Rau lỗ bình nếu nhìn sơ qua có nhiều nét tương đương với cây rau càng cua ở miền Tây Nam Bộ.
Loại rau này có thể dùng trộn salad, ăn với lẩu hoặc nấu canh. Ảnh minh họa
Ngoài là món ăn ngon, thân cây của lỗ bình còn được sử dụng chữa viêm họng, viêm phế quản mãn tính, phong tê thấp, đau nhức xương khớp, chấn thương sưng đau…
Loại rau này thường mọc dại rất nhiều ở những vùng vách đá cao cheo leo của Tây Bắc như Cao Bằng, Hà Giang hoặc ở ven suối của các tỉnh phía nam như Gia Lai, Đắk Lắk.
Loại rau dại này có mùi vị chua nhẹ, thanh mát, vị giòn, ngọt, sắc tố xanh đẹp mắt, theo Dân Việt.
Các món ăn từ rau lỗ bình rất nổi tiếng trong các nhà hàng như salad, lỗ bình xào tỏi, bánh xèo rau rừng, lẩu gà rau lỗ bình, rau rừng kho quẹt…
Tại các chợ phiên của người dân ở Tây Bắc, rau lỗ bình được bán đại trà, là rau lạ lại sạch và ngon nên rất được ưa chuộng.
Thân cây của lỗ bình còn được sử dụng chữa viêm họng, viêm phế quản mãn tính, phong tê thấp, đau nhức xương khớp, chấn thương sưng đau…Ảnh minh họa
Trên các sàn thương mại điện tử, rau lỗ bình cũng được bán với giá 120.000 đồng/kg. Tại TP.HCM hay các tỉnh lân cận, tìm loại rau này khá hiếm, do quá trình vận chuyển xa có thể làm rau bị mất nước, héo úa và dập, ảnh hưởng tới chất lượng của lỗ bình.
Chia sẻ với Thương hiệu & Sản phẩm, chị Hạnh Nguyễn (TP.HCM), một thực khách lần đầu biết tới món rau lỗ bình cho biết: “Quả thật mình nhìn đĩa rau rừng có lỗ bình là mê tít. Mấy món rau này với người miền xuôi quý hơn vàng, mê nhất là xào tỏi cay nồng”.
Thời gian gần đây, rau lỗ bình đã được trồng quy mô lớn ở các vườn rau trong nhà kính ở Đà Lạt, Lâm Đồng… Các nhà vườn đều nghiên cứu và lên kế hoạch mở rộng diện tích trồng lỗ bình để cung ứng thêm cho thị trường do nhu cầu đặt hàng ngày càng tăng.
Các nhà vườn ở Đà Lạt, Lâm Đồng đã bắt tay vào trồng loại rau này với quy mô lớn. Ảnh minh họa
Anh Cường, chủ vườn rau lỗ bình ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết, loại rau này dễ trồng, chỉ cần đủ ẩm là phát triển nhanh chóng. Hiện vườn của anh đang cung cấp rau cho nhiều nhà hàng tại Lâm Hà, Bảo Lộc, Đức Trọng và Đà Lạt với giá cả ổn định.
Anh Cường chia sẻ : “Rau lỗ bình rất dễ trồng, là rau rừng nên lỗ bình rất khỏe, không phải phun bất cứ thuốc gì vì chúng ít có sâu bệnh hại. Chỉ cần đủ nước tưới là rau lên rất tốt”. Anh Cường đang lên kế hoạch mở rộng diện tích trồng lỗ bình để cung cấp thêm cho thị trường.
Trong khuôn viên hơn 400 m2 nhà kính, thay vì trồng các loại rau quen thuộc mà người nông dân Lâm Hà thường trồng, chị Trần Thị Nhung (trú thôn Liên Trung, Tân Hà, Lâm Hà, Lâm Đồng) lại trồng rau lỗ bình.
Ban đầu do chưa thành thạo trong khâu ươm mầm nên cây giống bị chết 70%, chị đã phải lặn lội nhiều lần trở lại trung tâm nghiên cứu để đặt mua thêm cây giống và học hỏi kỹ thuật làm đất, quy trình tưới nước...
Sau 3 tháng, khi mẻ giống đầu tiên được trồng xuống, vườn rau đã từng bước phát triển đồng đều và cho năng suất đáng kể. Khi cây đã phát triển và cho thu hoạch, chị mới bắt đầu tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua các trang mạng xã hội. Và kết quả là loại rau này đã rất được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Đây là loại rau phù hợp, thích nghi với môi trường, điều kiện khí hậu của Lâm Đồng, có thể sản xuất đại trà như các loại rau thương phẩm khác. “Rau rừng ở đây được trồng cả trong nhà kính. Riêng việc nhân giống khá dễ dàng, có thể dùng phương pháp nuôi cấy mô hoặc đơn giản hơn là giâm nhánh với chi phí đầu tư ban đầu không cao”, chị Nhung cho biết.
Vốn là rau rừng nên rau lỗ bình khá dễ trồng và chăm sóc, việc chăm sóc không quá cầu kỳ và gần như không phải dùng các biện pháp phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, chính vì vậy mà loại rau này đang được các nhà hàng ưa chuộng. Với diện tích 400 m2, sản lượng trung bình đạt 400 kg trên 1 đợt thu, mỗi đợt cách nhau khoảng 1 tháng rưỡi, trung bình chị có thu nhập đạt trên 20 triệu đồng/tháng.
Theo tìm hiểu, không chỉ là món ăn ngon, thân của lỗ bình còn được sử dụng chữa viêm họng, viêm phế quản mãn tính, phong tê thấp, đau nhức xương khớp, chấn thương sưng đau…,theo Người Đưa Tin.
T.D (T/h)