Bình Định ưu tiên sơ tán người dân sống ven biển
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định cho biết, tính đến 4h ngày 27/9 vẫn còn 216 tàu với 1.610 người nằm trong vùng nguy hiểm ảnh hưởng của bão số 4.
Thông tin trên TTXVN, Bình Định cũng đã có kế hoạch sơ tán gần 19.000 hộ với khoảng 65.500 người khi bão đổ bộ; trong đó, ưu tiên người dân sống ven biển, khu vực nguy cơ ảnh hưởng cao.
Bên cạnh đó, địa phương còn có kế hoạch sơ tán người dân vùng ven biển do nước biển dâng là 7.255 hộ với gần 25.700 người; sơ tán 827 hộ với 3.274 người do có nguy cơ sạt lở đất.
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 13 khu vực nguy cơ cao sạt lở đất tại huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Phù Cát và TP.Quy Nhơn.
Đà Nẵng sẽ sơ tán hơn 100.000 người
Theo Tiền Phong, ngày 26/9, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức họp để chỉ đạo các sở ngành triển khai các công việc phòng chống bão Noru (bão số 4).
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng, trong kịch bản bão Noru mạnh cấp 14 đến cấp 17, tổng số người dân tại Đà Nẵng phải sơ tán là hơn 107.000 người. Trong đó, huyện Hòa Vang có số người dự kiến được sơ tán nhiều nhất với gần 30.000 người.
Ngư dân đưa tàu cá vào bờ để trú bão. Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Liên quan đến việc phòng chống bão số 4 tại Đà Nẵng, VietNamnet cho hay, vào sáng 27/9, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản ứng phó.
Cụ thể, thành phố yêu cầu người dân (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h ngày 27/9 đến khi có thông báo tiếp theo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân dự thành phố.
Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tuyệt đối không để người ở lại trên các trên tàu cá, lán trại tạm công trình đang xây dựng từ 14h ngày 27/9 cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 4.
Tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vùng núi, vùng ven sông, ven suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng đến nơi an toàn, hoàn thành trước 14h ngày 27/9.
Quảng Ngãi
Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết địa phương sẵn sàng di dời hơn 53.000 người dân vùng trũng, thấp, ven sông, ven biển và vùng nguy cơ sạt lở núi đến các nơi tập trung như: Trường học, các trụ sở cơ quan và khoảng hơn 8.000 người di dời ghép từ các nhà yếu, nhà không đảm bảo đến các nhà kiên cố để tránh bão số 4.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tạm hoãn các công việc chưa thực sự cần thiết để tập trung công tác phòng, chống khi bão Noru đổ bộ vào đất liền. Địa phương ban hành lệnh cấm các phương tiện hoạt động trên biển, kể cả vận chuyển khách từ Cảng Sa Kỳ ra huyện đảo Lý Sơn và ngược lại.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương phải hoàn thành di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn trước 10h ngày 27/9.
Thừa Thiên - Huế
Để chủ động ứng phó với bão số 4 và đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành phương án sơ tán, di dời 14.384 hộ dân với 47.411 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng đến nơi an toàn, TTXVN đưa tin.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu các UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn bắt đầu từ 9h ngày 27/9 và hoàn thành trước 12h ngày 27/9.
Trong đó, ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương như: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo trước thời điểm bão vào.
Bên cạnh đó, địa phương cũng yêu cầu người dân không được ra đường từ 21h ngày 27/9 đến khi có thông báo mới, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. Các khu chợ truyền thống tạm ngừng mua bán từ 14h ngày 27/9.
Quảng Nam
Ngày 26/9, Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện khẩn gửi các sở, ban, ngành địa phương về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão Noru. Chính quyền tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương đình hoãn những cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão lũ.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, các địa phương cần kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Quảng Nam dự kiến sơ tán, di dời hơn 400.000 người dân khi bão đổ bộ. Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9h ngày 27/9.
Địa phương cũng ban hành lệnh cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0h ngày 26/9 (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ), cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Công việc này phải hoàn thành trước 12h ngày 27/9.
Thủy Tiên (T/h)