Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lở loét da mặt vì dùng nhựa đu đủ xanh tẩy nám, tàn nhang

(DS&PL) -

Nhiều chị em truyền tai nhau cách dùng nhựa của trái đu đủ xanh để tẩy nám, tàn nhang trên da mặt, nhưng lợi bất cập hại, có trường hợp hỏng da do bị viêm da, lở loét.

Nhiều chị em truyền tai nhau cách dùng nhựa của trái đu đủ xanh để tẩy nám, tàn nhang trên da mặt. Nhưng lợi đâu chẳng thấy, có trường hợp hỏng da do bị viêm da, nhiễm trùng lở loét.

Viêm da mặt, lở loét vì nhựa đu đủ xanh

Thấm nhẹ mồ hôi trên da mặt kín mụn, vầng đỏ, có mụn mủ chuẩn bị bung ra, chị Nguyễn Thị Thu (38 tuổi, ngụ TX Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết: “Tôi vừa bị nám vừa bị tàn nhang, nghe bạn bè chỉ cách dùng nhựa nguyên chất của trái đu đủ xanh bôi lên vùng da bị nám, tàn nhang, bôi một tuần 3 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Sau mỗi lần bôi, chỗ da mặt bị ửng đỏ và ngứa bứt rứt, sau khi bôi 2 tuần liên tiếp, chỗ da đó bắt đầu đỏ lên và bong lột da, cứ nghĩ là nhựa đu đủ đã phát huy tác dụng, nhưng tàn nhang mờ đi thì cũng là lúc mụn mủ mọc li ti, ngứa ngáy lan rộng khắp mặt”.

Chị Lê Thu Hạ (27 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) thì cho hay, chị thực hiện theo cách hướng dẫn trên một số trang mạng internet, dùng nhựa đu đủ xanh và dùng cả quả đu đủ xanh nghiền nát đắp mặt nạ mục đích chữa tàn nhang. Nhưng chỉ sau chưa đầy 10 phút đắp mặt nạ đu đủ xanh thì da mặt chị Hạ bị đỏ tấy và ngứa rát.

Theo BS Nguyễn Ngọc Bá - nguyên phó khoa Xét nghiệm dị ứng miễn dịch BV Da liễu TP.HCM, dùng nhựa đu đủ xanh để trị nám và tàn nhang da mặt thực ra là một cách lột da nhưng không có căn cứ khoa học. Thành phần papain trong nhựa đu đủ còn dùng làm găng tay, dùng nấu thịt bò, thịt trâu cho nhanh mềm, nguyên lý của nó là cắt đôi sự liên kết của tế bào nên nó có sự phân hủy rất mạnh.

Da mặt là vùng nhạy cảm, da mỏng nên dễ bị kích ứng. Sử dụng bất cứ mỹ phẩm chăm sóc da nào dù là thảo dược, khi bôi lên da thấy hiện tượng ngứa bứt dứt, ửng đỏ, nổi mụn li ti… chị em nên dừng sử dụng và rửa vùng da bị kích ứng bằng nước sạch nhiều lần.

Nếu bị nặng phải tới bác sĩ chuyên khoa để được chữa trị kịp thời. Có không ít trường hợp chị em tự ý sử dụng thảo dược để tẩy nám, tàn nhang, hoặc làm trắng da, khi tới bệnh viện điều trị thì da đã bị mụn mủ lở loét, có người da phồng dộp như bị phỏng, những trường hợp này phải dùng kháng sinh đặc trị.

Chị Nguyễn Thị Thu (ngụ Bình Dương) bị viêm da mặt vì sử dụng nhựa quả đu đủ xanh trị nám, tàn nhang

Không có cơ sở khoa học

TS Võ Văn Năm - Phó trưởng Bộ môn Dược liệu, ĐH Y Dược TP.HCM cho hay, trong Dược khoa chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc dùng nhựa đu đủ xanh nguyên chất để tẩy nám và tàn nhang, chị em thực hiện theo phương pháp này rất nguy hiểm. Để đưa nhựa đu đủ vào chăm sóc da phải có nghiên cứu khoa học, kiểm nghiệm cụ thể, quy định rõ về liều lượng và các thành phần phối trộn không gây kích ứng da….

Trong nhựa đu đủ xanh có chứa một hỗn hợp protease gồm: Papain, chymopapainA, chymopapainB, proteinase III, proteinase IV. Trong đó, hàm lượng papain chiếm 95% và hoạt tính phân giải protein của papain cao hơn chymopapain nhiều lần. Khi dùng nhựa đu đủ xanh bôi lên da nám, tàn nhang nó sinh ra cơ chế thủy phân, phá vỡ cấu trúc tế bào da, gây kích ứng đỏ lên, gây căng và da bị tẩy mỏng, thậm chí bị lở loét.

Nguyên nhân bị tàn nhang thường là do di truyền, do tiếp xúc ánh nắng mặt trời hoặc do thay đổi bất thường của những hormone trong cơ thể, hay sự phát triển quá mức của các sắc tố melanin, chúng thường xuất hiện ở những người có làn da trắng, mỏng, thường xuyên tiếp xúc ánh nắng mặt trời chúng phát triển nặng hơn.

Hiện có một số công nghệ xóa tàn nhang nhưng chỉ là tạm thời. Đặc biệt lưu ý những nốt tàn nhang giống mụn ruồi, việc tẩy phá chúng có thể nguy hiểm tới tính mạng, đã có trường hợp tẩy nốt ruồi bị ung thư ngay tại vị trí tẩy.

Theo các chuyên gia, nhựa đu đủ có một số men có tác dụng như một kháng nguyên, dù dùng dạng uống hay thoa ngoài da đều có thể gây dị ứng. Một vài nơi người ta dùng nhựa đu đủ để chữa một số chứng bệnh ngoài da như chàm, chai chân, mụn cơm, nhưng không sử dụng nhựa nguyên chất mà pha loãng bằng cách dùng quả đu đủ xanh nghiền nát với nước, gạn nước đó bôi lên da bị bệnh. Tốt nhất không nên thực hiện theo phương pháp truyền miệng không rõ cơ sở khoa học, dược liệu không phải loại nào cũng lành tính, phù hợp với da.

Một số dược liệu cũng có tác dụng làm mờ nám nhưng lành tính như lô hội, tam thất. Tam thất dạng bột trộn với mật ong đắp mặt, hoặc ăn trực tiếp. Cây lô hội rửa sạch lột vỏ giã nát đắp mặt nạ 1lần/tuần. Hoặc dùng nước lô hội bôi lên vùng da mặt bị nám, tàn nhang. Quan trọng phải biết rõ nguyên nhân gây tàn nhang, nếu là di truyền thì tất cả các cách điều trị chỉ là tạm thời, không thể trị tận gốc. TS Võ Văn Năm - Đại học Y Dược TP.HCM

Quỳnh Hương

                                                                             

Tin nổi bật