệt thự có diện tích gần 3.000m2 trị giá 43 tỉ đồng, do công ty Indochina Resort làm chủ đầu tư. Bà cho rằng, cấp sơ thẩm không đưa bà vào tham gia tố tụng của vụ án là thiếu sót. Bà có đề nghị, cấp phúc thẩm đưa mình vào tham gia tố tụng.
Chưa hôm nào bà Lang vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm. |
Trước đó, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra vụ án này trong khoảng thời gian dài với quyết tâm phải tìm ra gốc rễ của vụ việc. Bên cạnh đó, công an cũng đã "đào xới", truy lùng các tài sản "ẩn giấu" của Huyền Như đã tẩu tán. Do đó, cơ quan chức năng đã tìm ra được căn biệt thự H2. Ngoài ra, hàng loạt bất động sản khác do Huyền Như nhờ người thân của mình đứng tên cũng đã bị đưa ra ánh sáng.
Trong đó, phải kể đến là bốn căn hộ liền kề từ số 14B1 đến 17B1 tại chung cư Orient Apartment (Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TP.HCM) do chị ruột của Như là Huỳnh Mỹ Hạnh đứng tên. Theo hợp đồng mua bán với phía chủ căn hộ, Hạnh đứng tên mua bốn căn hộ này với giá hơn 10,4 tỉ đồng. Trong hợp đồng, phía Hạnh đã trả gần 9,9 tỉ đồng và còn nợ hơn 510 triệu đồng. Tức, Hạnh đã thanh toán khoảng 95\% giá trị khối tài sản này. Từ những điều này, dư luận có quyền hoài nghi, phải chăng căn biệt thự H2 cũng được Huyền Như dùng chiêu thức nhờ đứng tên?
Cần nhắc lại rằng, căn biệt thự H2 được cơ quan công an phát hiện, kê biên tài sản nhờ vào lời khai của Huyền Như. Hay, nói cách khác, Huyền Như đã thừa nhận khối tài sản này là của mình. Khi kê biên căn biệt thự, cơ quan chức năng cũng đã thông báo cho Huyền Như. Nhưng đến ngày cuối cùng kháng cáo theo luật định, Huyền Như mới viết đơn kháng cáo "xin" trả lại căn biệt thự này cho mẹ.
Như chúng tôi đã nói trước đây, ước lượng tổng số tài sản Huyền Như bị kê biên là 300 tỉ đồng. So với gần 4.000 tỉ đồng mà Huyền Như đã chiếm đoạt thì con số ấy quá nhỏ. Hiện tại, số tiền khủng "mất tích" trong vụ án đang ở đâu vẫn là dấu hỏi lớn, khiến không ít cá nhân, tổ chức, công ty rơi vào cảnh sống dở, chết dở. Thế nhưng, "siêu lừa" vẫn trước sau như một "xin" tòa trả lại căn biệt thự có giá trị bậc nhất ở miền Trung cho mẹ mình.
Cần phải nói rõ, Huyền Như kháng cáo thì cấp phúc thẩm đưa ra xét xử. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, cơ quan chức năng sẽ không thể nào bỏ qua những chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra. Những chứng cứ này cũng đã được Viện Kiểm sát nhân dân và HĐXX cấp sơ thẩm xem xét, truy cứu rõ và cuối cùng quyết định tịch thu căn biệt thự nhằm góp phần khắc phục hậu quả của vụ án mà "siêu lừa" đã gây ra.
Lấy tài khoản của mẹ chồng cho "sếp" lừa đảo
Suốt mấy ngày qua, Tòa phúc thẩm vẫn đang xét hỏi các bị cáo để làm rõ hành vi phạm tội, các nguồn tiền, tránh trường hợp thiếu sót, sai phạm, ảnh hưởng đến những người, cơ quan, tổ chức liên quan. Trong quá trình xét hỏi Huyền Như, HĐXX đã công bố một thông tin chưa từng được nhắc đến trong phiên tòa sơ thẩm: "Huyền Như đã rút tiền của công ty SBBS ra và chuyển vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Thơm, mẹ chồng của bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh. Sau đó, Huyền Như nhận tiền do những người này đưa lại".
