Không chỉ là “chiếc phao” cứu sinh…
Tìm hiểu của PV được biết, ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1/7/2009). Luật BHYT điều chỉnh các mối quan hệ liên quan tới các chủ thể tham gia BHYT, quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan quản lý đối với chính sách xã hội quan trọng này.
BHYT đảm bảo chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi khám chữa bệnh chính đáng của HSSV. (Ảnh: Trọng Hùng)
Đối với nhóm đối tượng HSSV, Luật quy định lộ trình thực hiện từ tự nguyện chuyển sang đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, theo đó, từ 1/1/2010, HSSV trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT.
Ngày 13/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015). Các điểm mới quan trọng trong Luật sửa đổi là quy định “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc”; khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình. Trong lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, HSSV, tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT.
Với mục tiêu đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân để mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT, đặc biệt là việc bảo đảm để thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, trên cơ sở Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020.
Với nhóm đối tượng HSSV, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% HSSV tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của HSSV. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ đối với việc thực hiện pháp luật BHYT nói chung và pháp luật BHYT đối với nhóm HSSV- thế hệ tương lai của đất nước nói riêng.
Về quy định của Luật, theo Khoản 4 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, HSSV là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng (hỗ trợ từ 30% đến 100% mức đóng tùy thuộc nhóm đối tượng ưu tiên).
Thông tin trên báo Đà Nẵng, cuối tháng 5/2020, em Bùi Nhật Ng. (SN 2012, học sinh Trường tiểu học, THCS Đức Trí, quận Hải Châu, Đà Nẵng) nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết, hôn mê, suy hô hấp, suy thận cấp, xuất huyết não... Vì bệnh tình nghiêm trọng, em Ng. nằm viện 98 ngày liền, được điều trị bằng nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu và sử dụng nhiều loại thuốc đắt tiền. Dù kinh tế gia đình ở mức khá nhưng vì phải điều trị thời gian dài nên bố mẹ em gặp không ít khó khăn. Sau thời gian điều trị, tổng chi phí khám, chữa bệnh của Ng. lên đến hơn 572 triệu đồng, nhưng nhờ tham gia BHYT, em được BHYT chi trả hơn 456 triệu đồng, gia đình em chỉ thanh toán hơn 116 triệu đồng.
Hay em Mai Việt T. (SN 2003, học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng là trường hợp được BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) lớn. Cuối năm 2019, em T. nhập viện điều trị nhiều bệnh liên quan đến tim như: cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim phức tạp… Vì phải phẫu thuật và điều trị bằng các loại thuốc đắt tiền, chỉ sau 8 ngày nằm viện, tổng chi phí chữa bệnh của T. lên đến gần 227 triệu đồng.
Với hoàn cảnh gia đình T., khoản chi phí trên là một gánh nặng. May mắn, em T. tham gia BHYT nên được BHYT chi trả hơn 179 triệu đồng chi phí điều trị, gia đình chỉ thanh toán hơn 47 triệu đồng. Theo báo cáo từ BHXH thành phố, trong năm học 2019-2020, toàn thành phố có 287.412 HSSV tham gia BHYT, đạt 99,5%. Từ tháng 9-2019 đến tháng 8-2020, BHXH thành phố đã chi trả chi phí KCB cho HSSV năm học 2019-2020 hơn 21 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều em được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB lớn đến hàng trăm triệu đồng.
Theo Giám đốc BHXH thành phố Đà Nẵng Đinh Văn Hiệp, tham gia BHYT giúp đối tượng HSSV thụ hưởng được nhiều quyền lợi trong chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, ngay khi bắt đầu tham gia BHYT, HSSV đã được hưởng các quyền lợi thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại nhà trường, như: sơ cấp cứu, xử lý ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập.
Khi HSSV đau ốm phải khám, điều trị sẽ được BHYT chi trả chi phí KCB tại các cơ sở y tế. Việc thực hiện tốt chính sách BHYT không chỉ bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước mà còn giảm được những rủi ro khi không may mắc phải bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
… mà còn là trách nhiệm công dân của mỗi HSSV
Thống kê từ ngành BHXH cho thấy, những năm gần đây, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Năm học 2020-2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng việc triển khai chính sách BHYT HSSV vẫn tiếp tục đạt những kết quả tích cực. Số HSSV tham gia BHYT trên cả nước là hơn 18 triệu, tăng 1,6% so với năm học 2019-2020. Trong đó, có hơn 14,5 triệu em tham gia theo nhóm HSSV và 3,5 triệu HSSV tham gia theo nhóm khác (hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân lực lượng vũ trang...). Trong năm 2020, cả nước có trên 6,8 triệu lượt HSSV đi KCB BHYT được quỹ BHYT chi trả 2.296,11 tỷ đồng.
Tham gia BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) không chỉ giúp các em và gia đình giảm bớt gánh nặng viện phí mà còn là sự tuân thủ pháp luật và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV. Ảnh minh họa, nguồn ảnh: Internet.
Đặc biệt, quyền lợi KCB BHYT được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Nổi bật là chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT được triển khai trên quy mô toàn quốc từ ngày 1/1/2021, giúp một số trường hợp tham gia BHYT điều trị trái tuyến vẫn được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến.
Cùng với đó, từ tháng 6/2021, thủ tục KCB BHYT cũng đã có sự cải tiến, mang lại lợi ích cho người tham gia BHYT nói chung, HSSV nói riêng khi có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”, thay cho thẻ BHYT bằng giấy khi đi làm thủ tục KCB, giúp người tham gia BHYT tiết kiệm thời gian trong KCB, đặc biệt không lo mất, hay hỏng thẻ BHYT giấy.
Đáng chú ý, số HSSV tham gia BHYT không ngừng tăng qua các năm cho thấy nhận thức của các phụ huynh và HSSV về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT… đã được nâng cao.
Từ quan niệm bị động trong tham gia BHYT, phụ huynh HSSV đã chuyển sang tâm thế chủ động, tham gia BHYT để chăm sóc sức khỏe cho con em mình hoặc xác định rõ trường hợp không cần dùng đến thẻ BHYT thì chi phí tham gia BHYT của các em coi như đóng góp vào quỹ BHYT để cùng thực hiện nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Thông tin trên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, từ thực tiễn công tác đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho HSSV, có thể thấy, thẻ BHYT đã ngày một minh chứng rõ nét về vai trò đảm bảo chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi KCB chính đáng của HSSV. Chính sách BHYT cũng tiếp thêm niềm tin, sự an tâm và động lực để các gia đình yên tâm điều trị cho con em mình, giúp các em HSSV không may ốm đau, bệnh tật có cơ hội được KCB, được khỏe mạnh và sớm quay trở lại học tập.
Tham gia BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) không chỉ giúp các em và gia đình giảm bớt gánh nặng viện phí khi không may mắc bệnh mà còn là sự tuân thủ pháp luật và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV.
PV (t/h)