Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Liệt sĩ” trở về sau 39 năm trong sự ngỡ ngàng của người thân

(DS&PL) -

39 năm trôi qua, ông Phổ được công nhận là liệt sĩ nhưng bất ngờ trở về trong sự vui mừng của gia đình và sự ngỡ ngàng của hàng xóm, láng giềng.

Tham gia chiến đấu tại Campuchia, do bị trúng đạn vào đầu nên ông Nguyễn Duy Phổ mất trí nhớ không thể tìm về được đơn vị. 39 năm trôi qua, ông Phổ được công nhận là liệt sĩ nhưng bất ngờ trở về trong sự vui mừng của gia đình và sự ngỡ ngàng của hàng xóm, láng giềng.

Trở về sau 39 năm hy sinh

Mấy ngày nay, rất đông người dân địa phương, bạn bè cùng người thân đã kéo nhau đến ngôi nhà của ông Nguyễn Duy Phổ (SN 1958), trú phường Quỳnh Xuân, TX. Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An để chia vui khi biết người đàn ông này vừa mới trở về sau 39 năm được công nhận là liệt sĩ.

Mặc dù sinh sống tại Campuchia mấy chục năm qua nhưng ông Phổ vẫn nói tiếng mẹ đẻ rất sõi. Tuy nhiên, nhiều gương mặt của họ hàng và bạn bè thì ông đã quên.

Vào năm 20 tuổi, ông Phổ nhập ngũ. Đây là thời điểm chiến tranh biên giới Tây Nam vô cùng ác liệt. Trong một trận đánh cuối năm 1979, ông Phổ bị thương nặng vào đầu, từ đó dẫn đến việc mất trí nhớ, không thể trở về đơn vị.

Bà Châu Bích Huệ, quê gốc tại tỉnh An Giang nhưng đã sang Campuchia lấy chồng nhớ lại: “Vào cuối năm 1979, tôi và một người dì tên Ba Cheét đang đi xuồng thì gặp một chú bộ đội bị thương nằm gục ở cạnh một con suối. Chúng tôi chạy lại kiểm tra thì phát hiện người này bị đạn bắn trúng vào đầu, máu chảy rất nhiều, tuy nhiên may mắn là vẫn còn sống. Vì vậy, hai dì cháu lập tức đưa chú bộ đội về nhà để chữa trị”.

Bà Huệ (bên trái) chụp ảnh chung với 2 mẹ con ông Phổ. Ảnh: VTC News

Do vùng rừng núi, việc đi lại khó khăn lại đang diễn ra chiến tranh ác liệt nên hai dì cháu bà Huệ không còn cách nào khác đành liều lĩnh tự lấy viên đạn ra và dùng các loại lá chữa trị. May mắn vết thương dần lành và sức khỏe của anh bộ đội này hồi phục chỉ có điều anh không nhớ được mình là ai. Trên người cũng không có giấy tờ tùy thân nên không xác định được đơn vị, quê quán.

“Không còn cách nào khác, dì của tôi đành phải nhận người này làm con nuôi và đặt tên là Nguyễn Văn Hùng. Một thời gian sau, dì tôi lấy vợ cho anh Hùng và từ đó cả gia đình sinh sống tại tỉnh Kampong Cham, Campuchia”, bà Huệ cho hay.

Quá trình sinh sống, mọi người trong gia đình cố gắng chạy chữa cho ông Hùng để khôi phục trí nhớ. Tuy nhiên, do bị thương, sức khỏe yếu nên phải một thời gian dài sau đó thì ông Hùng mới nhớ được một chút thông tin của mình. Từ những manh mối rời rạc, bà Huệ đã viết thông tin gửi vào hòm thư tìm kiếm đồng đội, nhờ các chiến sĩ từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia mà mình quen biết và đăng tải trên các mạng xã hội như Facebook nhưng vẫn không có kết quả.

Cuộc trùng phùng đẫm nước mắt

Mấy năm gần đây, ông Nguyễn Văn Hùng nhớ lại được tên của mình là Nguyễn Duy Phổ, quê quán tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, địa chỉ cụ thể thì không nhớ rõ, gia đình có mấy người cũng mơ hồ. Vì vậy, bà Châu Bích Huệ quyết định đưa ông Phổ trở về Việt Nam, phần để dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm, ngoài ra cũng để ông Phổ nhớ lại nếu như gặp người thân hoặc hình ảnh quê hương.

“Kể ra thì có vẻ dễ nhưng thực sự đó là một quá trình vô cùng khó khăn, vất vả. Việc tìm kiếm quê nhà như “mò kim đáy biển” bởi ông Phổ nhớ rất mơ hồ. Chúng tôi đã đi rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhưng ông Phổ vẫn nói là không đúng. Có thời điểm tiền trong túi tôi không còn một đồng nào nữa, trong khi cơ thể vô cùng mệt mỏi khi đi nhiều nơi vẫn chưa thấy. Phải nói là may mắn cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của người thân và bà con ở Nghệ An chứ hai anh em đã định bỏ cuộc rồi”, bà Huệ kể.

Vào giữa tháng 2/2020, bà Châu Bích Huệ đưa ông Nguyễn Duy Phổ về thị xã Hoàng Mai, cũng từ đây cả hai người đã tìm được đường về nhà. Khi thấy ông Phổ bước vào nhà, tất cả mọi người đã chết lặng, sững sờ vì không tin được đây là sự thật. Đặc biệt là người mẹ già hơn 80 tuổi của ông Phổ. Khi thấy ông Phổ trong bộ dạng tiều tụy, nhếch nhác nhưng bằng xương bằng thịt bước vào thì bà đã òa khóc nức nở rồi ôm chầm lấy con trai..

Theo giấy báo tử, ông Nguyễn Duy Phổ tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, hy sinh ngày 1/1/1981, trong trường hợp chiến đấu mất tin. Người thân ông Phổ cho hay, mặc dù nhận được giấy báo tử nhưng thời điểm đó tất cả mọi người đều không tin do không được nhận thi thể. Vì vậy, trong thời gian dài người thân vẫn mong ngóng đến lúc nào đó ông Phổ sẽ trở về. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, do vẫn mãi không có tin tức nên gia đình đành phải lập bàn thờ để thắp hương hàng năm.

Trao đổi thêm về sự việc, ông Vũ Văn Từ, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân cho hay: “Cuộc sống của gia đình chỉ làm ruộng nên vô cùng khó khăn, anh em cũng không giàu có gì nên không thể tổ chức tìm kiếm được. Những năm đầu tiên, mọi người đều hy vọng kỳ diệu sẽ xảy ra, thế nhưng gần 40 năm trôi qua ai cũng đã già đi nên cho rằng ông Phổ thực sự đã hy sinh. Cho đến khi ông Phổ trở về bằng xương bằng thịt thì ai cũng ngỡ ngàng, không thể tin được chuyện này xảy ra”.

Sau khi biết được thông tin, chính quyền địa phương đã lập tức xuống xác minh. Hàng xóm láng giềng cũng đến chia vui với gia đình.

Mặc dù hình dạng ông Phổ đã thay đổi nhiều so với trước đây do thời gian và khó khăn trong cuộc sống, song những người lớn tuổi trong xóm vẫn nhận ra được đây là liệt sĩ đã hy sinh từ 39 năm trước. Mẹ ông Phổ là người vui mừng nhất, bà không ngờ rằng cuối đời bà có thể gặp được người con trai.

Anh Ngọc
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 32

Tin nổi bật