Video tham khảo:
“Siêu lừa” Huyền Như thuật lại mánh khóe rút tiền của ACB
Huyền Như thừa nhận, năm 2010, thông qua Vũ Minh Hải (nhân viên công ty cổ phần chứng khoán Ocean Bank) giới thiệu, biết công ty SBBS có nguồn tiền muốn gửi vào Vietinbank. Như "nhử mồi" công ty này bằng cách đưa ra lãi suất "hời" 14\%/năm và phí ngoài hợp đồng từ 2\% đến 6\%/năm. Huyền Như không nhận hồ sơ mở tài khoản của công ty SBBS trực tiếp mà thông qua trung gian là Hải và Vũ Thị Mỹ Linh (kế toán trưởng của SBBS). Sau đó, Huyền Như đã chi 30 tỉ đồng cho hai người này để tiền của công ty SBBS chuyển vào tài khoản công ty cổ phần chứng khoán Ocean Bank tại Vietinbank nhằm mục đích chiếm đoạt sau này.
Khi nhận hồ sơ, Huyền Như mở tài khoản của công ty này tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM có chữ ký, con dấu giám đốc, quyết định thành lập, giấy ủy quyền, tức là tài khoản hợp lệ. Công ty này chuyển vào tài khoản 225 tỉ đồng, sau đó, rút ra 15 tỉ đồng. Số tiền còn lại đã bị Huyền Như dùng "chiêu" để chiếm đoạt.
Huyền Như làm giả các lệnh chi và nhờ cấp dưới là Tuyết Anh mượn tài khoản của mẹ chồng để chuyển vào rồi rút ra chiếm đoạt. Cả Như lẫn Tuyết Anh đều có cùng câu trả lời, cho rằng, Tuyết Anh không hề biết mình đã vô tình tiếp tay cho cấp trên lừa đảo 210 tỉ đồng. Tuyết Anh cũng khai, mẹ chồng không có giấy ủy quyền nhận tiền của công ty SBBS. Sở dĩ, bị cáo sơ hở là vì: "Chị Như nói mượn chuyển tiền vào để giúp khách hàng".
Có mặt tại phiên tòa, bà Thơm cho biết, thời điểm đó, Tuyết Anh mới đi làm lại sau khi sinh. Về nhà, Tuyết Anh thường than về áp lực chỉ tiêu. Thương Tuyết Anh, bà quyết định mở tài khoản, đồng thời gửi tài khoản toàn bộ số tiền dành dụm bao năm, xem như là chia sẻ một phần khó khăn với con dâu.
Bà không hề biết Huyền Như mượn tài khoản của mình để chuyển tiền bất hợp pháp cho đến khi Cơ quan điều tra mời lên làm việc. Mặc dù vậy, bà thừa nhận, nhiều lần ký giấy nhận tiền mặt nhưng không thể nhớ chính xác bao nhiêu lần. Vì quá tin tưởng con dâu nên bà ký và đưa tiền cho Tuyết Anh ngay tại ngân hàng chứ không lần nào đem tiền về nhà.
Cũng trong phần xét hỏi, HĐXX đã chỉ ra một lỗi "chết người" của công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và trở thành nạn nhân của Huyền Như. Để phục vụ kinh doanh, công ty này mở một tài khoản tiền gửi thanh toán tại Vietinbank. Sau khi mở tài khoản, phía công ty đã chuyển tiền vào theo thỏa thuận với Vietinbank và ngân hàng cũng đã có văn bản xác nhận tiền đã vào tài khoản.
Tuy nhiên, phía công ty này nghĩ rằng, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP.HCM cùng trong một hệ thống nên có nhiệm vụ giống nhau. Mặc dù biết Như là cán bộ chi nhánh TP.HCM, nhưng công ty vẫn thông qua bị cáo để giao dịch với chi nhánh Nhà Bè rồi ký hợp đồng ủy thác đầu tư với chi nhánh Nhà Bè. Sau đó, công ty này lại chuyển tiền vào tài khoản tại chi nhánh TP.HCM. Huyền Như đã vạch ra toàn bộ kế hoạch để chiếm đoạt tiền của công ty này.
Điều lạ tại phiên tòa Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bà Lang đã "nhờ" hai luật sư "đòi" lại biệt thự H2 cho mình. Mấy ngày qua, hôm nào bà Lang cũng đến phiên tòa, im lặng lắng nghe từng lời khai của các bị cáo. Mỗi khi đến giờ nghỉ, bà bước ra sân tòa, đứng gần xe bít bùng chở con gái về trại tạm giam. Tuyệt nhiên, bà không nói, dặn dò lời nào với Huyền Như. |