Rắn hổ mang phun nọc đen trắng được Việt Nam đưa vào Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Nhóm IIB), theo quy định tại Điều 4 Nghị định 06/2019/NĐ-CP năm 2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Tại Việt Nam, loài rắn này chủ yếu sinh sống tại các khu rừng ở miền Trung và miền Nam nước ta. Tính riêng tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, hổ mang phun nọc đen trắng như "báu vật sống" của những cánh rừng nguyên sinh.
Về ngoại hình, hổ mang phun nọc đen trắng là loài rắn hổ mang cỡ trung bình, có thân hình mảnh khảnh hơn so với hầu hết các loài rắn hổ mang khác trong chi Naja. Màu sắc cơ thể của loài này thay đổi từ xám sang nâu đến đen, với các đốm hoặc sọc trắng. Hoa văn màu trắng có thể rất phong phú đến mức bao phủ phần lớn cơ thể rắn.
Con rắn trưởng thành có chiều dài trung bình từ 0,9 đến 1,2 mét và có khả năng đạt chiều dài tối đa là 1,6 mét, mặc dù điều này được coi là hiếm. Khối lượng cơ thể của con trưởng thành vào khoảng 1,6 kg.
Giới săn rắn và các nhà sinh vật học khuyên rằng, con người nên tránh đụng độ loài này vào ban đêm vì khi bị đe dọa vào ban đêm, "đường cong tử thần" sẽ xuất hiện. Khi đó, loài rắn này như biến thành một phiên bản khác: Đáng sợ, hung dữ và thiện chiến như tử thần. Chúng sẽ dựng thân trên lên một cách vững chãi. Sau đó bành mang ra, há miệng và phun nọc độc dạng "sương mù", thay vì một "dòng nọc" độc vào kẻ thù. Nếu hổ mang phun nọc đen trắng phun nọc độc vào mắt một người, người đó sẽ cảm thấy đau đớn ngay lập tức và dữ dội. Sau đó sẽ bị mù tạm thời và đôi khi là mù vĩnh viễn.
Để bảo tồn loài động vật này, Việt Nam cũng liệt kê rắn hổ mang phun nọc đen trắng là nguy cấp trong Sách đỏ quốc gia, cấm mọi hoạt động săn bắt, buôn bán bất hợp pháp.
Ảnh: Sách Đỏ IUCN, Thai National Parks, Ecologyasia