(ĐSPL) – Liên quan đến vấn đề quản lý việc làm sổ đỏ, trong đó nhức nhối nạn thu phí bôi trơn để làm sổ đỏ, nhiều ĐBQH cho rằng, nếu là lãnh đạo thì không thể nói không biết chuyện này.
Vấn nạn phải nộp phí "bôi trơn" để làm sổ đỏ đã được người dân phản ánh rất nhiều lần. Trong phiên chất vấn trước Kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng thừa nhận rằng có sự “nhũng nhiễu” trong việc này khiến việc cấp sổ đỏ cho dân còn chậm trễ, kéo dài, và để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của các văn phòng đăng ký đất đai ở các địa phương.
|
Vấn đề phải nộp phí bôi trơn để làm sổ đỏ thời gian qua đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. |
Trong khi đó, mới đây, trao đổi với phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội về việc đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phản ánh có hiện tượng đưa phí “bôi trơn” 8 triệu đồng để làm sổ đỏ của một số hộ dân ở khu đô thị Mễ Trì Thượng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lại cho biết, đến nay chưa có người dân nào đến gặp ông để tố cáo sự việc.
Sau đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cũng khẳng định với báo chí rằng, “nếu người dân, doanh nghiệp thấy trường hợp nào nhũng nhiễu, “vòi” tiền trong quá trình làm giấy chứng nhận đề nghị phản ánh về Bộ Tài nguyên Môi trường để xử lý, đừng để "con sâu làm rầu nồi canh". Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì “Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm cấp sổ đỏ chính là do sai phạm của chủ đầu tư như không thực hiện đúng theo thiết kế khi thực hiện dự án nên đến khi ra cơ quan tài nguyên môi trường thì từ giữa thực tế với thiết kế có sự khác nhau. Vì thế, cần phải thanh tra, kiểm tra, trên cơ sở đó mới cấp giấy chứng nhận cho người dân”.
Sau câu trả lời của các lãnh đạo, thì vấn đề đặt ra đối với người dân, là làm sao để có thể gặp được những người đứng đầu để tố cáo hay nêu ra những vấn đề bức xúc trong việc phải nộp phí bôi trơn làm sổ đỏ, bởi nếu như chỉ phản ánh chuyện này ở các cơ quan chức năng cấp phường, xã thì có lẽ mọi chuyện sẽ lại “đi vào quên lãng”, và đến khi được hỏi, thì lãnh đạo vẫn sẽ nói rằng “chưa nhận được thong tin nào về việc này”.
|
Theo ĐBQH Đinh Xuân Thảo, đã là lãnh đạo, là nhà quản lý thì không thể nói hai từ "không biết". |
Trước vấn đề đó, trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, ĐBQH Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội cho rằng, nói đến việc nhân tiền bôi trơn là nói đến vi phạm pháp luật.
“Dưới góc độ của cơ quan quản lý, thì khi nghe nhận thông tin, chính nội bộ phải có chỉ đạo, kiểm tra xem sự việc ra sao, phải có trách nhiệm chứ không thể nói là không biết rồi xong. Dân người ta phản ánh nhiều mà không ai nghe nên họ mới kêu nhiều như thế” – ông Thảo nhấn mạnh.
Ông Đinh Xuân Thảo cũng đưa ra so sánh rằng, ở Đà Nẵng, thủ tục làm sổ đỏ với số tiền theo quy định thì chỉ 15 ngày là xong. Người dân Đà Nẵng cũng nói rằng, từ việc cấp đất tái định cư hay việc bốc thăm, ai có thế nào thì sẽ được thế ấy, chứ không có việc chạy trọt, hối lộ lấy chỗ đẹp hơn. Khi làm sổ đỏ cũng vậy, có thủ tục thì làm rất nhanh, như thế mới ngăn chặn được tiêu cực.
“Thế nhưng ở Hà Nội, việc làm sổ đỏ cho dân lại được “ngâm” và kéo dài rất lâu, anh nào muốn nhanh thì lại phải đóng tiền, rồi nộp chi phí bôi trơn. Vậy phải đặt câu hỏi rằng, là cơ quan quản lý, các anh đã cho đi tiến hành tuyên truyền, kiểm tra trong nội bộ hay chưa, thậm chí là lãnh đạo khi nghe thông tin đó phải đi xuống thực tế, đến những nơi chẳng biết anh là ai để vi hành thử xem thế nào thì mới biết được sự tình” – ông Thảo nhấn mạnh.
Theo quan điểm của mình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội khẳng định: “Đối với cán bộ quản lý của ngành, khi nhận thông tin như thế phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, phải chấn chỉnh chứ không thể nói là “tôi không biết” rồi cho qua. Lĩnh vực đất đai là lĩnh vực gây nhiều bức xúc cho dân, nhưng nói là không biết thì về mặt trách nhiệm cũng chưa thỏa đáng. Đã là nhà quản lý thì không thể nói không biết là xong”.
|
Ông Lê Như Tiến cho rằng, hiện nay có rất nhiều lĩnh vực tồn tại chuyện lót tay, bôi trơn nhưng lại được gói trong một từ mỹ miều là "chi phí ngoại giao". |
Trong khi đó, khi cùng nêu quan điểm về vấn đề này, Đại biểu quốc hội Lê Như Tiến cũng khẳng định thêm rằng, hiện nay không chỉ có lĩnh vực đất đai, sổ đỏ, mà còn có rất nhiều lĩnh vực khác đều có chuyện lót tay, bôi trơn được gói trong từ mỹ miều là “chi phí ngoại giao”.
“Về mặt luật pháp, sổ đỏ dĩ nhiên phải cấp cho người ta khi họ có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, cớ sao lại cứ dây dưa rồi đòi phí bôi trơn? Có diện tích đất, ở hợp pháp thì đường nhiên phải được cấp sổ đỏ. Thế nhưng, lại vẫn có những công chức nhà nước cố tình tạo ra khó khăn để trục lợi cho mình, đây chính là 1 hình thức tham nhũng, mà chống nó cực kỳ khó” – ông Lê Như Tiến khẳng định.
Ông Lê Như Tiến cũng khẳng định thêm rằng, trong những vấn đề này, là người lãnh đạo hay người trực tiếp quản lý mà nói không biết thì chỉ là cách nói ngụy biện, bởi nếu muốn biết thì chẳng có gì khó, có thể tự đi kiểm tra, hoặc nắm thông tin qua các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Trả lời phóng viên về tình trạng người dân phải nộp “phí bôi trơn” khi đi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), mới đây nhất, sáng 31/10, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định rằng: “Từ lâu đây là vấn đề có thật gây bức xúc trong dư luận. Phía cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát, tuy nhiên khi không ghi được, không bắt được nên rất khó xử lý”. Đồng tình với quan điểm trên, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai cũng thừa nhận để có chứng cứ rất khó. “Mặc dù biết có hiện tượng cán bộ lợi dụng sự phức tạp của hệ thống pháp luật, quy trình cấp sổ đỏ để đòi hỏi người dân phải bồi dưỡng cho mình, tuy nhiên để phát hiện lại không phải dễ. Khi kiểm tra, người dân cũng không muốn hợp tác hoặc có hợp tác lại không có chứng cứ nên không thể xử lý được. Từ trước tới nay chưa phát hiện trường hợp cán bộ nào nhận tiền “bôi trơn” làm sổ đỏ. Nếu phát hiện thì đuổi việc ngay” – ông Chính khẳng định. |