Sau khi thông tin về tình trạng nhà xưởng không phép "mọc" trên đất nông nghiệp, hệ quả của việc buông lỏng quản lý đối với tình trạng này của huyện Hoài Đức. Tạp chí Đời sống Pháp luật tiếp tục Kỳ 3 của loạt phóng sự này với việc nhiều xe ô tô chở đất thải xây dựng ngang nhiên san lấp vào khu đất đang được canh tác bởi người dân xã Song Phương, Hoài Đức.
Trong quá trình điều tra, chúng tôi nhận thấy có nhiều bãi tập kết, chôn lấp phế thải, phế liệu trên đất nông nghiệp. Có mặt tại khu vực đất của người dân bị san lấp, PV ghi nhận, ngoài đất thải thì còn một phần lớn là đất đá, nhựa đường được các đối tượng đổ vào khu vực đất nông nghiệp của người dân.
ngoài đất thải thì còn một phần lớn là đất đá, nhựa đường được các đối tượng đổ vào khu vực đất nông nghiệp của người dân.
Người dân cho rằng số đất thải trên do đơn vị thi công công trình “Cải tạo, nâng cấp đường giao thông tuyến từ đê Tả Đáy đến chân cầu vượt Phương Bảng” trong quá trình thi công tại tuyến đường này đã đổ ra. Được biết, Dự án “Cải tạo, nâng cấp đường giao thông tuyến từ đê Tả Đáy đến chân cầu vượt Phương Bảng” khởi công ngày 23/2. Dự án trên có mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng, do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư. Công ty CP tư vấn xây dựng Hợp Bình là đơn vị thi công.
Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên, người dân đã nhanh chóng báo tin cho UBND và lực lượng Công an xã Song Phương để kịp thời có biện pháp xử lý. Sau đó, chính quyền xã Song Phương đã cho người xuống ghi nhận sự việc.
Thế nhưng, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Đỗ Văn Toàn, Chủ tịch xã Song Phương cho biết, UBND xã chưa nhận được thông tin phản ánh của người dân liên quan đến vụ việc trên.
Để có thêm thông tin khách quan, PV cũng đã nhiều lần liên hệ qua số điện thoại của Công ty CP Tư vấn Xây dựng Hợp Bình - đơn vị thi công Dự án “Cải tạo, nâng cấp đường giao thông tuyến từ đê Tả Đáy đến chân cầu vượt Phương Bảng” nhưng đều được báo là nhầm số, không liên lạc được.
Theo nghiên cứu, tìm hiểu trên địa bàn xã Song Phương không chỉ xảy ra tình trạng san lấp vào đất canh tác của người dân. Trên địa bàn xã này cũng tồn tại nhiều điểm tập kết phế thải trái phép từ một số công trình xây dựng trong nội thành chở ra. Điều đáng nói những bãi tập kết này nằm khá gần với trụ sở các cơ quan chức năng nhưng không hiểu vì sao vẫn tồn tại và hoạt động một cách công khai.
Trên địa bàn xã này cũng tồn tại nhiều điểm tập kết phế thải trái phép từ một số công trình xây dựng trong nội thành chở ra.
Theo ghi nhận của PV, không riêng gì địa bàn xã Song Phương, tại xã Vân Côn và xã An Thượng huyện Hoài Đức cũng xuất hiện nhiều bãi tập kết phế thải trái phép. Việc tập kết phế thải ở trên cũng kéo theo tình trạng xe quá khổ quá tải hoạt động rầm rộ gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đe dọa cơ sở hạ tầng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nơi đây.
Tại xã Vân Côn và xã An Thượng huyện Hoài Đức cũng xuất hiện nhiều bãi tập kết phế thải trái phép.
Theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015 quy định, người nào có hành vi chôn lấp rác thải rắn thông thường trái quy định pháp luật từ 200.000 kilogam đến dưới 500.000 kilogam thì bị phạt tiền từ 100 triệu - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nếu là pháp nhân thương mại phạm tội như trên thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng.
Về xử lý vi phạm hành chính thì: Cá nhân, tổ chức có hành vi chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý thì bị phạt tiền tối đa đến 250 triệu đồng theo khoản 9, điều 20, Nghị định 155/2016 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Đề nghị UBND huyện Hoài Đức và Công an huyện Hoài Đức sớm vào cuộc làm rõ những thông tin trên, tránh tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, cần xử lý nghiêm cá nhân tổ chức nếu phát hiện hành vi vi phạm hoặc bao che cho vi phạm.
Tạp chí Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.