Ngày 4/8, bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tự chủ đại học năm 2022 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.
Theo thông tin từ báo cáo Hội nghị tự chủ giáo dục đại học, có 2 trường đại học tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM; 3 trường tư thục tự chủ là Trường ĐH FPT, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Nếu tính trong top 10 trường tham gia khảo sát có tổng thu cao nhất, có 5 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP23 là: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; 1 trường đại học công lập tự chủ (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) và 4 trường đại học tư thục: Trường ĐH FPT, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Có 14 trường trong danh sách các trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP trong danh sách 30 trường có tổng thu cao nhất năm 2021.
Theo bộ GD&ĐT, năng lực tài chính của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ có sự nâng cao và thay đổi tích cực. Từ năm 2018 đến 2021 tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm; thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh...
Hoàng Yên (T/h)