Báo Dân trí đưa tin, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM vừa kiểm tra đột xuất loạt doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố và phát hiện sản phẩm vàng, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, nghi giả mạo nhãn hiệu.
Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM tiến hành kiểm tra đột xuất một số đơn vị kinh doanh vàng. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP.HCM
Theo đó, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn các quận, huyện. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân theo quy định.
Bước đầu đoàn kiểm tra đã phát hiện một số vi phạm như bày bán các sản phẩm vàng trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn hàng hóa.
Ngoài ra, các mặt hàng (bông tai, mặt dây chuyển, lắc tay…) có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Versace, Louis Vuitton... Lực lượng quản lý thị trường thành phố đã lập biên bản và đang làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn trong thời gian tới.
Trước đó, tại Hà Nội, ngày 4/4, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc cũng bị kiểm tra đột xuất.
Theo báo Thanh niên, ngày 9/4, một lãnh đạo Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), đã thông tin kết quả xác minh nguồn gốc sản phẩm vàng trang sức có dấu hiệu vi phạm.
Theo đó, 3 cửa hàng kinh doanh vàng này thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên Phúc Thành Hà Nội, số 276 Ngọc Lâm, quận Long Biên; Công ty TNHH vàng Bảo Tín Lan Vỹ, số 84A Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy; Công ty TNHH vàng bạc Chiến Minh, số 119 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy.
Ở thời điểm kiểm tra, các tổ công tác Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường phát hiện nhiều sản phẩm nữ trang, gồm: vòng cổ, vòng tay, nhẫn, bông tai... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như: Chanel, Hermes, Louis Vuitton…
Sau khi kiểm tra các chứng từ xác minh nguồn gốc, bảng niêm yết giá, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã phát hiện một số hành vi vi phạm.
Cụ thể, có doanh nghiệp vi phạm quy định về niêm yết giá, với giá trị hàng hóa vi phạm lớn nên dự kiến xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao lên tới 70 - 80 triệu đồng; có doanh nghiệp vi phạm về nhãn hàng hóa, xâm phạm sở hữu công nghiệp. Có doanh nghiệp vận hành website bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử nhưng chưa thông báo đến Bộ Công thương...
V.A (T/h)