(ĐS&PL) Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây Hà Nội) là một địa điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 5/1 năm nay.
Tổng quan Làng Văn hóa |
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Tây, cuối đại lộ Thăng Long, nằm dưới chân núi Ba Vì huyền thoại; với địa hình bán sơn địa có đồi núi, có thung lũng và bao quanh là mặt nước hồ Đồng Mô thơ mộng với tổng diện tích 1544ha, gồm 7 phân khu chức năng: Khu quản lý điều hành văn phòng, Khu dịch vụ du lịch tổng hợp, Khu trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí, Khu công viên bến thuyền, Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, Khu Di sản văn hóa thế giới và trong đó Khu các làng dân tộc được coi là linh hồn, là trái tim của dự án.
Nơi gây gắn với những sự kiện điểm nhấn trong năm như “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: “Tuần đại đoàn kết – di sản văn hóa Việt Nam”, Làng còn có hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chuyên đề về ẩm thực, âm nhạc, trang phục…do đồng bào các dân tộc đại diện các vùng, miền về sinh sống, tái hiện.
Nơi được lựa chọn để tổ chức sự kiện |
“Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa của 54 dân tộc vinh dự là nơi bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng của người Việt. Hiện nay, tại Làng có cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày như: Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer.. nhằm tái hiện đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng; bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa các dân tộc Việt Nam để được hòa mình vào thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây, đến với bản làng các dân tộc để tìm hiểu đời sống, nét văn hoá đặc trưng của từng dân tộc bằng sự trải nghiệm chân thật nhất. Dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm nay kéo dài 05 ngày (27/4- 01/5), Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Trong khuôn khổ các hoạt động tháng 4 với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Đặc biệt, chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế lao động 01/5, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động điểm nhấn Chợ vùng cao với chủ đề “Sắc màu Lai Châu” từ ngày 27/4 - 01/5/2019, tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc. Tạo không khí đậm nét chợ vùng cao ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian… Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Hà Nhì, Si La, La Ha, Thái, Tày, Mông, Dao, Khơ Mú. Điểm hẹn cho dịp nghỉ lễ, nhóm gia đình bạn bè, …
Chương trình chi tiết với các hoạt động gồm:
1.1. Giới thiệu các trò diễn trong lễ hội của dân tộc La Ha tỉnh Sơn La vào khung giờ 08h30 - 9h00; 14h30 - 15h00 các ngày từ 27/4/2019 - 1/5/2019 (Thứ Bảy đến Thứ Tư) tại không gian chợ vùng cao phía Bắc, Làng I.
Giới thiệu trò diễn trò giả làm con khỉ, diễn cảnh cày bừa, múa cầu mưa, múa khăn, múa kiếm, múa trống, chơi ném còn và đặc biệt là điệu múa Sừng lừng (múa dương vật) quanh cây nêu thường được thực hiện tại các lễ hội của dân tộc La Ha, có sự giao lưu, tương tác với đồng bào các dân tộc và khách du lịch.
1.2. Chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu chợ phiên” vào khung giờ 9h00 - 10h30; 15h00 - 16h00 các ngày từ 27/4/2019 - 1/5/2019 (Thứ Bảy đến Thứ Tư) tại không gian chợ vùng cao phía Bắc, Làng I.
Biểu diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tham gia tại Chợ vùng cao với các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền tạo một không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng.
1.3. Tái hiện Lễ Pang A (Lễ cầu an) của dân tộc La Ha - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào khung giờ 09h00 - 10h00 ngày 27/4/2019 (Thứ Bảy) tại Làng dân tộc La Ha, Khu các làng dân tộc I.
Khi cây măng đắng trong rừng bắt đầu nhú, cây ban chúm chím khoe sắc trên sườn non bà con La Ha bắt đầu tổ chức lễ Pang A để cầu cho mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe, may mắn cho dân làng đồng thời tỏ lòng cảm tạ tri ân thần linh, các thầy lang đã có công bảo vệ dân bản. Đứng ra tổ chức là ông mo có tiếng trong vùng, theo quan niệm của bà con, ông mo là người kết nối giữa các thân linh với người trần thế, những người được ông cúng tế, chữa khỏi bệnh sẽ được nhận con nuôi và được mời đến. Lễ hội cũng là dịp để bà con dân bản đến tụ hội, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, thắt chặt tình đoàn kết cùng nhau xây dựng bản mường.
Phần lễ tôn nghiêm giàu bản sắc, phần hội sôi nổi, sáng tạo, các điệu múa gần gũi với cuộc sống hàng ngày, phản ánh lao động sản xuất, ẩn chứa ước nguyện của người dân được phù hộ mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, bản làng ít xảy ra dịch họa, dòng họ phát triển, hạnh phúc. Lễ Pang A được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.
1.4. Giới thiệu trích đoạn nghi thức cúng cây đu (Gié Khừ Già) của dân tộc Hà Nhì tỉnh Lai Châu vào khung giờ 10h00 - 11h00 ngày 28/4/2019 (Chủ Nhật) tại Làng dân tộc Hà Nhì, Khu các làng dân tộc I.
Để chuẩn bị cho Tết mùa mưa, người ta phải dựng hai cây đi là đu lăng, đu quay và 2 cái bập bênh quay. Theo quan niệm của người Hà Nhì, cái đu lăng vươn cao hàng chục mét với ngọn lá xum xuê thể hiện khát vọng của con người về một sự phát triển tốt đẹp. Còn cái đu quay trông như cái guồng nước to tròn phản ánh mong muốn về sự no đủ.
