Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Làm sao để tận diệt “ký sinh” kiếm tiền trên thân xác trẻ em?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Hàng ngàn trẻ em đang bị người lớn lợi dụng để biến chúng thành công cụ kiếm tiền.

(ĐSPL) - Hàng ngàn trẻ em đang bị người lớn lợi dụng để biến chúng thành công cụ kiếm tiền.
Trẻ em bị các đối tượng chăn dắt đưa đi ăn xin, bị đánh đập. Trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi, sống lang thang và bị dụ dỗ vi phạm pháp luật. Trẻ em bị bắt lao động trong điều kiện không đảm bảo, nhiều giờ trong một ngày.  Thậm chí, trẻ bị chính cha mẹ, người thân lợi dụng, tung tin có năng lực siêu nhiên để coi bói, chữa bệnh... Đó thật sự là những tệ nạn nhức nhối, xâm phạm đến quyền lợi của trẻ em. Dù không ít vụ bị phát hiện và xử lý, nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Cảnh bé gái ôm em ăn xin gây dư luận chú ý ở chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM).
Bị chính người thân biến thành “công cụ” kiếm tiền
Những ngày vừa qua, dư luận cả nước xôn xao với tin đồn về sự xuất hiện của vị “thánh sống” 9 tuổi tên Phùng Minh Quân (ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) có khả năng chữa bách bệnh nan y chỉ nhờ một cú chạm nhẹ. Những người cho rằng bé có khả năng chữa bách bệnh không ai khác, lại chính là những người trong gia đình của Quân. Thông qua những lời làm chứng hùng hồn của đông đảo người thân trong gia đình cậu bé, Quân đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng với những người dân ở địa phương và vùng lân cận.
Một đồn mười, mười đồn trăm, đông đảo người dân tìm đến với hy vọng được chấm dứt bệnh tật mà không phải thuốc men, chạy chữa gì. Thời gian đỉnh điểm, mỗi ngày có đến hàng ngàn lượt khách thập phương kéo đến chữa bệnh. Nhờ có “thánh”, gia đình cậu bé tất bật bận rộn với công tác buôn bán, nấu ăn, giữ xe và kiểm kê tiền cúng của bệnh nhân. Từ ngày trở nên nổi tiếng, “thánh Quân” phải chữa bệnh ngày đêm đến độ ngất xỉu ngay giữa lúc đang chữa bệnh. Cậu bé không có thời gian học tập, vui chơi như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác mà phải thực hiện nghĩa vụ của một “thần y” do gia đình chỉ dẫn.
Cũng cùng trường hợp tương tự như Phùng Minh Quân, “nữ thầy bói” Đồng Thị Ánh mới 16 tuổi (ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đã được người nhà tuyên truyền với người dân xa gần về khả năng “tiên đoán” tương lai, do có “vong nhập”. Vì thế, tuy chỉ mới 16 tuổi, Ánh đã có thâm niên 4 năm hoạt động như một “bà đồng” chính thức. Ánh nghỉ học khi đang học lớp 7. Kể từ đó, Ánh bắt đầu công việc của một “thầy bói” với thời gian biểu làm việc theo giờ hành chính. Hằng ngày, cô bé ngồi vào bàn chờ khách đến xem bói từ 8h sáng đến hết 5h chiều. Trong lúc Ánh ngồi bói, cha mẹ cô bé trò chuyện và quảng cáo cho khách về khả năng “thần kỳ” của em để củng cố lòng tin cho những người còn hồ nghi khả năng tiên đoán của con mình. Tuy đã được nhắc nhở nhiều lần, gia đình Ánh vẫn tiếp tục ủng hộ cô bé hành nghề với lý do muốn con “giúp đời”.
Đây chỉ là hai trong số 25.000 - 30.000 trẻ em trong độ tuổi 8-15 phải tham gia lao động kiếm sống sớm, bị bóc lột sức lao động, hoặc phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. Theo thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2010 cả nước có tới 28.910 trẻ em làm việc trong điều kiện độc hại, 21.230 trẻ em đường phố. Không nói đâu xa, ở các TP lớn, người dân có thể chứng kiến nhan nhản hình ảnh những đứa trẻ còn chỉ mới độ tuổi tiểu học đã phải bán vé số, băng đĩa, kẹo bánh, xin ăn... Thậm chí, những đứa trẻ trong độ tuổi từ 1-10 tuổi phải trở thành lao động chính để nuôi dưỡng những bậc phụ huynh “ký sinh trùng” trên những thân xác bé nhỏ, còm cõi ấy.
