An tâm ở yên trong nhà phòng dịch
Chị Hoà từng là công nhân công ty TNHH may mặc Juke Vina, quận Bình Tân, TP.HCM. Cuối tháng 2/2021, công ty ngừng hoạt động vì không có đơn hàng, gần 100 công nhân lâm cảnh thất nghiệp. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tìm việc mới khó khăn, chị đăng ký trợ cấp BHTN.
“Tưởng đăng ký hưởng chừng 1-2 tháng rồi tìm việc làm mới, ngờ đâu Covid-19 ập tới, thành phố giãn cách liên tiếp, nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Không kiếm được việc làm nên tôi ở nhà từ tháng Ba đến nay. May mà có trợ cấp BHTN mỗi tháng 3,5 triệu đồng chứ cả gia đình không biết xoay xở ra sao”- chị Hòa nói.
Dịch bệnh cũng khiến chồng chị mất việc làm đã 3 tháng nay. Nguồn sống của cả gia đình trông chờ vào khoản tiền trợ cấp thất nghiệp 3,5 triệu đồng này cho cả 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ. Đến nay, tròn nửa năm chị đã hưởng trợ cấp BHTN.
Gia đình chị Lê Thị Hòa cầm cự nhờ trợ cấp BHTN hơn 6 tháng qua.
“Tôi đóng BHTN ở công ty được hơn 10 năm, dịch thế này có lẽ tôi sẽ nhận trợ cấp BHTN trọn 12 tháng. Cũng may còn có BHTN là “cứu cánh”, chứ cả gia đình lúc này không biết trông cậy vào đâu”- chị Hòa nói.
Nhờ khoản tiền trợ cấp BHTN để vượt qua giai đoạn khó khăn như nữ công nhân Lê Thị Hòa cũng đang là câu chuyện của hàng ngàn công nhân, NLĐ khác trên địa bàn TP.HCM. Những khu nhà trọ như tại tổ 22 phường Thạnh Xuân, quận 1; khu trọ số 745, phường 13, quận Gò Vấp… có hàng trăm công nhân đang được hưởng trợ cấp BHTN để “ở yên trong nhà” an tâm phòng dịch.
Đến làm thủ tục tại bộ phận "Một cửa" của trung tâm DVVL tỉnh Bắc Giang, chị Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1985 (thôn 11, xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang) cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ tháng 5/2021, tôi phải nghỉ việc. Đến đây, tôi được hướng dẫn làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Nhân viên của Trung tâm tư vấn với thời gian tham gia BHTN hơn 4 năm, tôi sẽ được hưởng 4 tháng trợ cấp BHTN. Giai đoạn khó khăn này, tôi mới thấy hết ý nghĩa của BHTN. Hy vọng dịp này dịch giảm, tôi sẽ tìm được việc làm phù hợp”.
Nỗ lực vì quyền lợi người lao động
Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có những quy định cụ thể đối với người lao động thất nghiệp trong đại dịch. Theo đó, người lao động thất nghiệp được bảo đảm quyền lợi bằng cách gửi hồ sơ hoặc khai báo trực tuyến đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp với trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh.
Mới đây nhất, từ ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong số 12 chính sách hỗ trợ có 3 chính sách liên quan đến BHXH, BHTN là: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.
Theo thông tin từ cục Việc làm (bộ LĐ-TB&XH), tại miền Bắc, khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, tỉnh Bắc Giang phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp gồm 322 doanh nghiệp với tổng số gần 150.000 lao động tạm ngừng việc; Bắc Ninh có 42.000/320.000 lao động phải ngừng việc. Đến nay, sau khi khống chế được dịch Covid-19, các doanh nghiệp tại 2 tỉnh này cũng như nhiều tỉnh thành khác bắt đầu đi vào sản xuất kinh doanh theo kế hoạch. Tuy nhiên hiện tại, trong toàn khu vực có khoảng 2,5% doanh nghiệp vẫn phải tạm dừng hoạt động, 5% lao động ngừng việc.
