Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lỗ hổng nào trong quy trình bổ nhiệm cán bộ từ các vụ việc "thăng tiến thần tốc"

(DS&PL) -

Tuần này, vấn đề “thăng tiến thần tốc” tiếp tục là vấn đề “nóng” trên nhiều trang báo, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tuần này, vấn đề “thăng tiến thần tốc” tiếp tục là vấn đề “nóng” trên nhiều trang báo, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Vụ việc nổi cộm gần nhất là vụ bổ nhiệm “thần tốc” với bà Trần Vũ Quỳnh Anh (31 tuổi), nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa.

Trước đó, như báo chí đã thông tin, tháng 9/2013, bà Trần Vũ Quỳnh Anh (SN 1986) được tuyển dụng công chức, công tác tại Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản. Ngày 18/4/2014, Giám đốc Sở Xây dựng ban hành quyết định số 1634/QĐ-SXD bổ nhiệm bà Quỳnh Anh giữ chức Phó trưởng phòng. 


Tiếp đến, chưa đầy nửa năm sau, ngày 7/11/2014, Giám đốc Sở xây dựng tiếp tục ban hành quyết định số 6216/QĐ-SXD bổ nhiệm bà Quỳnh Anh lên chức Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, ngày 20/9/2016, bà Trần Vũ Quỳnh Anh có đơn gửi Giám đốc Sở Xây dựng xin thôi việc tự nguyện. Ngày 23/9/2016, Giám đốc Sở Xây dựng đã ban hành quyết định cho thôi việc đối với bà Quỳnh Anh.

Ngày 30/3/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố thông tin thanh tra, kiểm tra công tác bổ nhiệm công chức lãnh đạo Sở Xây Dựng giai đoạn 2010-2015, trong đó có việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh.

Theo kết quả thanh tra, việc Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh (SN 1986) giữ các chức vụ Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản giai đoạn 2010 - 2015 khi chưa đủ các tiêu chuẩn như: Thời gian công tác ở lĩnh vực phụ trách về chuyên môn nghiệp vụ chưa đủ ba năm trở lên;… 

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Đối với vấn đề báo chí dư luận đã nêu liên quan đến vụ việc bổ nhiệm “thần tốc” bà Trần Thị Quỳnh Anh tại Sở Xây dựng Thanh Hóa, chỉ đạo chung của Chính phủ đối với vấn đề này là các cơ quan tổ chức trong đó có Bộ Nội vụ sẽ giải quyết vụ việc một cách khách quan, công bằng và đúng pháp luật và xử lý nghiêm các sai phạm.

Mặc dù đã có thông tin về những sai phạm trong công tác bổ nhiệm với bà Quỳnh Anh, nhưng dư luận vẫn đang đặt ra một loạt các câu hỏi: Vì sao hồ sơ công chức (hồ sơ gốc) của bà Quỳnh Anh không còn được lưu giữ tại Sở Xây dựng (gồm cả thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm); tại sao lãnh đạo Sở lại giải quyết cho bà Quỳnh Anh thôi việc một cách nhanh chóng như vậy; tại sao Sở Xây dựng lại chưa báo cáo về Sở Nội vụ và không công khai việc bà Quỳnh Anh xin nghỉ việc từ ngày 23/9/2016?

Trước vụ việc này chưa lâu, dư luận cũng rất ngạc nhiên với trường hợp “thăng tiến thần tốc” với ông Nguyễn Văn Cảnh (SN1977, ở Bình Định) trong quá trình công tác tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định. 

Không ít tờ báo đưa ra nhận định rằng, không có trường hợp cán bộ nào bổ nhiệm nhanh như ông Nguyễn Văn Cảnh. Đây cũng là trường hợp thăng tiến nhanh chưa từng có tại Bình Định.

Ông Nguyễn Văn Cảnh phát biểu tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII, tháng 11/2016. Ảnh: Quochoi.vn

Cụ thể, tháng 3/2013, khi đang là một doanh nghiệp tư nhân, ông Cảnh gửi đơn xin việc đến Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định và được tiếp nhận. Tháng 7/2013, ông Cảnh được đề bạt làm Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định, rồi chưa đầy một tháng sau được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng. 

Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng ông Cảnh từ chủ một doanh nghiệp tư nhân đã “thần tốc” trở thành Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định.

Tháng 11/2014 , ông Cảnh được phê chuẩn làm Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và tiếp tục với cương vị này tại Quốc hội khóa XIV.

Nhưng cũng thật bất ngờ, ông Cảnh đã làm đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ này đối với ông Nguyễn Văn Cảnh từ ngày 15/2/2017.

Cả hai vụ việc này đều là “thăng tiến thần tốc”, “bổ nhiệm thần tốc” và trong khi con đường quan lộ đang rất rộng mở thì họ đều “xin thôi việc” bất ngờ. 

Hàng loạt các vụ việc khác nữa, cũng liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ  như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm “thừa” 23 cán bộ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra và báo cáo lên Thủ tướng. 

Hay gần đây tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2/2017, Bộ Nội vụ đã thông tin Sở lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương bổ nhiệm ồ ạt nhiều chức vụ quản lý. Trong số 46 biên chế của Sở thì có tới 44 người giữ chức vụ từ phó phòng trở lên…

Quy định về bổ nhiệm cán bộ đã được quy định chi tiết tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 27/2003/QĐ-TTG ngày 19/2/2003 về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo. Các điều kiện và trình tự bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo rất cụ thể, chi tiết.

Theo đó, người được đề nghị bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn chung của cán bộ công chức và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh bổ nhiệm theo quy định của Đảng và Nhà nước; có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh rõ ràng, trong đó có kê khai tài sản, nhà, đất theo quy định; …

Tuy nhiên, những vụ việc này một lần nữa khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi: Lỗ hổng nào trong quy trình bổ nhiệm cán bộ vốn luôn được khẳng định là rất chặt chẽ; trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm xử lý ra sao để hạn chế tối đa tình trạng này?

Tin nổi bật