Chiến đấu cơ thế hệ mới của Mỹ có khả năng thay thế F-22 và F-35 là Penetrating Counter Air (PCA) dự tính tiêu tốn khoảng 300 triệu USD cho mỗi chiếc.
Mỹ đang nghiên cứu, chế tạo chiến đấu cơ mới vô cùng đắt đỏ. Ảnh minh họa: Boeing |
Nghiên cứu mới mang tên “Chi phí thay thế hạm đội không quân ngày nay” của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho thấy PCA có thể tiêu tốn của Mỹ 300 triệu USD mỗi chiếc theo tỷ giá đồng USD năm 2018, tức là cao hơn gấp 3 lần so với máy bay F-35 với chi phí 94 triệu USD.
PCA được cho là có khả năng thay thế phi đội F-22 và F-15 hiện tại, dự kiến trở thành máy bay chiến đấu không đối không chuyên dụng của không quân vào năm 2030. Không giống như F-35A, PCA sẽ chỉ tập trung vào bầu trời, tối ưu hóa để chiến đấu và giành chiến thắng trước các mối đe dọa trên không, cụ thể là nhằm vô hiệu hoá chiến đấu cơ Sukhoi Su-57 của Nga và J-20 của Trung Quốc.
CBO ước tính rằng không quân Mỹ sẽ cần tổng cộng 414 máy bay chiến đấu mới. Như vậy, tổng chi phí cho dự án PCA có thể lên tới 124 tỷ USD.
Vậy tại sao PCA lại đắt đỏ như vậy? Theo nguồn tin được công bố, PCA được trang bị các khả năng vượt trội so với F-22 và F-35. Ví dụ, PCA sẽ cần một radar mạnh hơn cả radar quét mảng điện tử chủ động của F-22 (AN/APG-77 có khả năng phát hiện máy bay chiến đấu tàng hình của đối phương). PCA cũng sẽ cần khả năng tàng hình tốt hơn, đặc biệt là với các radar tần số thấp. Một đặc điểm thiết kế có thể khiến PCA tàng hình tốt so với chiến đấu cơ thế hệ trước là cần bộ ổn định dọc, như máy bay ném bom B-2 Spirit.
Một tính năng khác của PCA là máy bay chiến đấu sẽ được tối ưu hóa để xâm nhập không phận đối phương. Sự trở lại của cuộc chiến tranh giành quyền lực lớn và nhu cầu xâm nhập vào các mạng lưới phòng không quốc gia, phức tạp như ở Nga và Trung Quốc sẽ đặt ưu tiên trên tầm xa.
PCA có thể hộ tống máy bay ném bom B-21 Raider mới của không quân trên các chuyến bay đường dài vào sâu trong lãnh thổ đối phương, đánh bật các máy bay đánh chặn để phi công ném bom có thể tấn công mục tiêu và quay trở căn cứ. Các chuyến bay dài hơn trên không phận địch cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu khoang vũ khí bên trong lớn hơn để chứa nhiều tên lửa không đối không hơn F-22.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Popular Mechanics)