Vì sao vi phạm của ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) chủ yếu về đất đai nhưng lại bị khởi tố với tội Làm lộ bí mật Nhà nước – điều này khiến chính Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ băn khoăn nêu trong bài phát biểu tại hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với các địa phương.
Việc Vũ "nhôm" trước khi có lệnh khởi tố đã có động thái tẩu tán tài sản khiến dư luận lo ngại nếu có sai phạm về kinh tế sẽ khó thu hồi đủ. |
Luật sư Phạm Công Út (đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, việc làm lộ bí mật Nhà nước có thể là cán bộ Nhà nước hoặc doanh nghiệp, bất kỳ công dân nào.
“Theo cá nhân tôi, tội danh này không liên quan gì đến kinh tế. Và nếu khởi tố tội danh trên thì lẽ ra không được kê biên, phong tỏa tài sản. Tội danh trên không có hình phạt bổ sung về vấn đề tài sản.
Ngoài việc truy nã với Vũ “nhôm”, vấn đề tìm kiếm tài sản có phần chệch hướng so với tội danh khởi tố. Cơ quan điều tra có thể mở rộng điều tra về vấn đề kinh tế, lợi dụng chức vụ, đưa hối lộ... Tuy nhiên, nếu khởi tố tội danh một đằng, điều tra một nẻo cũng sẽ khiến dư luận có thắc mắc”.
Thực tế, nhân vật Vũ “nhôm” được cử tri, người dân Đà Nẵng để ý từ lâu nhưng ông ta vẫn tẩu tán nhiều tài sản và biến mất vậy ai chịu trách nhiệm?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Công Út cho rằng, việc khởi tố phải thông qua đơn tố giác tội phạm, thông tin xác thực, kết luận thanh tra chứ không thể dựa vào dư luận. Nếu một người chưa bị khởi tố mà tài sản bị chuyển dịch hay tẩu tán thì không thể quy trách nhiệm cho ai. Bởi đó là quyền tài sản của người dân. Trường hợp nếu một người nào đó có tài sản hình thành do phạm pháp mà có thì cơ quan chức năng có thể khởi tố để áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa. Đó là đối với tội danh khác chứ không phải tội danh Làm lộ bí mật Nhà nước.
Nhưng nếu không khởi tố vụ án, khởi tố bị can mà ngăn chặn việc chuyển dịch cổ phần, cổ phiếu.... nếu có thiệt hại thì người quyết định ngăn chặn phải chịu trách nhiệm. “Việc này phải căn cứ vào cơ sở pháp lý, đến giai đoạn nào mới được áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản chứ không phải thích ngăn chặn là ngăn chặn”, luật sư Út nói.
Luật sư Út cũng nêu một thực tế, nhiều vụ án khởi tố tội danh rất nhẹ nhưng trong quá trình điều tra, truy tố thêm một số tội danh khác. Hoặc lúc đầu, cơ quan điều tra khởi tố tội danh nhẹ nhưng sau đó đình chỉ khởi tố tội danh đó và chuyển qua khởi tố tội danh khác nặng hơn rất nhiều.
“Đó là điều bình thường trong quá trình tố tụng. Việc khởi tố là cơ sở để thực hiện các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, ví dụ như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, cấm đi khỏi nơi cư trú... Công dân khi chưa bị khởi tố, chưa bị hạn chế một phần quyền công dân thì không ai có quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ, như quyền về tài sản, quyền kinh tế của doanh nghiệp”, vị luật sư này nói.
Hoàng Mai