Dọc mùng (còn gọi ráy dọc mùng, bạc hà, môn thơm…) được trồng hoặc mọc hoang dại ở rất nhiều nơi, dễ phát triển trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thường mọc tại những nơi ẩm ướt.
Trước đây, người dân thường cắt dọc mùng về để cho lợn, cho gà ăn do nhầm tưởng đó là cây ráy ngứa. Dần dần, dọc mùng trở thành loại rau được ưa chuộng trong các bữa ăn của rất nhiều người dân Việt. Bởi bẹ lá dọc mùng có thể sử dụng để nấu canh cá chua, muối dưa, nhúng lẩu…
Theo thông tin trên báo Dân Việt, dọc mùng thuộc họ ráy, phổ biến ở vùng nhiệt đới châu Á, sau đó lan rộng đến miền Đông Bắc Australia. Đây là cây lâu năm, thân thảo, với cuống lá dày, xốp và mọng nước.
Dọc mùng có lá vươn cao hơn 1m, bản to hình trái tim, giữa lá có gân chạy dọc chiều dài của lá. Phần rễ dọc mùng phình ra như dạng củ. Cây sẽ trổ hoa vào mùa xuân sang mùa hè, hoa đực mọc ở ngọn dòm dạng thỏi có bao choàng, còn hoa cái mọc ở gốc thỏi; quả màu đỏ, hình trứng.
Theo y học hiện đại, khoảng 100g dọc mùng có chứa 95g nước, 0,25g protein và 3,8g bột đường. Loại rau này cũng chứa lượng lớn phốt pho, kali, canxi, magie, sắt và vitamin C.
Bẹ lá dọc mùng có thể sử dụng để nấu canh cá chua, muối dưa, nhúng lẩu… Ảnh minh họa
Theo Đông y, dọc mùng có vị nhạt, tính mát, không có độc, với tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Thân và lá dọc mùng tiêu ứ, trừ giun, trong khi củ dọc mùng phơi khô tán bột để chữa bệnh ngoài da.
Trong đời sống hàng ngày, dọc mùng được dùng để chế biến nhiều món ăn như canh, bún, nộm, luộc hoặc muối như dưa chua. Dọc mùng hợp với các món giàu chất đạm. Vào ngày hè, rau này được nhiều người ưa thích bởi thanh mát, giải độc, lại ngon miệng.
Theo nhiều nghiên cứu, dọc mùng tốt cho những người bị mỡ máu, cholesterol máu cao, được coi như "máy quét"mỡ ra khỏi cơ thể. Loại rau này cũng là thực phẩm đầu bảng tốt cho việc giảm cân, hệ tim mạch.
Dọc mùng có thể sử dụng tươi hoặc phơi khô làm thuốc. Để điều trị bệnh sởi, người ta lấy bẹ dọc mùng rửa sạch, rồi phơi khô và đem nấu với nước cho đến khi cô đặc lại, uống 2-3 lần/ngày, kiên trì trong vòng 4-5 ngày. Dọc mùng còn sử dụng trong trị cảm cúm bằng cách phơi khô, sau đó sắc cô đặc và uống khi còn ấm nóng.
Những năm gần đây, dọc mùng “đổi đời” sau khi được nhiều đơn vị thu mua, mang về sấy khô để xuất đi Nhật, Malaysia, Philippines…, theo thông tin trên Thời báo Văn Học Nghệ Thuật. Dọc mùng khô tiện lợi cho người tiêu dùng và dễ bảo quản.
Được biết, để làm ra 1kg dọc mùng khô thì cần tới 5kg dọc mùng tươi. Muốn dọc mùng ngon và giữ nguyên vị, cần sấy khô thay vì phơi ở ngoài trời.
Đối với hàng loại 1, dọc mùng sấy khô sẽ được bán với giá 300.000 đồng/kg, còn đối với hàng loại 2 thì có mức giá 200.000 đồng/kg.
Trên một số trang thương mại điện tử ở Việt Nam, dọc mùng sấy khô thường được bán theo lạng, với mức giá từ 30.000 đồng/lạng.
Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, người dân ở một số tỉnh miền Tây đã cải tạo vườn tạp để trồng dọc mùng và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo chia sẻ của anh Phạm Quốc Tuấn - một nông dân trồng 3.000m2 dọc mùng, trước đây gia đình anh chuyên trồng bắp, đậu cô ve, mướp đắng... Tuy nhiên, do thời tiết thất thường, năng suất giảm nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó, anh đã chuyển sang trồng dọc mùng, vốn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và ít vốn đầu tư.
“Thời gian từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 3 tháng. Nếu chăm sóc tốt, mỗi bẹ dọc mùng cao khoảng 2m, trọng lượng 2-3kg/bẹ. Mỗi lứa tôi thu hoạch khoảng 30 tấn, một năm trồng 2 lứa. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, tôi thu về 150 – 180 triệu/năm”, anh Tuấn cho hay.
Nếu là người thích trồng rau và làm vườn, mọi người có thể tự trồng dọc mùng trong thùng xốp ở ban công, sân thượng hoặc sân vườn nhà. Chỉ với một vài gốc, mọi người sẽ có dọc mùng để ăn quanh năm.
Lưu ý, dọc mùng chứa các chất gây ngứa, nếu chế biến không kỹ thì có thể khiến người ăn cảm thấy ngứa họng, khó chịu. Do đó, khi chế biến cần phải lột vỏ dọc mùng ra, rửa thật sạch rồi đem ngâm trong nước muối khoảng 15 phút. Tiếp đó, dùng tay bóp kiệt nước rồi rửa sạch là được. Cẩn thận hơn thì có thể làm thêm một bước nữa là trần qua với nước sôi.
Ngoài ra, lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) khuyến cáo, người tăng axit uric nên hạn chế ăn dọc mùng. Người có cơ địa dị ứng dọc mùng có thể bị ngứa, vì thế cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.