Thông tin trên tờ CNBC, theo dữ liệu được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hôm 30/9, lạm phát của khu vực đồng tiền chung euro đã lập đỉnh mới 10% trong tháng 9/2022, tăng từ mức 9,1% hồi tháng 8 và vượt dự báo 9,7%.
Giá năng lượng tăng 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng từ 38,6% trong tháng 8. Chỉ số giá của nhóm thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 11,8%, cao hơn mức 10,6% của tháng trước.
Lạm phát lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng của tháng 8 là 4,3%.
Giới quan sát cho rằng tình hình sẽ ngày càng xấu đi trước khi được cải thiện.
Lạm phát khu vực đồng Euro xác lập kỷ lục mới trong tháng 9/2022. Ảnh minh họa
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) áp lực trước báo cáo lạm phát. Cơ quan này có thể phải tăng lãi suất mạnh tay trong cuộc họp tháng 10, đẩy khu vực đồng euro đến gần một cuộc suy thoái hơn.
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2011, trước tình hình giá tiêu dùng tăng mạnh, lãi suất cơ bản đã tăng. Vào tháng 9, ngân hàng này đã tăng lãi suất 0,75% lên 1,25%, một mức chưa từng có trong lịch sử.
Thống kê cũng thể hiện, trong tháng 8/2022, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng euro đạt 6,6%, không thay đổi so với tháng 7. Điều này cho thấy thị trường lao động vẫn phục hồi bất chấp rủi ro suy thoái và cuộc khủng hoảng năng lượng đang đè nặng lên châu lục.
Theo ước tính của Eurostat, 3 nước Baltic do Estonia dẫn đầu có giá trị lạm phát cao nhất ở mức 24,2%. Ở Slovakia, tốc độ tăng giá tăng lên 13,6%, ở Đức là 10,9%. Mức thấp nhất là ở Pháp, nơi lạm phát giảm xuống 6,2%.
Thủy Tiên (T/h)