Vụ phát hiện thuốc kháng sinh Zinnat 500mg giả mới đây ở Hà Nội khiến nhiều sợ hãi vì thuốc giả có thể liên quan tới mạng sống của người bệnh.
Theo một báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương năm 2017 thì trong số 11 mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh.
Liên tục phát sinh những vụ làm giả thuốc biệt dược
Hồi tháng 5/2011, Viện Kiểm nghiệm thuốc TW đã phát hiện thuốc Zinnat tablets 500mg (trên nhãn ghi: LOT: C463051, MANF D 17-02-10, EXP 02-13, Glaxo Operations UK Limited United Kingdom; tem nhập khẩu ghi: DNNK: Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2, TPHCM) giả ở trên địa bàn TPHCM. Đây là loại kháng sinh sử dụng phổ biến cho cả trẻ em và người lớn, bị làm giả khá tinh vi ở dạng viên nén.
Đến tháng 8/2017, Cục Quản lý Dược phát hiện có 2 lô thuốc tẩy giun Fugacar của Công ty Janssen Pharmaceutica N.V., Beerse (Bỉ) mà cơ quan chức năng phát hiện tại một số nhà thuốc tại TPHCM, là giả. Thuốc Fugacar giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau. Nhưng điểm khác này không phải người tiêu dùng nào cũng phát hiện được.
Rồi ngay sau đó là vụ lùm xùm thuốc ung thư H-Capita 500mg Caplet do Công ty VN Pharma nhập về Việt Nam bị tranh luận là thuốc giarhay thuốc kém chất lượng. Nhưng dù thế nào thì chắc chắn hiệu quả chữa bệnh là không có.
Những tưởng qua vụ ầm ĩ của VN Pharma, khiến dư luận cả nước phải chú ý cao độ thì tình trạng biệt dược làm giả có thể thu liễm. Nhưng không, chỉ chưa đầy 1 năm, giờ đây xảy ra vụ Bộ Y tế cảnh báo thuốc kháng sinh giả Zinnat 500mg Film Tablet hiện có trên thị trường thuốc Hà Nội. Mẫu thuốc giả mạo danh nhà sản xuất, kiểm nghiệm không phát hiện thành phần chính của thuốc là Cefuroxime acetyl.
Lô thuốc đã dừng lưu hành nhưng thị trường vẫn có hàng giả để bán cho bệnh nhân. |
Chưa hết, cơ quan chức năng lại phát giác sự thật động trời là 6 sản phẩm Công ty TNHH Hồng An Phong (tại thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong
, huyện An Dương, Hải Phòng) được cấp phép mỹ phẩm nhưng bị phát hiện sản xuất từ bột than tre, quảng cáo thổi phồng hỗ trợ điều trị ung thư. Cty Vinaca dùng bột than tre tán mịn được cho vào các ruột vỏ thuốc con nhộng, đóng gói thành thuốc viên nang "Vinaca ung thư co3.2" bán cho bệnh nhân ung thư với giá hàng triệu đồng/hộp.Than tre nghiền nát đóng viên nang thành thuốc cho bệnh nhân ung thư ở Hải Phòng. |
Hậu quả khôn lường cho người bệnh và xã hội
Có lẽ trong số những vụ làm hàng giả thì đáng căm phẫn nhất là làm giả thuốc tân dược. Hậu quả của việc sử dụng thuốc giả là người bệnh chịu cảnh 'tiền mất, tật mang'. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa dược chất nhưng không đủ hàm lượng, người bệnh dùng sẽ không chữa được bệnh, làm bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong. Nhưng nguy hiểm hơn có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, người bệnh dùng bị tai biến (như trường hợp thuốc giả mạo là đông dược trộn thuốc corticoid gây các tai biến trầm trọng), hoặc gây chết người.
Điều đáng lo ngai là những vụ làm giả đều bị phát hiện tại những TP lớn, vậy còn số thuốc tân dược giả chảy đến các tỉnh khác thì không ai đánh giá được. |
Điều đáng nói, tình trạng thuốc giả không riêng ở Việt Nam mà còn đang có xu hướng gia tăng ở các nước đang phát triển. Bất cứ thuốc nào cũng bị kẻ gian làm giả miễn sao đưa đến lợi nhuận. Chúng có thể làm giả từ những thuốc không nổi tiếng, tính từng viên thuốc thì không lời nhiều, nhưng dễ giả mạo và được sử dụng với số lượng lớn do tính chất xã hội của bệnh (Ví dụ như thuốc trị sốt rét, trong một cuộc điều tra năm 2001, Việt Nam và một số nước khác ở vùng Đông Nam Á phát hiện có đến 38% thuốc trị sốt rét lưu hành trong khu vực này là thuốc giả không chứa dược chất trị bệnh) đến những dược phẩm nổi tiếng được tiêu thụ nhiều.
Gần đây, thuốc bị làm giả nhiều là thuốc điều trị rối loạn cương (dạng uống), do nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều đã kích thích kẻ gian làm thuốc giả nhái y như thuốc chính hiệu. Sau đó là các loại thuốc kháng sinh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cho biết khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và có thể là nguyên nhân mỗi năm gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc các chứng bệnh như sốt rét hay sưng phổi.
Kiểm soát chất lượng thuốc hạn chế
Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, trong khi số lượng mặt hàng thuốc được sản xuất và lưu hành trên thị trường ngày càng tăng, nhiều dạng bào chế mới, hoạt chất mới với hơn 1.000 hoạt chất thì hệ thống kiểm nghiệm mới kiểm tra được khoảng 500 hoạt chất.
Trong khi đó, việc kiểm soát dược liệu nguồn gốc, chất lượng dược liệu sử dụng trong sản xuất thuốc từ dược liệu và sử dụng các cơ sở y dược học cổ truyền chưa thực sự tốt do nguồn lực đầu tư để nâng cao năng lực kiểm nghiệm dược liệu cũng như thiết lập chuẩn còn rất hạn chế. Tỷ lệ dược liệu không đạt chất lượng qua lấy mẫu khá cao, chiếm 13,39%.
Khó khăn lớn nhất của công tác kiểm nghiệm chất lượng thuốc hiện nay là chưa đủ trang thiết bị và chất chuẩn để kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu cán bộ lấy mẫu và kiểm tra chất lượng thuốc và người bán hàng không hợp tác lập biên bản vi phạm khi lấy mẫu ảnh hưởng công tác kiểm nghiệm chất lượng thuốc.
Bên cạnh đó, một khó khăn nữa trong công tác quản lý thị trường thuốc, mỹ phẩm hiện nay theo Thanh tra Bộ Y tế là các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm chưa thực hiện kiểm nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu của bán thành phẩm, thành phẩm thuốc, một số cơ sở có sự thay đổi nhỏ, thay đổi mẫu nhãn nhưng chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt.
Minh Minh (T/h)