Hơn 3 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân tại tỉnh Sơn La. Đã xuất hiện nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, điển hình tiên tiến có sức thuyết phục cao và lan tỏa trong đời sống, xã hội.
Chị Lò Thị Lên (đứng đầu), dân tộc Thái, ở xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La là điển hình tiêu biểu trong việc học Bác về giúp đỡ những mảnh đời và các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. |
Câu chuyện mang tính nhân văn sâu sắc của chị Lò Thị Lên (sinh năm 1980, dân tộc Thái, ở bản Thẳm B, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu) trong nhiều năm qua đã chia sẻ và giúp đỡ những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn là một điển hình tiêu biểu ở Sơn La trong việc học Bác.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo Tông Lạnh, chị Lên lại làm dâu trong một gia đình sống chung ba thế hệ, thuộc diện hộ nghèo. Vấn đề kinh tế đè nặng lên vai hai vợ chồng chị. Hàng năm, nguồn thu nhập của gia đình chị chỉ trông vào mấy trăm mét ruộng nên luôn thiếu đói. Điều đó khiến cho chị rất băn khoăn, trăn trở làm sao để gia đình thoát được cái đói, cái nghèo.
Năm 2002, gia đình chị may mắn được chính quyền địa phương tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn và vay được gần 30 triệu đồng. Có vốn, gia đình chị quyết định mua 2 cặp bò về nuôi và mua thêm giống cỏ voi về trồng. Hơn 10 năm chăn nuôi, gia đình chị đã có đàn bò hơn 30 con. Tuy nhiên, để vươn lên thoát nghèo và làm giàu, hai vợ chồng chị đã bàn bạc và thống nhất bán một nửa đàn bò lấy tiền mua thêm đất mở rộng phát triển kinh tế.
Đến nay, gia đình chị đã mở được một cửa hàng kinh doanh đồ uống; một quầy bán gạo và phân bón; một quầy kinh doanh hàng quần áo, may sẵn… Từ đó, thu nhập của gia đình ổn định và kinh tế ngày một khá lên.
Từ khi có “của ăn, của để”, với mong muốn giúp phụ nữ ở địa phương vươn lên thoát nghèo, tại những buổi sinh hoạt Chi hội Phụ nữ bản, chị Lên đã chia sẻ kinh nghiệm về cách làm giàu chính đáng, lao động đạt năng suất cao và kiếm tiền bằng khả năng của mình cho mọi người. Cùng với đó, chị đã sử dụng nguồn tiền tiết kiệm của gia đình giúp 15 hộ chị có hoàn cảnh khó khăn vay từ 5 đến 10 triệu đồng không lấy lãi để phát triển kinh tế. Ngoài ra, gia đình chị còn hỗ trợ bò sinh sản cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hàng năm hỗ trợ quần áo cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cho vay không tính lãi tiền, gạo, phân bón đối với những gia đình nghèo và cận nghèo trong bản.
Chị Quàng Thị Toan, bản Thẳm tâm sự: Trước đây, cuộc sống của gia đình chị rất khó khăn. Được chị Lên hỗ trợ một con bò để nuôi, chị đã bớt khó khăn. Bò đã đẻ được mấy con bê.
Không chỉ vậy, từng xuất thân từ một gia đình nghèo, chị Lên thấu hiểu hơn ai hết cuộc sống sẽ khó khăn như thế nào, đặc biệt đối với các cháu mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa. Từ năm 2002 đến nay, gia đình chị đã nhận 7 cháu về nuôi. Mỗi cháu một hoàn cảnh, trong đó có cháu mồ côi cả mẹ lẫn cha; có cháu do cha bị bệnh nặng mất và mẹ đi bước nữa; có cháu do bố phải chấp hành án phạt tù, mẹ không đủ khả năng chăm sóc…
Chị Lò Thị Lên nhận nuôi dạy, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ có đời sống khó khăn. |
Chị Lò Thị Lên bộc bạch: Các con gia đình chị nhận về nuôi đều được cho ăn học, nhiều con đã lớn. Trong đó, gia đình chị đã dựng vợ, gả chồng cho hai con và hỗ trợ các con tiền làm nhà; đồng thời, giao thêm cho các con một quầy bán quần áo may sẵn để tạo việc làm ổn định tại chỗ. Hiện, gia đình chị có hai cháu đã học xong chương trình phổ thông; ba cháu đang đi học tại các trường cấp 1 và cấp 2 của xã. Bây giờ, gia đình chị như một đại gia đình rất vui vẻ, hạnh phúc.
