Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Liên đoàn Luật sư VN nói gì trước phát ngôn của ĐB Đỗ Văn Đương?

(DS&PL) -

(ĐSPL)- "Trong trường hợp cần thiết, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ có văn bản chính thức kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp kiểm điểm về phát ngôn của ĐBQH Đỗ Văn Đương."

(ĐSPL) – “Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ uy tín, danh dự của giới luật sư, chắc chắn Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ có văn bản chính thức kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp kiểm điểm ông Đỗ Văn Đương”, luật sư Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết.

Sau phát ngôn "Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền", đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Đương đã bị nhiều luật sư yêu cầu xin lỗi vì đã "thóa mạ" nghề luật sư. Tuy nhiên, ông Đương vẫn nhất quyết không "đính chính" phát ngôn của mình.
Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, luật sư Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Vừa qua, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương có phát biểu: “Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”, ông có quan điểm như thế nào về việc này?
Ý kiến của ông Đỗ Văn Đương đã khiến giới luật sư bất bình, phẫn nộ. Vì một lẽ, phát biểu đó đã xúc phạm đến danh dự, uy tín và đạo đức nghề nghiệp của giới luật sư. Người ta không thể ngờ được câu nói đó lại được phát ra từ một vị đại biểu Quốc hội, lại là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, một cơ quan có chức năng giám sát các hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động của luật sư.
Đành rằng, trong giới luật sư cũng có hiện tượng cá biệt luật sư thế này thế khác, nhưng khẳng định “Thực chất luật sư ở việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền” là một sự “vơ đũa cả nắm”, không đúng với bản chất của nghề luật sư. Xúc phạm danh dự của một người nào đó đã bị pháp luật nghiêm cấm, huống hồ ở đây, ông đã xúc phạm đến danh dự của cả giới luật sư đang cố gắng xây dựng hình ảnh của mình trước cộng đồng xã hội. Hành vi này của ông Đương rõ ràng là một hành vi trái pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương cho rằng: “Thực chất luật sư ở việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền...”.

Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, phát biểu quan điểm đó tại Kỳ họp của Quốc hội thì có hợp lý trong ứng xử nghị trường không, điều đó có ảnh hưởng thế nào với nghề luật sư và nhìn nhận của xã hội về luật sư?
Về phát biểu của ông Đương, theo tôi không nên đặt vấn đề là “có hợp lý trong ứng xử ở nghị trường không” mà phải khẳng định là ông không được phép phát biểu như thế. Nghị trường Quốc hội không phải là diễn đàn để bất kỳ ai có thể tùy tiện nói lung tung, vô trách nhiệm, thậm chí xúc phạm danh dự của cả giới luật sư. Tất nhiên, lời ông Đương sẽ có ảnh hưởng không tốt đến nghề luật sư, có tác động không lành mạnh đến cách nhìn nhận của xã hội về luật sư, còn mức độ ảnh hưởng thế nào thì cần phải có đánh giá cụ thể. Nhưng tôi tin rằng dư luận xã hội sẽ có cái nhìn khách quan về những lời nói của ông Đương.
Sau phát ngôn về nghề luật sư, ông Đỗ Văn Đương cũng cho biết thêm: “Trong 100\% vụ án hiện nay thì tôi thấy 80\% không có luật sư, có một phần nguyên nhân do thiếu luật sư, nhưng cơ bản là người ta không có tiền. Trong trường hợp này thì 80\% bị cáo nhận tội ngay để xét xử cho nhanh”, điều này có đúng với thực tế?
Tôi không hiểu ông Đương khẳng định nguyên nhân này dựa trên cơ sở nào. Cho đến nay, với tư cách là một luật sư hành nghề lâu năm và có nghiên cứu về  vấn đề này, tôi chưa thấy có một công trình nghiên cứu nào hoặc một kết quả khảo sát, thống kê nào xác định rằng “nguyên nhân thiếu luật sư cơ bản là người ta không có tiền”. Trong khi đó, luật sư còn có nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, và trong thực tế, hoạt động này của giới luật sư được đánh giá là thực hiện rất tốt, có hiệu quả.
Còn nhận định của ông Đương cho rằng, có tới “80\% bị cáo nhận tội ngay để xét xử cho nhanh” thì rõ ràng, ông Đương đã hết sức chủ quan và phát biểu này đã ảnh hưởng không tốt đến hoạt động điều tra và truy tố của cơ quan điều tra, viện kiểm sát đấy. Tôi không cần phân tích sâu hậu quả lời ông Đương đối với hoạt động điều tra, truy tố như thế nào. Các điều tra viên, kiểm sát viên sẽ suy nghĩ thế nào về phát biểu đó của ông Đương?

