Này nhé, “rải” CV xin việc mang lại cho bạn khá nhiều lợi thế: tiết kiệm thời gian chờ đợi hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn, có nhiều cơ sở để deal lương hơn và đương nhiên, xác suất tìm được việc làm cũng cao hơn.
Thế nhưng, những điều này bạn chỉ có thể đạt được khi bản thân là một ứng viên “rải” CV tinh tế. Vậy, “rải” CV như thế nào mới là tinh tế? Đáp án sẽ có trong bài viết dưới đây.
“Rải” CV có định hướng
Như thế nào là có định hướng? Đó là khi bản thân bạn nhận biết được mình muốn hướng đến những vị trí nào. Lời khuyên dành cho bạn là chỉ nên hướng đến tối đa 3 vị trí mà thôi. Ví dụ, bạn có kinh nghiệm ở mảng marketing thì bạn có thể hướng đến 3 vị trí: nhân viên Marketing, nhân viên truyền thông hoặc Account Executive trong các Agency.
Thứ nhất, khi bạn giới hạn mục tiêu càng cụ thể thì tỷ lệ “rải” CV mẫu xin việc vào những vị trí bạn không mong muốn sẽ càng thấp. Điều này giúp bạn tránh tình trạng lúc “rải” CV hăng say, lúc được gọi đi phỏng vấn lại chạy mất dép, không chỉ lãng phí thời gian của bạn mà còn của nhà tuyển dụng.
Thứ hai, việc giới hạn vị trí ứng tuyển giúp bạn không tạo ra những CV vô vọng vì ứng tuyển vào những vị trí vượt quá tầm với của bản thân.
Chuẩn bị các mẫu CV khác nhau cho từng vị trí bạn hướng đến
Tiếp nối ý 1, một mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho công tác ứng tuyển tiếp theo, đó chính là bước chuẩn bị CV. Khi bạn chỉ hướng đến 3 vị trí, đồng nghĩa với việc bạn chỉ cần chuẩn bị 3 mẫu CV. Đừng bảo rằng từ trước đến nay bạn chỉ chuẩn bị một mẫu CV duy nhất cho tất cả vị trí đó nha! CV chứ có phải quần áo freesize đâu mà mặc lên người ai cũng vừa như vậy?
Nên nhớ, mỗi một vị trí, mỗi một công ty lại đòi hỏi những điều khác nhau ở ứng viên. Nhiều công ty tuyển cùng một vị trí nhưng mô tả công việc và yêu cầu đối với ứng viên cũng khác nhau đấy thôi.
Vì lẽ đó, việc bạn gửi một mẫu CV duy nhất cho các vị trí và các công ty khác nhau sẽ khiến sự chuẩn bị của bạn bị đánh giá qua loa, không chỉn chu và thiếu chuyên nghiệp. Thậm chí, CV của bạn còn trở nên “lạc quẻ” hoàn toàn so với những gì nhà tuyển dụng tìm kiếm. Điều đó dẫn đến CV xin việc của bạn bị nhà tuyển dụng lướt qua chỉ sau vài giây vì nó chẳng đọng lại trong họ bất cứ điều gì.
Không chỉ chuẩn bị những CV khác nhau cho các vị trí và công ty khác nhau. Bạn còn có thể viết tên công ty mà bạn ứng tuyển vào phần mục tiêu nghề nghiệp của bản thân. Bí quyết nhỏ này chắc chắn sẽ khiến nhà tuyển dụng ít nhiều chú ý đến bạn đấy.
3. Không bao giờ quên mình đã gửi CV những công ty nào
Ứng tuyển nhiều công việc một lúc không có nghĩa là bạ đâu gửi đấy. Gửi nhiều đến mức không nhớ nổi mình đã gửi CV cho những công ty nào, ứng tuyển vị trí gì.
Không ít trường hợp nhà tuyển dụng ngớ người khi gọi điện cho ứng viên nhưng họ thậm chí không biết bản thân từng ứng tuyển vào công ty: “Ơ. Chị ở công ty nào cơ ạ? Em nộp vào vị trí gì vậy ạ? Em gửi CV nhiều quá nên em không nhớ đã ứng tuyển công ty nào ấy.”
Hẳn nhiên, những ứng viên như thế này sẽ bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, thiếu nghiêm túc, không thực sự hứng thú với công việc và chắc chắn sẽ bị loại thẳng tay.
Mục đích của bạn khi rải CV chẳng phải là tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho mình hay sao? Vậy bạn cũng đừng quên, những công ty có mức lương cao, cơ chế tốt, đãi ngộ tử tế thì tiêu chuẩn nhân sự của họ cũng rất cao. Nếu ngay cả tên công ty của người ta bạn cũng chẳng nhớ thì chắc chắn bạn sẽ đánh mất luôn cơ hội việc làm đó dù cho CV của bạn đã vượt qua vòng loại.
Vậy bạn có thể làm gì để dù ứng tuyển nhiều công ty nhưng vẫn không lãng quên bất cứ công ty nào? Một mẹo nhỏ bạn có thể áp dụng là xem kỹ thông tin sau khi gửi CV ứng tuyển và ghi chú một vài thông tin cơ bản về công ty cũng như vị trí mà bạn đã ứng tuyển vào sổ tay hoặc máy tính/điện thoại (nơi thuận tiện nhất khi bạn cần kiểm tra thông tin một cách nhanh chóng). Điều này giúp bạn tự tin hơn và không bị bỡ ngỡ khi nhận được cuộc gọi bất ngờ từ nhà tuyển dụng.
Trong gửi CV xin việc, trong công việc hay trong cuộc sống, dù bạn làm bất cứ điều gì, đừng bao giờ quên “thành công đến từ những điều nhỏ nhất”. Luôn suy nghĩ chu toàn mọi việc và lên kế hoạch cho mọi hành động là đức tính cần có của một người thành công.