Đó là ý kiến của PGS.TS Phan An - chuyên gia văn hóa về quyết định xây nhà hát 1.500 tỷ đồng của HĐND TP.HCM. "Vấn đề nào cấp bách, cần đầu tư trước thì mình ưu tiên trước. Không nên chạy theo đám đông, thấy các nước lớn có nhà hát giao hưởng thì nước mình cũng phải có".
Liên quan đến vụ việc HĐND TP.HCM đồng ý xây dựng dự án nhà hát Nhạc giao hưởng vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, PV Người Đưa Tin đã có buổi phỏng vấn PGS.TS Phan An (chuyên gia văn hóa - viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ).
Thưa PGS.TS, là chuyên gia văn hóa, ông có đồng tình với quyết định của HĐND TP.HCM về việc xây nhà hát nhạc giao hưởng hay không?
Theo cá nhân tôi, nếu TP.HCM có được một nhà hát lớn để phục vụ nhu cầu văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tôi cũng rất ủng hộ.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, để xây dựng một nhà hát lớn với vốn đầu tư “khủng” như vậy không phải là việc làm cấp thiết.
Nước ta kinh tế còn khó khăn, các vấn đề về bệnh viện, trường học, đường sá, giao thông vận tải, ngập lụt,… vẫn chưa giải quyết xong. Vì vậy, chuyện xây dựng nhà hát nên xem xét lại.
PGS.TS Phan An. |
Nếu TP.HCM muốn xây dựng nhà hát lớn, đầu tiên nên làm gì? Liệu xây dựng nhà hát có mang lại lợi ích thiết thực cho người dân không, thưa ông?
Nếu muốn xây dựng nhà hát, trước hết, TP.HCM nên trả lời câu hỏi: Sau khi xây dựng nhà hát xong, nó sẽ đem lại lợi ích gì cho nhân dân? Nó có giúp người dân giải quyết được các vấn đề cấp bách, giúp cuộc sống của người dân hạnh phúc hơn hay không?
Ngoài ra, nước ta vẫn còn là một nước đang phát triển, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Họ chưa đảm bảo đầy đủ về cuộc sống vật chất, làm sao có thể nghĩ đến nhu cầu hưởng thụ tinh thần.
Họa chăng, nhà hát Giao hưởng nhạc và vũ kịch này chỉ phục vụ cho một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế tốt hơn, còn người dân lao động bình thường còn lo tiền ăn mỗi ngày, tiền học cho con thì sao có thể mua nổi vé để vào xem nhạc kịch hay các chương trình biểu diễn?
Nếu không xây dựng nhà hát, TP.HCM nên có định hướng phát triển như thế nào?
Hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng tại TP.HCM vẫn chưa hoàn thiện, nhiều dự án còn đang bỏ dở. Ví như việc chống ngập ở thành phố, chống bao nhiêu năm nay nhưng vẫn chưa hiệu quả. Dự án xây cống ngăn triều 10.000 tỷ hoàn thành 70% rồi nhưng do thiếu kinh phí, phải ngừng thi công. Tuyến đường sắt metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng đang lỡ dở, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Vì vậy, trước mắt, TP.HCM nên sắp xếp lại thứ tự ưu tiên các hạng mục từ văn hóa, kinh tế, xã hội,… Sau đó, xem xét nên ưu tiên đầu tư cho hạng mục nào trước. Vấn đề nào cấp bách, cần đầu tư trước thì mình ưu tiên trước. Không nên chạy theo đám đông, thấy các nước lớn có nhà hát giao hưởng thì nước mình cũng phải có. Xây một nhà hát lớn giữa thành phố mà đường sá chưa được quy hoạch, ổ gà lồi lỗm, ngập lụt triền miên liệu có phù hợp?
Khu đất tại Thủ Thiêm dự kiến sẽ xây dựng nhà hát giao hưởng có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Ảnh: Zing.vn |
Một số ý kến cho rằng, TP.HCM là thành phố lớn, đầu mối trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước với hơn 10 triệu dân, việc xây nhà hát quy mô lớn là cần thiết?
Bản thân tôi không phản đối chuyện xây dựng nhà hát nhưng chúng ta nên xây lúc nào? Phải là lúc phù hợp, tàu điện ngầm đã xây dựng xong, cống chống ngập ngăn triều hoàn thiện, đường sá thành phố không còn những nơi lồi lõm ổ gà, bệnh viện không còn quá tải, trường học đầy đủ trang thiết bị,… Vì vậy, một khi những vấn đề như giao thông, bệnh viện, trường học,… chưa giải quyết xong nhưng TP.HCM lại tiếp tục đầu tư xây dựng nhà hát sẽ khiến dư luận rất bức xúc và phản đối.
Xin cảm ơn những chia sẻ của phó giáo sư !
Chia sẻ với PV, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ lo lắng: "Đây là kỳ họp bất thường nên tôi tự hỏi, liệu quyết định từ HĐND TP.HCM đưa ra có vội vàng không? Các đại biểu biểu quyết xây nhà hát phải có sự cân nhắc thấu đáo. Tôi không biết là họ có được cung cấp thông tin đầy đủ để quyết định hay không?".
"Điều mà Thủ Thiêm cần ngay bây giờ, có lẽ không phải là nhà hát mà là xây cầu và hạ tầng. Và 1.500 tỷ đồng có thể xây được 2-3 cầu. Xây cầu giúp Thủ Thiêm phát triển hơn nhà hát nhiều", ông Sơn nói.
Ông Sơn chỉ ra ở các nước, việc xây dựng nhà hát thường được tiến hành sau cùng, khi mọi thứ ở nước họ đã ổn định. Ông dẫn chứng tại Mỹ, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lincoln Center ở New York chỉ được xây khi thành phố này đã ổn về mặt hạ tầng, bệnh viện, trường học đầy đủ.
Hay như tại Pháp, nhà hát mới Opera Bastille cũng "mọc" lên khi Paris đã ổn định về nhu cầu hạ tầng xã hội, chứ trước đây nước này không đặt vấn đề xây nhà hát mà họ tận dụng những gì đang có, bao gồm nhà hát Opera Garnier cũ. Chính vì thế, ông Nam Sơn cho rằng, trong bối cảnh TP.HCM đang gặp nhiều vấn đề về ngân sách thì việc sử dụng số tiền lớn này cần phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng.