Lo ngại tình trạng “giả điên”
Vụ việc một bệnh nhân tâm thần ở động bay lắc, mua bán trái phép chất ma túy, thậm chí mời cả gái dịch vụ vào phòng điều trị tại bệnh viện tâm thần Trung ương I vừa lắng xuống thì mới đây, Công an TP Hà Nội lại phát hiện một đối tượng có bệnh án tâm thần nhưng vẫn điều hành đường dây bảo kê tín dụng đen. Đối tượng là Nguyễn Việt Dũng, 39 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuối tháng 5 vừa qua, Dũng cùng 6 nghi phạm khác bị Công an Hà Nội bắt giữ. Theo cơ quan điều tra, Dũng là bị can trong một vụ án giết người xảy ra tại quận Cầu Giấy từ năm 2011. Sau khi gây án, Dũng bỏ trốn, sau đó đối tượng làm bệnh án tâm thần rồi ra đầu thú. Nhờ bệnh án này, Dũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Tuy nhiên, thời gian này, Dũng vẫn ra ngoài xã hội chỉ đạo, điều hành hàng chục đàn em thực hiện hành vi bảo kê bến bãi, cho vay nặng lãi.
Người đang điều trị tâm thần mua bán trái phép chất ma túy, biến buồng bệnh thành “động” ma túy. Người có bệnh án tâm thần là trùm bảo kê bến bãi, trùm tín dụng đen. Thực tế này khiến dư luận bức xúc.
Tội phạm giả điên không còn là chuyện hy hữu. Điển hình là vụ án đường dây làm giả bệnh án tâm thần tại bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho hàng chục đối tượng hình sự vào tháng 6/2018. Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 2 cán bộ bệnh viện Tâm thần Trung ương I là bác sĩ chuyên khoa II Thân Thái Phong, Phó trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng, khoa Dinh dưỡng.
Cơ quan điều tra đã yêu cầu rà soát 94 hồ sơ bệnh án, trong đó có tới 41 hồ sơ là của các đối tượng giang hồ cho thấy có đường dây “chạy bệnh án” cho các đối tượng phạm pháp hình sự nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan pháp luật.
Bệnh án tâm thần đã trở thành tấm bình phong để nhiều đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự. Trao đổi với báo chí, Thượng tá Nguyễn Quang Hiền, Phó Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy đã làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nghi phạm sử dụng các loại ma túy tổng hợp có thể xuất hiện ảo giác, loạn thần, có biểu hiện giống tâm thần. Trong khi nếu có kết luận đối tượng bị tâm thần thì cơ quan công an không xử lý được mà phải đưa đi chữa bệnh bắt buộc.
Khu điều trị của bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Thượng tá Nguyễn Quang Hiền cũng cho rằng, do chưa có những quy định cụ thể về thời gian chữa bệnh bắt buộc, nên nếu có sự tiếp tay của các bác sĩ, bệnh nhân sẽ có thời gian điều trị rất dài. Ngoài điều trị nội trú, bệnh nhân cũng có thể điều trị ngoại trú, rất khó kiểm soát. Những trường hợp làm giả bệnh án tâm thần nhằm tránh truy tố của cơ quan chức năng đã và đang xảy ra gây bức xúc trong xã hội, nhất là khi có sự tiếp tay của một số cán bộ y tế.
Cần siết những kẽ hở giả bệnh án tâm thần
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, cơ quan bảo vệ pháp luật liên tục phát hiện các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có giấy chứng nhận tâm thần giả. Kết quả điều tra xác minh của cơ quan chức năng cho thấy có một số cán bộ, bác sĩ vì thiếu đạo đức nghề nghiệp, bất chấp pháp luật, bị cám dỗ vật chất mà đã cấp giấy chứng nhận tâm thần giả cho các đối tượng giang hồ, cộm cán.
Việc này càng khiến các đối tượng này có “bùa hộ mệnh” (được loại trừ trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội), vì thế mà không ngần ngại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý..., gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhiều vụ việc bác sĩ bệnh viện tâm thần tiếp tay cho các đối tượng phạm tội, cấp giấy chứng nhận tâm thần giả đã bị phát hiện phanh phui và xử lý trong thời gian qua. Những tưởng rằng những vụ việc như vậy sẽ làm cảnh tỉnh các cán bộ bệnh viện tâm thần, tuy nhiên sự việc lần này tại bệnh viện Tâm thần Trung ương I lại lần nữa gây chấn động dư luận, khiến người dân cảm thấy lo lắng thực sự đối với nghề y nói chung và một số bệnh viện tâm thần nói riêng.
Theo nhận định của các chuyên gia, để xử lý loại tội phạm lợi dụng bệnh án tâm thần nhằm thoát khung hình phạt cao nhất, trì hoãn, né tránh việc thi hành án, hoặc để được miễn trách nhiệm hình sự, ngoài trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cần sự công tâm của ngành y tế trong việc giám định tâm thần, bởi kết luận giám định pháp y tâm thần là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Và việc chứng minh một người có tâm thần hay không phụ thuộc vào kết quả của Hội đồng giám định pháp y.
Giả tâm thần để được đưa đi điều trị nhằm trốn tội, trốn tránh cơ quan điều tra, là thủ đoạn tội phạm hay sử dụng. Những người làm công tác giám định pháp y tâm thần nếu không giữ vững bản lĩnh, bị tội phạm mua chuộc, làm sai lệch hồ sơ bệnh án, để tội phạm lợi dụng bệnh án tâm thần để trốn tránh xử lý của pháp luật sẽ gây hậu quả rất lớn cho xã hội.
M.Vy
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 3 (91)