Hội nghị do Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức vào chiều ngày 15/11. Dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Hội nghị do Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức vào chiều 15/11.
Theo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, đến nay, Lào Cai là 1 trong 19 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát và khắc phục hậu quả thiên tai; là 1 trong 4 địa phương của cả nước tổ chức phát động phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Ban Chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà do ảnh hưởng cơn bão số 3 (viết tắt là Ban Chỉ đạo) đã đề ra mốc hoàn thành nhà ở cho các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trước 31/12/2024 và hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trước 30/6/2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Hài báo cáo tại hội nghị.
Theo Đề án của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành tháng 6/2024, toàn tỉnh có 8.227 nhà tạm, nhà dột nát cần làm mới và sửa chữa.
Kết quả rà soát của Tổ công tác Công an tỉnh thực hiện mới đây, tổng số hộ cần hỗ trợ làm nhà mới và sửa chữa để xóa nhà tạm, nhà dột nát là 9.656 nhà (tăng 1.429 nhà so với Đề án). Theo số liệu rà soát của các địa phương, số nhà tạm, nhà dột nát cần làm mới và sửa chữa là 10.693 nhà, tăng 2.466 nhà so với Đề án. Nguyên nhân tăng chủ yếu do hộ nghèo, cận nghèo hằng năm biến động; cách tính ban đầu chưa sát, do cảm quan về tiêu chí; một số nhà ở sau mưa lũ bị hư hỏng, xuống cấp.
Về thiệt hại nhà ở do hoàn lưu bão số 3, số liệu của UBND tỉnh tính đến ngày 18/10/2024 là 6.689 hộ, trong đó sập, đổ hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng phải làm mới là 758 nhà; thiệt hại phải sửa chữa 1.383 nhà; phải di dời khẩn cấp khỏi khu vực nguy hiểm là 4.548 nhà.
Theo rà soát mới đây của các địa phương, toàn tỉnh có 4.883 hộ bị thiệt hại về nhà ở, trong đó sập, đổ hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng phải làm mới là 689 nhà, phải sửa chữa 1.223 nhà, phải di dời khẩn cấp khỏi khu vực nguy hiểm là 2.972 nhà, giảm 1.806 nhà so với số liệu trước đó.
Về nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai về nhà ở, tổng nhu cầu theo báo cáo đến ngày 18/10 là 468 tỷ đồng; theo kết quả rà soát của các địa phương, kinh phí cần 338 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định luôn tạo điều kiện tốt nhất cho việc khai thác vật liệu xây dựng.
Về tiến độ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến nay, đã khởi công được 3.053 nhà (đạt 54%), trong đó, hoàn thành 1.909 nhà; đã giải ngân đạt 62 tỷ đồng theo kế hoạch năm, bằng 47% kế hoạch; về thiệt hại nhà ở do thiên tai, đã khởi công 390 nhà, chưa khởi công 299 nhà.Tại hội nghị, lãnh đạo các ngành, địa phương đã báo cáo tình hình và nêu một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thống kê, rà soát xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà ở bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Ngoài ra, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ rõ những hạn chế, “điểm nghẽn”, các vấn đề cần phải giải quyết trong triển khai nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ nhà ở cho người bị thiên tai.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ nhiệm vụ các địa phương cần đẩy mạnh là nêu cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu các xã, thị trấn trong giải quyết thủ tục đất đai; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ trong Nhân dân; huy động các nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ các hộ nghèo không có vốn đối ứng khi làm nhà.
Đồng chí Trịnh Xuân trường - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu việc rà soát của các địa phương cần đảm bảo chính xác hơn nữa, phải đầy đủ, thống nhất. Các địa phương cần linh hoạt trong huy động nguồn lực tại chỗ, giải quyết các thủ tục pháp lý về đất đai, về phân bổ nguồn vốn; phân công, phân nhiệm cho các ngành, các cơ quan, đơn vị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Xuân Cường chỉ đạo việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, nguồn vốn ngân sách được cấp cần đúng mục đích, đúng quy định; với các hộ không đủ nguồn lực đối ứng, cần sớm thực hiện theo mẫu định hình để đảm bảo mọi người dân đều có nhà ở đạt chuẩn.
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đến ngày 20/11, các địa phương phải có báo cáo rà soát số nhà tạm, nhà dột nát, nhà bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn; hằng tuần, các địa phương phải có báo cáo tiến độ với Ban Chỉ đạo của tỉnh.
Để tháo gỡ khó khăn, các địa phương cần chủ động, linh hoạt trong việc xử lý các vướng mắc về thủ tục đất đai, nguồn vật liệu xây dựng, như cát, đá, sỏi. Cần phát huy tích cực hơn nữa vai trò của người đứng đầu cấp ủy các địa phương, lực lượng nòng cốt như công an, bộ đội, đoàn thanh niên và các đoàn thể trong việc hỗ trợ Nhân dân. Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy sự hỗ trợ của các nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nguồn hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong cả nước để đảm bảo tiến độ xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.