Như tin tức đã phản ánh, bất chấp yêu cầu đình chỉ thi công từ phía chính quyền, công trình xây dựng tọa lạc cại số 69, ngõ 5, đường Hoàng Quốc Việt vẫn ngang nhiên thi công và đang bước vào hoàn thiện cuối cùng.
Công trình xây dựng “cả gan” ấy nhiều người gọi nó bằng cái tên sang trọng là “Lâu đài cao cấp”, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Quốc Thanh, một đại gia sắt thép quê gốc Thanh Hóa đi lên từ nghề buôn phế liệu và đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng 305.
Bắt đầu xây dựng từ giữa năm 2012, tuy nhiên chỉ nửa năm sau, cụ thể là vào ngày 03/01/2013, UBND phường Nghĩa Đô ra quyết định đình chỉ thi công công trình “Lâu đài 6 gà vàng” do những vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng khi đã xây dựng sai phép với hiện trạng vượt 1 tầng, 60m2 và cao 3m so với GPXD.
Trước đó, theo GPXD số 266 do UBND quận Cầu Giấy cấp ngày 23/05/2012 cho gia đình bà Trần Thị Quyên (vợ ông Nguyễn Quốc Thanh), thì công trình được phép xây 5 tầng, 1 tum. Tổng diện tích sàn xây dựng 888,42 m2, chiều cao tầng 1: 3,6 m, tầng 2,3,4,5: 3,3 m, tầng tum: 2,7 m. Giấy phép này có hiệu lực khởi công xây dựng trong thời hạn 01 năm kể từ ngày cấp.
"Lâu đài" vẫn ngang nhiên thi công và hoàn thiện bất chấp lệnh đình chỉ của Chính quyền. |
Tuy nhiên, dường như những biên bản, những quyết định của UBND phường Nghĩa Đô đối với vị chủ nhân cầm tinh con gà (sinh năm Đinh Dậu 1957) của tòa lâu đài có gắn 6 con gà đồng đen dát vàng trên nóc đó cũng chỉ như những tiếng “gà gáy sáng”, vang động, định kỳ, thường nhật nhưng bình yên và vô hại. Bởi trên thực tế, việc thi công vẫn tiếp diễn đúng kế hoạch, thường nhật, định kỳ và cũng bình thường…
Đến thời điểm hiện tại, nghĩa là gần 2 năm sau quyết định đình chỉ từ phía chính quyền, công trình vẫn tiếp tục thi công và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng.
Điều lạ lùng là, mặc dù vị trí của tòa lâu đài sai phép này chỉ nằm cách UBND phường Nghĩa Đô vỏn vẹn 1,5 km và cách UBND quận Cầu Giấy 2 km nhưng cả 2 cấp chính quyền với những đầy đủ pháp lực, quyền lực, cũng như lực lượng và công cụ cưỡng chế vẫn đang tỏ ra “bó tay” (hay cố tình làm ngơ) trước tình trạng “phớt lờ” lệnh đình chỉ, hiên ngang xây dựng suốt gần 2 năm qua.
Phải chăng vì là “Lâu đài 6 gà vàng”, nên chủ nhân của nó cũng chính như một vị “lãnh chúa” toàn năng, toàn quyền, có thể thoải mái xây dựng ra sao tùy thích trên “lãnh địa” 888,42 m2 của mình bất chấp những quy định thiết kế và cấp phép của chính quyền, của pháp luật.
Trong quá khứ, từng có rất nhiềm công trình vi phạm tương tự “như tòa lâu đài” nêu trên được các cơ quan chứ năng “thẳng tay” xử lý. Có thể kể đến như năm 2006, 2007và 2009, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xử lý hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng như việc “cắt ngọn” các công trình vi phạm có quy mô lớn như số 9 Đào Duy Anh, số 4 Đặng Dung hay tòa nhà 15 tầng ở phường Bưởi…
Tuy nhiên để ý kỹ thì lại thấy đa phần các vụ “trảm” công trình vi phạm trật tự xây dựng dường như chỉ được thực hiện quyết liệt từ năm 2010 trở về trước, thời điểm Thủ đô tròn nghìn năm văn hiến. Còn kể từ sau Đại lễ nghìn năm mới có một lần kia thì hình như công tác quản lý xây dựng lại có phần bị “buông lỏng”, “căn bệnh” vi phạm trật tự xây dựng, xây nhà tùy tiện lại tái phát trở lại và có phần lan rộng.
Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở đã được ban hành và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 30/11 năm 2013. Tuy nhiên, Nghị định trên đã gây khá nhiều tranh cãi khi tại Điều 13:
“Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40\% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50\% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.
Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng”.
Thay vì những hành vi vi phạm như xây dựng sai phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch chi tiết đô thị được duyệt, sai thiết kế đô thị được duyệt thì phải dỡ bỏ công trình vi phạm như quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP như trước đó, chế tài theo kiểu “nộp tiền” để điều chỉnh lại giấy phép xây dựng rất dễ bị các đối tượng lợi dụng, “cạy” có tiền rồi xây nhà không hợp chuẩn.
Tuy nhiên, Nghị định 121 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 30/11/2013 trong khi “Lâu đài 6 gà vàng” của đại gia sắt thép Nguyễn Quốc Thanh lại bị UBND phường Nghĩa Đô ra quyết định đình chỉ xây dựng vào ngày 03/01/2013, tức là trước thời điểm nghị định 121 chính thức có hiệu lực tới gần 11 tháng. Như vậy, theo luật, công trình xây dựn của ông Thanh sẽ phải xử lý theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP, có nghĩa là sẽ bị dỡ bỏ phần vi phạm.
Như đã nêu, cho tới thời điểm này, gần 2 năm sau khi UBND phường Nghĩa Đô ra quyết định đình chỉ thi công, “lâu đài 6 gà vàng” bị "kẹp" giữa hai bộ máy quản lý là UBND quận Cầu Giấy và phường Nghĩa Đô vỏn vẹn có 1,5 km vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Những công cụ và chế tài cho hành động trái pháp luật vẫn chưa được lãnh đạo chính quyền sở tại sử dụng một cách hiệu quả và kịp thời.
"Cần phải có "bàn tay sắt" để đập bỏ những hạng mục vi phạm tại lâu đài gà vàng của đại gia buôn thép", một bạn đọc bình luận.