Theo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian qua, đã xảy ra một số vụ ngộ độc do ăn một số loại cây, hoa, quả có độc. Nguyên nhân do trong các loài cây, hoa, quả này có chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể khi ăn phải, thông tin báo Sài Gòn Giải Phóng.
14 học sinh ngộ độc do ăn phải quả ngô đồng
Bác sĩ Bùi Văn Độ, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, ngày 23/3, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm báo cáo có 14 học sinh Trường THCS Quang Trung, xã Lộc An nhập viện với triệu chứng rối loạn tiêu hóa do ăn quả cây ngô đồng. Sau khi phát hiện, nhà trường và gia đình đã đưa các em đến Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm và Bệnh viện II Lâm Đồng (thành phố Bảo Lộc) để theo dõi.
Các cơ sở y tế đã chuẩn đoán nguyên nhân, theo dõi tình trạng của các em; khi xác định không có nguy hiểm đã cho các em về nhà tiếp tục theo dõi. Theo thông tin của các gia đình, sức khỏe 14 học sinh đã trở lại bình thường ngay trong ngày.
Để chủ động trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Phòng Y tế; Trung tâm Y tế; Phòng GD&ĐT các huyện/thành phố chỉ đạo các trường học rà soát, thu gom, xử lý ngay các quả còn sót trên cây ngô đồng. Đồng thời, loại bỏ các loại cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên trường.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc các độc tố tự nhiên, khuyến cáo cho người dân và các em học sinh tuyệt đối không ăn các loại cây, hoa, quả lạ từ các cây mọc hoang dại, cây mọc ở chùa, đình, làng, đặc biệt là cây mọc tại khuôn viên trường học.
Thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe học sinh nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời.
Theo bác sĩ, hạt cây ngô đồng gây độc cho đường tiêu hóa và gan. Khi ăn vào, con người sẽ bị đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy. Nếu bị nặng có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa, rối loạn thần kinh.
Các chuyên gia cho biết, trong Đông y thường dùng vỏ cây ngô đồng làm thuốc tẩy, trị táo bón, chữa mụn nhọt, có thể sắc nước uống. Tuy nhiên, nhựa và hạt của cây chứa chất dầu, độc, gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và gan, nên nếu trẻ ăn phải sẽ đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn. Nhiều người cho rằng hạt ngô đồng chứa chất toxin độc nhưng hiện ít có nghiên cứu.
Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo về một số loại cây, hoa có chứa chất gây độc (protein độc) hoặc nghi ngờ gây độc thường gặp như cây ngô đồng, cây thầu dầu...theo VnExpress.
Khi trẻ ăn phải hạt ngô đồng và có biểu hiện ngộ độc như đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy thì người thân cần lập tức dùng mọi biện pháp làm trẻ nôn ra.
Trong khi trẻ nôn, cần để đầu nghiêng về một bên và dùng khăn lau sạch các chất dịch, đàm nhớt. Cho trẻ uống một cốc nước ấm (có thể pha chút muối) rồi tiếp tục để trẻ nôn, sau đó đưa trẻ bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Thùy Dung (t/h)