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ông có nghĩ rằng ở nước ta hiện nay có một bộ phận luật sư như phát biểu của ông Đỗ Văn Đương?
Như tôi đã trả lời, trong một tổ chức, một tập thể gồm nhiều người, sẽ không tránh khỏi có những cá nhân chưa tốt, thậm chí có tiêu cực. Giới luật sư hiện nay có gần 9.000 luật sư, sẽ có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” như: vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, thậm chí vi phạm pháp luật…, nhưng những trường hợp này chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng luật sư đang hành nghề.
Theo quy định pháp luật thì luật sư được cung cấp các dịch vụ pháp lý nào? Thu nhập của các luật sư từ đâu?
Luật luật sư quy định rõ phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư gồm: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.
Căn cứ và các phương thức tính thù lao cũng được Luật Luật sư quy định rõ ràng trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Riêng mức thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự dựa trên các căn cứ quy định được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc, nhưng mức cao nhất cho một giờ làm việc của luật sư không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Thời gian làm việc của luật sư do luật sư và khách hàng thỏa thuận.
Xin ông cho biết: Các luật sư có thường xuyên thực hiện các chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí không? Trợ giúp cho những đối tượng nào? Số liệu cụ thể trong những năm qua?
Như tôi đã nói, trợ giúp pháp lý miễn phí là nghĩa vụ trong hoạt động nghề nghiệp luật sư, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư, các tổ chức hành nghề và cá nhân luật sư thường xuyên thực hiện các chương trình trợ giúp pháp lý. Đồng thời còn tổ chức các đợt hoạt động trợ giúp pháp lý như các chiến dịch mùa hè xanh, về với bà con vùng sâu vùng xa kết hợp với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hoạt động trợ giúp pháp lý hướng tới các đối tượng gia đình chính sách, những người nghèo, gặp các hoàn cảnh khó khăn…
Theo thống kế chưa đầy đủ của Liên đoàn luật sư, trong 5 năm qua, giới luật sư đã thực hiện 31.271 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng này.
Sau phát ngôn trên, ĐBQH Đỗ Văn Đương đã bị nhiều luật sư yêu cầu xin lỗi vì đã "thóa mạ" nghề luật sư. Tuy nhiên, ông Đương vẫn nhất quyết không "đính chính". Trước sự việc này thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam có ý kiến, động thái như thế nào?
Đúng là có một làn sóng phản ứng dữ dội từ phía các luật sư về phát biểu của ông Đương. Các ý kiến phản ứng cũng đều xuất phát từ mong muốn ông Đương nhận ra thiếu sót của mình mà có lời cải chính, xin lỗi để cùng hiểu đúng về bản chất của nghề luật sư. Nhưng tiếc rằng, ông Đương vẫn giữ các ý kiến của mình. Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ uy tín, danh dự của giới luật sư, chắc chắn Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ có văn bản chính thức kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền về thái độ đó để có biện pháp kiểm điểm ông Đỗ Văn Đương, bảo vệ uy tín chung của các đại biểu Quốc hội, cũng như các thành viên của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Thưa ông, ông có thể cho biết cơ quan nào sẽ có trách nhiệm xem xét, giải quyết đơn thư kiến nghị của luật sư, tổ chức quản lý hành nghề luật sư liên quan tới phát ngôn của ông Đương? Thủ tục giải quyết thế nào?
Trong trường hợp này, kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về tư cách đại biểu của ông Đương sẽ được gửi đến Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu… xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu Quốc hội… Về tư cách Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ được gửi đến Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Thủ tục giải quyết kiến nghị của Liên đoàn sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trân trọng cảm ơn ông!
Sau phát ngôn "Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền", ĐBQH Đỗ Văn Đương bị nhiều luật sư yêu cầu xin lỗi vì đã "thóa mạ" nghề luật sư. Tuy nhiên, ông Đương vẫn nhất quyết không "đính chính".
Cụ thể, sáng 28/10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về phát ngôn của mình, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương nói: “Tôi sẽ không đính chính lại thông tin này”.
Về việc các luật sư liên tiếp "phản pháo" về phát ngôn của mình, ông Đương cho rằng: “Họ phản ứng là đương nhiên, nhưng thử hỏi không có tiền thì lấy đâu ra chi phí luật sư, chi phí trả tiền lương cho nhân sự, thuê văn phòng?”.
Đại biểu Đương cũng khẳng định trong phát ngôn của ông không nói luật sư bào chữa vì tiền mà là bào chữa cho người có tiền, chứ không phải cho người giàu hay nghèo. Có tiền thì luật sư mới bào chữa. Ngay cả luật sư công thì Nhà nước cũng phải trả tiền hỗ trợ họ thì họ mới ngồi nghiên cứu Hồ sơ.
Cũng theo ông Đương: "Trong 100\% Vụ án hiện nay thì 80\% không có luật sư, có một phần nguyên nhân do thiếu luật sư, nhưng cơ bản là người ta không có tiền. Trong trường hợp này thì 80\% bị cáo nhận tội ngay để xét xử cho nhanh. Vai trò luật sư quan trọng, có luật sư là đối trọng để tránh oan sai, nhưng hoạt động luật sư cũng phải có điều kiện, chứ không họ sống bằng không khí mà đi bào chữa à?"

Video có thể bạn quan tâm:

Liên đoàn Luật sư VN ra tuyên bố đề nghị chính phủ khởi kiện TQ

Tin nổi bật