Đợt 1, thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 1 đến 26/2. Ngày thi diễn ra sau đó 1 tháng (26/3), kết quả được nhà trường dự kiến công bố vào 4/4.
Đợt thi thứ 2 diễn ra vào ngày 28/5. Để chuẩn bị cho đợt thi này, các thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 5 đến 28/4. Kết quả dự kiến công bố ngày 6/6.
Năm nay, trường tổ chức thi ở 17 điểm, gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ.
Ngoài ra, Đại học Quốc gia TP.HCM dự kiến sẽ mở rộng thêm các điểm thi tại Lâm Đồng và một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia.
Hình minh họa.
Để tránh xáo trộn cho thí sinh, trường vẫn giữ nguyên hình thức thi, cấu trúc đề, nội dung, cách đăng ký thi như năm 2022.
Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan (150 phút làm bài).
Đề gồm 3 phần: 40 câu sử dụng ngôn ngữ, 30 câu Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu, 50 câu giải quyết vấn đề.
Về chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, năm nay trường dự kiến dành ra 45% tổng chỉ tiêu.
Điểm mới năm nay, hai Đại học Quốc gia TP.HCM và Hà Nội đã thống nhất công nhận chéo kết quả bài thi đánh giá năng lực của nhau để làm phong phú nguồn tuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh không phải thi nhiều lần.
Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cũng tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển và được nhiều đơn vị khác công nhận, dùng xét đầu vào.
Việt Hương (T/h)