Em Quàng Thị Hằng, một trong số người con nuôi của chị Lên chia sẻ: Lúc nhỏ, em có hoàn cảnh rất vất vả, may mắn được gia đình mẹ Lên nhận về nuôi nên cuộc sống khá hơn. Bây giờ, em đã lập gia đình và có một đứa con nhưng vẫn nhận được tình yêu thương, đùm bọc của bố mẹ nuôi.
Chị Quàng Thị Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thuận Châu cho biết: Chị Lò Thị Lên là hội viên tiêu biểu đã được các cấp Hội ghi nhận. Những việc làm của chị Lên đậm tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ và giúp nhiều mảnh đời khó khăn trong cuộc sống vươn lên.
Từ những việc làm ý đó, năm 2018, chị Lò Thị Lên đã trở thành là một trong ba phụ nữ tiêu biểu của Việt Nam nhận Giải thưởng KOVA ở hạng mục “Sống đẹp”. Năm 2019, chị là tấm gương tiêu biểu của tỉnh Sơn La trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chị Nguyễn Thị Thủy ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, là tấm gương điển hình trong việc học Bác với mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ở Sơn La có nhiều tấm gương điển hình khác vượt khó vươn làm giàu cho gia đình và xã hội như chị Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1982, ở bản 19/8, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu.
Chị Nguyễn Thị Thủy cho biết: Những năm trước, người dân trên địa bà xã Mường Sang chủ yếu sống bằng nông nghiệp, cây trồng chủ đạo là ngô, lúa nhưng năng suất thấp và giá trị kinh tế không cao. Gia đình chị Thủy cũng như các hộ khác trong xã làm không đủ ăn, nhất là thời gian giáp hạt. Nhiều lần, chị muốn chuyển đổi hướng sản xuất để có cuộc sống ấm no hơn nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.
Sau nhiều năm suy nghĩ, năm 2010, chị quyết định chuyển đổi hơn 1 ha đất trồng ngô lúa kém hiệu quả sang trồng cây nhãn giống Hưng Yên và trồng thử nghiệm giống cam Vinh. Sau 5 năm, các loại cây này đã cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng ngô, lúa. Cùng lúc đó, chị được biết tỉnh Sơn La có chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc. Hơn nữa, được tuyên truyền, tham dự các chương trình tập huấn, học tập kinh nghiệm sản xuất do huyện tổ chức, chị đã nhận thấy chỉ cần có đất sản xuất và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp là được. Vì thế, chị đã mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm diện tích đất sản xuất. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của gia đình chị là 4,5 ha gồm các loại nhãn, cam, bưởi, bơ...; trong đó, 3 ha đã cho thu hoạch với mức thu nhập gần 1 tỉ đồng/năm.
Không dừng lại ở đó, năm 2018, được sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, gia đình chị đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm nước theo công nghệ Israel. Hệ thống này đã đảm bảo cung ứng nguồn nước tưới cho 3 ha với gần 2.000 cây cam và bưởi.
Chị Nguyễn Thị Thủy cho biết: Việc sử dụng hệ thống tưới phun mưa đã đảm bảo nguồn nước tưới ổn định, chủ động, góp phần tiết kiệm nước, cây sinh trưởng tốt và cho quả đều - đẹp - chất lượng. Năng suất thu hoạch so với khi chưa đầu tư hệ thống tưới tăng khoảng 30%.
Cùng với đó, để giúp bà con trên địa bàn vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ trồng cây ăn quả trên đất dốc, năm 2017, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, chị đã vận động các hộ trong bản thành lập Hợp tác xã Nông Nghiệp An Phú gồm 10 thành viên, do chị làm Giám đốc.
Chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ: Từ khi thành lập hợp tác xã, chị đã chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho các thành viên trong và ngoài hợp tác xã. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của hợp tác xã đã tăng lên trên 20 ha, trong đó 10 ha đã được cấp chứng nhận VietGap. Sản phẩm chủ đạo của hợp tác xã là các loại quả như: Cam, nhãn, bưởi, bơ, xoài...; thị trường tiêu thụ là các tỉnh phía Bắc. Sau hơn 1 năm thành lập Hợp tác xã, đời sống của các thành viên đã được cải thiện, thu nhập bình quân của các xã viên tăng khoảng 20%. Ngoài sản xuất kinh doanh, hợp tác xã còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh, xã hội như: Trao quà cho thiếu nhi vào các ngày lễ; ủng hộ các cháu học sinh nghèo trong bản...
Chị Hoàng Thị Sinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Sang ghi nhận: Chị Nguyễn Thị Thủy không chỉ là một tấm gương mạnh dạn, sáng tạo trong phát triển kinh tế, mà còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản rất nhiệt tình và được chị em tín nhiệm. Mô hình của chị Thủy cần được chị em học tập và làm theo.
Theo TTXVN