Sau khi tổ chức lễ cúng mùa mưa tại không gian nhà đồng bào Hà Nhì di chuyển xuống chợ vùng cao cúng cây đu và mở hội. Các điệu múa, tiếng trống và các trò chơi dân gian được mở ra để đồng bào các dân tộc và du khách cùng tham gia trải nghiệm.
1.5. Tái hiện Tết mừng lúa mới của dân tộc Si La vào khung giờ 09h00 - 10h00 ngày 29/4/2019 (Thứ Hai) tại không gian làng dân tộc Si La, Khu các làng dân tộc I.
Theo quan niệm của đồng bào Si La, trong suốt quá trình sản xuất của gia đình và dòng họ luôn có sự chở che của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vì vậy khi con cháu trong dòng họ dùng những nông sản đó không được quên ơn những người lớp trước đã truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất. Đồng bào Si La sẽ lấy những hạt lúa chín đầu tiên của vụ mùa về cúng tổ tiên trước khi thu hoạch. Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ đặc trưng tiêu biểu không chỉ không chỉ được tổ chức tại mỗi gia đình trưởng dòng họ riêng mà tất cả dòng họ trong bản đều được tổ chức. Sau các nghi lễ cúng mời tổ tiên, các gia đình trong dòng họ sẽ đến dự bữa cơm mừng cơm mới tại nhà trưởng họ.
Lễ mừng cơm mới là một nghi thức nông nghiệp chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tích cực và là một phần quan trọng trong ý thức của đồng bào Si La.
1.6. Tái hiện Lễ hội mùa mưa dân tộc Hà Nhì vào khung giờ 09h00 - 10h00 ngày 30/4/2019 (Thứ Ba) tại không gian làng dân tộc Hà Nhì, Khu các làng dân tộc I.
- Tết mùa mưa là một trong bảy cái Tết trong năm theo phong tục cổ truyền của người dân tộc Hà Nhì. Tết mùa mưa thường được diễn ra vào cuối mùa hè, khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh. Các nghi lễ trong Tết mùa mưa thể hiện tín ngưỡng đặc trưng thờ thần nông nghiệp, thờ thần mưa, thần nước của cộng đồng người Hà Nhì, cầu mong cho mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no. Đây là nghi lễ thể hiện sự ứng xử một cách hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Người Hà Nhì cho rằng để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa thì cần phải tổ chức nghi lễ cúng cầu mưa.
- Có dịp tham dự lễ hội cầu mưa, bạn sẽ thấy bên cạnh phần lễ long trọng, linh thiêng lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn như đu dây, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, hát đối đáp giao duyên… Điểm đặc biệt bữa liên hoan trong ngày Tết mùa mưa trong các bản làng còn giữ được không khí vui vẻ và ấm cúng, là dịp để thắt chặt thêm tình cảm láng giềng, cộng đồng làng bản thêm bền vững
- Giới thiệu một số món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Hà Nhì, tỉnh Lai Châu.
Cùng đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật Xiếc đặc sắc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại Sân khấu lễ hội Làng III từ 09h30 - 11h00 và 14h30 - 16h00 ngày 29/4/2019-30/4/2019 (Thứ Hai, Thứ Ba) với các tiết mục như: Xiếc thú, ảo thuật, hề xiếc, tung hứng, lắc vòng, uốn dẻo… hứa hẹn sẽ mang tới tiếng cười và những phút giây thoải mái cho du khách, đặc biệt là các em thiếu nhi khi đến tham quan tại Làng.
Bên cạnh những nét văn hóa truyền thống, trong khuôn khổ 4 ngày sự kiện, Ban Tổ chức bố trí đầy đủ các không gian ẩm thực, đồ uống giải khát, sản vật và đồ lưu niệm phục vụ du khách như không gian ẩm thực ven hồ tại làng III, không gian ẩm thực, không gian sản vật, thủ công, giải khát tại làng III,…để phục vụ du khách.
Ban Quản lý Khu các làng dân tộc trân trọng thông tin tới các cơ quan báo chí, truyền thông và rất mong nhận được sự hợp tác đăng tải tin, bài về các hoạt động sự kiện điểm nhấn Chợ vùng cao “Sắc màu Lai Châu” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Chị Dung cùng những người bạn háo hức chờ đợi những phút giây cùng bè bạn Lớp 12A - Trường THPT Cao Bá Quát tại Làng Văn hóa vào ngày 30/4 tới đây |
Đang tất bật chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ giao lưu kỷ niệm 20 năm ngày ra trường Lớp 12A (1996 - 1999) - Trường THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai, chị Nguyễn Thu Dung cùng những người bạn của mình phấn khởi chia sẻ: "Về với Làng Văn hóa trong dịp hội ngộ sau 20 năm "tình thầy nghĩa bạn" để ôn lại những kỷ niệm của tuổi học trò, kết nối sẻ chia, cảm thông với nhau trong cuộc sống. Chúng tôi cùng nhau khám phá kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc của các dân tộc, thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình, thiên nhiên trong lành và những tình cảm nồng ấm của đồng bào. Để sống lại những ký ức của một thời cùng nhau cắp sách tới trường bằng những phút giây lắng đọng, an bình giữa nhịp đời hối hả đầy áp lực của cuộc sống hiện đại...Để chia sẻ những cảm xúc tìm lại chính mình trong ký ức tuổi 20!.
Quyết Tuấn