Bảo hiểm thất nghiệp “cứu cánh” hàng triệu lao động bị mất việc làm do đại dịch Covid-19.
Trước những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thời gian qua, Bắc Ninh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ kịp thời NLĐ, trong đó tập trung vào giải quyết chính sách BH thất nghiệp, giúp người dân ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn.
Ông Đinh Văn Duyệt- Giám đốc trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 5.758 người đăng ký làm thủ tục BH thất nghiệp, chủ yếu là NLĐ trong lĩnh vực điện, điện tử, chiếm hơn 50%. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người, trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh đã triển khai linh hoạt trong giải quyết chính sách BHTN nhằm giúp người dân hạn chế việc đi lại, rút gọn các thủ tục hành chính.
“Chúng tôi cố gắng để làm sao vừa đáp ứng được yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ, vừa đảm bảo quyền lợi cho NLĐ không bị gián đoạn. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn NLĐ làm thủ tục hưởng BHTN thông qua cổng thông tin điện tử của tỉnh, Zalo, Facebook, điện thoại… Việc tiếp nhận hồ sơ cũng thực hiện qua hệ thống bưu điện hoặc gửi hình ảnh qua Zalo là chủ yếu. Ngoài ra, Trung tâm cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ lao động tìm việc” - ông Duyệt cho hay.
Cũng theo ông Đinh Văn Duyệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, hàng triệu lao động bị mất việc, giãn việc, chính sách BHTN đã thực sự trở thành “chỗ dựa” cho NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, vơi bớt những áp lực về kinh tế trong mùa dịch. Ngoài ra, chính sách BHTN cũng giúp NLĐ có cơ hội được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới chất lượng hơn cho bản thân.
Tham gia BHTN, khi mất việc làm, người lao động sẽ được hưởng các chế độ theo quy định.
Tại Khánh Hòa, từ khi thực hiện chính sách BHTN năm 2009 đến cuối tháng 5/2021, BHXH Khánh Hòa đã thực hiện chi trả BHTN cho 110.404 lượt người với tổng số tiền là trên 1.200 tỷ đồng.
Nếu cả năm 2019, BHXH tỉnh Khánh Hòa chỉ thực hiện chi trả BHTN cho 13.349 lượt người với tổng số tiền là 190 tỷ đồng thì năm 2020, BHXH đã thực hiện chi trả cho 25.272 lượt người với tổng số tiền là 359 tỷ đồng, gấp 1,88 lần lượt người và gấp 1,89 lần tổng số tiền.
Trong thời gian qua, việc thực hiện chi trả BHTN được BHXH tỉnh Khánh Hòa triển khai quyết liệt bởi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực.
Chia sẻ về công tác giải quyết thủ tục hưởng BHTN, ông Nguyễn Văn Huyên- Trưởng phòng BHTN (trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang) cho biết, dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng do không xuất, nhập được hàng hóa đã bắt buộc phải cho NLĐ tạm nghỉ việc hoặc chấm dứt HĐLĐ. Trong giai đoạn khó khăn này, chính sách BHTN đã góp phần giúp NLĐ ổn định cuộc sống. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 7.113 lao động đăng ký hưởng BHTN với số tiền trên 90 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu tháng Bảy đến nay, sau khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, số lao động đến làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh rất đông…
Trong thực tế, hiện chính sách BHTN đang phát huy hiệu quả, giá trị to lớn với người lao động trong thời gian gặp khó khăn, mất việc làm vì dịch bệnh Covid-19. Với những khoản hỗ trợ, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, BHTN đã tạo điều kiện, góp phần giúp người lao động giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Theo quy định tại Điều 42, luật Việc làm 2014 thì người lao động nhận được 4 quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gồm:
- Trợ cấp thất nghiệp.
- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
- Hỗ trợ học nghề.
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm
Thu Hà