Theo ghi nhận của PV, tại các ngã ba, ngã tư của các tuyến đường trong nội thành TP.HCM như đường Cao Thắng (quận 3), đường Ba Tháng Hai (quận 10), đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)... và các chợ như chợ Tân Bình (quận Tân Bình), Bến Thành (quận 1)... hình ảnh các trẻ em dắt díu nhau ăn xin, bán vé số dưới sự chỉ đạo của người lớn khiến không ít người bức xúc, phẫn nộ. Đa số các em đều xuất thân trong những gia đình có cha mẹ thất nghiệp, kinh tế khó khăn, là dân nhập cư tràn về TP từ các tỉnh thành lân cận.
Gieo mầm họa cho tương lai
Phân tích ở góc độ tâm lý trẻ em, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, báo chí đưa tin rất nhiều các vụ lợi dụng trẻ em để trục lợi, bạo hành trẻ em khiến nhiều trẻ trở nên hoảng loạn. Những trẻ bị người lớn điều khiển thường trở nên chai lỳ, tâm sinh lý sẽ bị ảnh hưởng, có nhiều em bị sai lệch nhận thức khi chúng lớn lên. Trẻ em bị lợi dụng là do nhiều nguyên nhân như trẻ dễ bị dụ dỗ, dễ bị người lớn bắt nạt, ép buộc làm theo ý người lớn; cha mẹ hám lợi, đẩy con cái vào việc kiếm tiền sớm... Tôi cho rằng, đây là một tệ nạn cực kỳ nguy hiểm, cần sự vào cuộc của toàn xã hội để ngăn chặn đến mức tối đa những hành vi vi phạm quyền trẻ em này.
Trẻ em là đối tượng được toàn thế giới đặt mối quan tâm và ưu tiên lên hàng đầu. Tuy nhiên, các quy định pháp luật nước ta về quyền bảo hộ trẻ em còn quá lỏng lẻo, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bóc lột sức lao động của các em vẫn ngày một gia tăng. Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM cho biết: “Hiện vẫn còn nhiều người lớn lợi dụng trẻ em để kiếm tiền như việc chăn dắt trẻ em để ăn xin, tung tin những đứa trẻ có năng lực siêu nhiên rồi bảo chúng coi bói, xem tướng số, hoặc chữa bệnh nhằm trục lợi... Đó là những việc làm vi phạm đến quyền lợi của trẻ em và vi phạm Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em. Đây là những hành động đáng lên án và cần phải chấm dứt triệt để để quyền lợi trẻ em luôn được bảo đảm. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp không ít khó khăn do những kẻ lợi dụng trẻ em hoạt động rất tinh vi. Trong khi đó, việc áp dụng các hình thức xử lý còn quá nhẹ, hầu như chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở chứ chưa có chế tài cụ thể. Do đó, nhiều trẻ em vẫn đang bị lợi dụng. Theo tôi, cần có những quy định chi tiết, cụ thể về việc xử phạt những người lợi dụng trẻ em, cần quy định một cơ quan cụ thể có thể quản lý độc lập và xử lý tất cả những vấn đề liên quan đến việc lợi dụng trẻ em. Như thế, trẻ em sẽ được sống đúng với lứa tuổi của mình”.
Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên  công tác tại trung tâm Trợ giúp Pháp lý TP.HCM cho biết: “Tất cả các hành vi xâm phạm quyền của trẻ em, gây tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt những trường hợp lợi dụng trẻ em để kiếm tiền vẫn chưa nghiêm, nên chưa mang lại hiệu quả. Hầu hết các trường hợp chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính, nhưng mức phạt thấp. Sau khi phạt người lớn lại tiếp tục lợi dụng trẻ em để kiếm tiền. Luật đã có nhưng chưa có sự phối hợp đồng bộ, nên chưa thể giải quyết triệt để những vi phạm về quyền lợi trẻ em. Theo tôi, cần phải xử phạt nặng hơn. Chẳng hạn với mức chỉ đủ xử phạt hành chính thì phạt thật cao, và cưỡng chế thi hành. Nếu tái phạm thì áp dụng các hình thức tăng nặng, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tình trạng lợi dụng trẻ em để trục lợi ngày càng phức tạp, khó lường
Tình trạng lạm dụng, bóc lột sức lao động trẻ em đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ việc đã bị phát hiện và xử lý khiến dư luận phẫn nộ, bức xúc. Đây là một vấn nạn đang ngày một phức tạp, khó lường, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Trên thực tế, rất khó để xử lý hành vi lợi dụng trẻ em để trục lợi.
Trong báo cáo tổng kết cuối năm của Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho thấy, mỗi năm trên địa bàn cả nước có đến hơn 27.000 trẻ em trong độ tuổi từ 8- 15 đang phải làm việc nặng nhọc trong điều kiện tồi tệ. Phần lớn các em phải lao động từ 8-9 giờ/ngày, có thời điểm lên tới 12 giờ/ngày với đồng lương vô cùng rẻ mạt, chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với người lớn. Riêng tại TP.HCM, có đến hơn 180.000 trẻ em nhập cư từ các vùng nông thôn lên TP để lao động kiếm sống, chiếm 10\% trẻ em toàn TP. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số đầy đủ. Bởi lẽ, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có những cuộc điều tra chính thức về thực trạng lao động trẻ em mang tính quốc gia.
Sau rất nhiều nỗ lực của nhiều ngành nhiều cấp, tình trạng lạm dụng lao động trẻ em trục lợi đã có những chuyển biến tích cực trong giai đoạn 1996 – 2006 từ 30\% xuống 6,7\%. Song những số  liệu trên có xu hướng tiếp tục gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế. Trong một nghiên cứu mới được công bố do Dự án tuổi thơ kết hợp với trường ĐH Western (Úc) nêu rõ, hơn 36 triệu du khách quốc tế đặt chân đến Việt Nam đã chứng kiến cảnh trẻ em bị lạm dụng trục lợi, bóc lột sức lao động. Đặc biệt, ở các khu du lịch, tình trạng trẻ em thường xuyên xin ăn, bán vé số, bánh kẹo khiến không ít du khách ái ngại.
Theo số liệu thống kê của HĐND TP.HCM, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, riêng trên địa bàn huyện Bình Chánh đã phát hiện 6 vụ ngược đãi lao động trẻ em với 22 trẻ phải làm việc quần quật từ 8 giờ đến 12 giờ/ngày với đồng lương rất thấp. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, các chủ cơ sở kinh doanh thường chống chế, cho rằng các em là con em, họ hàng đến để học việc.
Trò chuyện với PV về những khó khăn trong việc xử phạt các vi phạm về lợi dụng trẻ em để kiếm tiền, ông Đặng Hoa Nam, Cục phó cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em nhận định: “Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là chưa có hệ thống luật “bao quát”, nên nhiều đối tượng có thể lách luật, chống chế. Nhiều chuyên gia nói cần có những quy định cụ thể hơn trong việc xử phạt những vi phạm liên quan đến trẻ em nhưng chỉ nói thế thôi chứ không nêu lên là quy định như thế nào, ai quy định... Do đó, rất khó để xử lý. Trong thời gian tới, cần có một tổ chức, cơ quan đứng ra làm luật và chịu trách nhiệm xử phạt vi phạm. Như thế mới mong có tính đồng nhất trong pháp luật, giảm được tệ nạn này”.
Cần nghiêm trị theo quy định của pháp luật
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết, tất cả các hành vi xâm phạm quyền của trẻ em, gây tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Người lớn không được dụ dỗ, lôi kéo trẻ em sống một cuộc sống đường phố, lợi dụng trẻ em đường phố để tìm kiếm lợi ích cá nhân; Lạm dụng trẻ em cho lợi ích cá nhân; Lợi dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em cho các công việc nặng nhọc, nguy hiểm...
 

Tin nổi bật