Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lên kế hoạch "nhờ thầy cúng đi làm lễ" nữ quái chiếm đoạt hàng chục triệu đồng

(DS&PL) -

Duyên lên kế hoạch nhờ thầy đi cúng nhập trạch để tìm sơ hở lừa đảo chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Duyên lên kế hoạch nhờ thầy đi cúng nhập trạch để tìm sơ hở lừa đảo chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Báo An ninh thủ đô thông tin, ngày 12/3, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, đã hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Phạm Thị Duyên (42 tuổi, trú tại xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế, Bắc Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị hại trong các vụ án này là những người làm nghề thầy cúng.

Thông tin đăng tải trên báo VnExpress cho hay, giữa tháng 1, Duyên lấy tên giả, điện thoại cho chị Lê (một thầy cúng) để làm lễ nhập trạch cho mình ở quận Tây Hồ. Khi gặp nhau, Duyên vẫy taxi, rồi cùng chị Lê về phố Nghi Tàm (quận Tây Hồ). Trên đường đi, Duyên nhờ chị Lê đổi hộ 3,5 triệu đồng tiền lộc và giữ trong túi, hẹn khi nào làm lễ xong trả một thể.

Sau đó, Duyên bảo tài xế và chị Lê đợi ở phố Hàng Khoai để vào chợ mua thịt gà mang về cúng. Để mặc thầy cúng đợi, Duyên xách lồng gà ra đón xe buýt về Bắc Giang.

Duyên bị vợ chồng chị Lê bắt giữ, giao cho công an - Ảnh minh họa

Đợi lâu không thấy Duyên, biết bị lừa chị Lê về hỏi những người quen và có một người bạn kể từng cho Duyên số điện thoại. Chị Lê dặn, khi nào Duyên điện thoại lại xin số của thầy cúng thì đưa số của chồng mình.

Hai tháng sau, ngày 6/3 vẫn chiêu lừa trên, khi Duyên gọi điện lại, chị Lê và chồng đi gặp cô ta ở bến xe Gia Lâm (Hà Nội). Vợ chồng chị Lê đã bắt giữ Duyên, giao cho công an.

Mở rộng điều tra, trước khi bị bắt 2 ngày, Duyên còn lừa một thầy cúng khác, chiếm đoạt 5 triệu đồng. Cơ quan chức năng nghi ngờ nữ quái này còn lừa nhiều người khác nên đề nghị bị hại đến trình báo.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009):

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 
a) Có tổ chức; 
b) Có tính chất chuyên nghiệp; 
c) Tái phạm nguy hiểm; 
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; 
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: 
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; 
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Tin nổi bật