Trong phiên giao dịch sáng 9/8, cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực miền Nam – CTCP (Vinafood 2) chìm trong sắc tím. Tuy nhiên, sang đến đầu phiên chiều cùng ngày, lực bán gia tăng đột ngột khiến VSF đảo chiều rơi thẳng xuống mức giá sàn. Kết phiên, VSF trong tình trạng “trắng bên mua”, giảm 15% xuống 31,800 đồng/cổ phiếu, với dư bán sàn 557.000 cổ phiếu.
Như vây, nhà đầu tư lỡ “đu” trần VSP vào đầu phiên, thì chỉ vài giờ sau đó đã phải chịu lỗ 30%.
Lỡ “đu” trần phiên sáng, nhà đầu tư cổ phiếu VSF lỗ 30% trong phiên chiều. Ảnh: Nhịp sống thị trường
Thời gian gần đây, cổ phiếu VSF thu hút sự chú ý với việc sau hơn 5 năm đi ngang vùng giá 3.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu, VSF đã tăng giá hơn 370% chỉ trong 2 tuần.
Theo tạp chí Nhịp sống thị trường, sau 10 phiên tăng liên tiếp với 9 phiên kịch trần và 1 phiên tăng 14%, cổ phiếu này đã tăng gấp gần 5 lần từ vùng giá dưới 8.000 đồng/cổ phiếu lên mức 37.400 đồng/cổ phiếu, cao nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán tháng 4/2018.
Trong quá trình leo dốc, VSF giao dịch rất sôi động với thanh khoản tăng đột biến so với giai đoạn trước. Đặc biệt trong phiên lao dốc vừa qua, VSF còn ghi nhận thanh khoản kỷ lục với khối lượng giao dịch gần 400.000 đơn vị, trong đó gần 60% được khớp lệnh tại mức giá trần. Có thể thấy, đa phần những lệnh mua đuổi đầu phiên đều đang tạm lỗ khoảng 30% trong khi nhà đầu tư kịp bán giá trần lại lãi lớn, thậm chí có thể lãi bằng lần.
Trước đó, tình hình kinh doanh của Vinafood 2 cũng đã có dấu hiệu khởi sắc sau thời gian dài “bết bát”. Sau nhiều năm thua lỗ triền miên, doanh nghiệp này đã có lãi trở lại trong năm 2022 dù con số khá khiêm tốn chỉ ở mức 21 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Vinafood 2 ghi nhận doanh thu đạt 11.337 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 10 tỷ đồng, gấp đôi so với nửa đầu năm 2022. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn còn lỗ luỹ kế đến hơn 2.800 tỷ đồng tại thời điểm 30/6.
Mới đây, VSF đã có công văn giải trình cho biết “giá cổ phiếu VSF tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu của nhà đầu tư. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường. Công ty luôn tuân thủ các quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM".
Không riêng VSF, tin tức cổ phiếu nhóm gạo liên tiếp ghi nhận những phiên giao dịch tích cực từ cuối tháng 7 trong bối cảnh ngành này nhận nhiều thông tin hỗ trợ. Cụ thể, Ấn Độ, Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã lần lượt đưa ra các quyết định về việc dừng xuất khẩu gạo.
Trước đó, việc thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm. Một số cổ phiếu khác cũng tăng giá mạnh như TAR, LTG, AGM,..., theo chuyên trang Dòng vốn kinh doanh.
Vân Anh (T/h)