Nhân Ngày Quốc tế Ứng phó Đại dịch (27/12, theo giờ địa phương), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, COVID-19 chưa phải "đại dịch cuối cùng", vì vậy, con người cần có những biện pháp để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.
"COVID-19 thể hiện dịch bệnh truyền nhiễm có thể càn quét khắp thế giới, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực sụp đổ và thay đổi cuộc sống hàng ngày nhanh đến thế nào. Nó cũng cho thấy chúng ta chưa rút được bài học sau những tình huống y tế khẩn cấp như SARS, cúm gia cầm, Zika, Ebola và nhiều căn bệnh khác", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói hôm nay nhân Ngày Quốc tế Sẵn sàng Phòng chống Dịch bệnh.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký Guterres khẳng định COVID-19 là lời nhắc nhở rằng thế giới chưa chuẩn bị đủ để ngăn các đợt bùng phát dịch bệnh địa phương lan qua biên giới và gây ra đại dịch toàn cầu.
"Điều quan trọng nhất là xây dựng sự đoàn kết toàn cầu để giúp mọi quốc gia có cơ hội chặn đứng dịch bệnh truyền nhiễm. Một đợt bùng phát ở bất kỳ đâu cũng có thể gây đại dịch toàn cầu. Hãy tập trung vào vấn đề này, dành sự chú trọng và đầu tư đầy đủ cho nó nhân ngày Ngày Quốc tế Sẵn sàng Phòng chống Dịch bệnh", ông Guterres cho hay.
Trước đó, Giáo sư Đại học Oxford Dame Sarah Gilbert, nhà khoa học Anh được coi là "mẹ đẻ" vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca/Oxford, cũng cho rằng Covid-19 có thể chưa phải đại dịch chết chóc cuối cùng mà con người đối mặt.
"Đây không phải lần cuối cùng một loại virus đe dọa mạng sống và sinh kế của chúng ta. Sự thật là đại dịch tiếp theo thậm chí có thể tồi tệ hơn nữa. Nó có thể lây lan hơn nữa, hoặc chết chóc hơn nữa hoặc cả hai", giáo sư Gilbert chia sẻ, đông thời kêu gọi thế giới đầu tư cho các nghiên cứu để "phòng thủ" trước các đại dịch.
COVID-19 khởi phát cuối năm 2019 và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu. Hiện dịch bệnh cướp đi sinh mạng của hơn 5,4 triệu người trong tổng số hơn 281,59 triệu ca nhiễm được ghi nhận trên toàn cầu.
Hoa Vũ (T/h)