Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục cuộc đua: Lưu ý khi gửi tiền

(DS&PL) -

Lãi suất huy động tăng chủ yếu do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

(ĐSPL) - Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng (NH) vừa được điều chỉnh tăng từ 0,5 - 1\%/năm. Lần điều chỉnh tăng lãi suất lần này, tuy đa số các ngân hàng mới điều chỉnh tăng nhẹ và ở một vài kỳ hạn ngắn nhưng cũng sẽ khiến khách hàng an tâm và thoải mái lựa chọn ngân hàng để gửi tiền thay vì chịu rủi ro khi đầu cơ vào kênh vàng đang tăng nóng.

Ngày 8/7, Ngân hàng (NH) TMCP Phương Đông (OCB) đã công bố biểu lãi suất huy động mới theo hướng tăng dần các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng ở mức 5,2\%/năm, 3 tháng 5,5\%/năm, tăng 0,1\%/năm so với trước đó. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên từ 7\%-7,7\%/năm, mức khá cao so với thị trường.

Từ chiều 7/7, Sacombank bắt đầu tăng lãi suất huy động 0,05-1\%/năm tùy kỳ hạn, trong đó mức lãi suất cao nhất đối với kỳ hạn 12 tháng là 6,8\%/năm.

Từ ngày 6/7, NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tăng lãi suất ở một số kỳ hạn thêm từ 0,2\%-0,3\%/năm so với trước. Hiện lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn từ 5-12 tháng từ 5,5\%-6,8\%/năm và mức cao nhất là 7,4\%/năm áp dụng cho khách hàng gửi 36 tháng. Nhân viên giao dịch VPBank cho biết từ đầu tháng 7 đến nay, NH đã 2 lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi dù mức tăng không nhiều và ở các kỳ hạn khác nhau.

Trước đó, Vietcombank cũng tăng lãi suất với mức 0,1\%/năm với kỳ hạn 3, 6 và 9 tháng.

Trong tháng 6, nhiều ngân hàng cũng đã đồng loạt tăng nhẹ lãi suất như VietCapital Bank, Eximbank, TPBank,...


Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng tuần qua đồng loạt tăng trở lại với biên độ từ 0,4-0,6\% ở cả ba loại kỳ hạn.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,65\% lên mức 1,77\%/năm. Tương tự, kỳ hạn 1 tuần tăng 0,63\% lên mức 1,99\%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,41\% lên mức 2,2\%/năm.

Việc tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng trong tuần qua là diễn biến bình thường và không bất ngờ khi lãi suất trên thị trường này đã liên tục duy trì ở mức thấp trong 6 tuần trở lại đây.

Theo báo cáo tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm 2016 và dự báo sáu tháng cuối năm 2016 của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC), lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số NHTM nhỏ, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn. Bởi từ ngày 14/6 tại một số NHTM nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7 \% so với cuối năm 2015.

Lần điều chỉnh tăng lãi suất lần này, tuy đa số các ngân hàng mới điều chỉnh tăng nhẹ và ở một vài kỳ hạn ngắn nhưng cũng sẽ khiến khách hàng an tâm và thoải mái lựa chọn ngân hàng để gửi tiền thay vì chịu rủi ro khi đầu cơ vào kênh vàng đang tăng nóng.

Lãi suất tăng do đâu?

Nguyên nhân lãi suất huy động tăng chủ yếu do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Theo thông tư này, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 50\% thay vì mức 60\% kể từ 1/1/2017, và xuống 40\% từ 1/1/2018, khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.

Mặt khác, các NH cho biết phải tăng lãi suất huy động vì nhiều người đã rút tiền tiết kiệm để “lướt sóng” vàng những ngày gần đây.

“Việc tăng lãi suất huy động là nhằm hạn chế phần nào nguồn vốn chảy khỏi NH” - đại diện một NH nói.

Dự báo lãi suất 6 tháng cuối năm, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, Maritime Bank cho rằng, áp lực tăng lãi suất không nhiều nhờ thanh khoản dồi dào và định hướng chính sách ổn định lãi suất của Chính phủ.

Phó tổng giám đốc phụ trách khối tiền tệ của một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, thanh khoản hệ thống hiện khá dồi dào nhờ huy động tăng gần 9\% sau 6 tháng, trong khi tính đến ngày 24/6, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế ở mức 6,82\% so với cuối năm 2015. Bên cạnh đó, dòng tiền lớn bơm ra từ hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước giúp củng cố tình trạng thanh khoản tốt của hệ thống ngân hàng.

“Mặt bằng lãi suất có thể ổn định trong quý III/2016 khi chưa có thay đổi lớn về trạng thái thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Lãi suất huy động trên thị trường 1 ổn định, trong khi lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng có cơ hội giảm nhẹ nhằm thúc đẩy tín dụng. Lãi suất kỳ hạn ngắn trên thị trường 2 chủ yếu ở dưới mức 4\%/năm”, một lãnh đạo cao cấp của Maritime Bank nhận định.

Nguyên nhân lãi suất huy động tăng chủ yếu do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn. (Ảnh minh họa).

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGS) dự báo, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số ngân hàng nhỏ, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn. Tuy nhiên, thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng hiện đang dồi dào sẽ hỗ trợ cho nhu cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm.

“Ngoài ra, mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn có cơ sở triển khai trong trường hợp không có các cú sốc lớn từ bên ngoài, đồng thời lạm phát và tỷ giá trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương này”, UBGS nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, yếu tố có thể gây áp lực lớn nhất lên lãi suất của hệ thống ngân hàng trong nửa cuối năm là tốc độ tăng của lạm phát. Lạm phát tổng thể tăng cao ở nửa đầu năm 2016 chủ yếu do giá các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý được điều chỉnh mạnh. Dự báo, lạm phát cả năm 2016 sẽ sát mức mục tiêu 5\% của Quốc hội. Lạm phát có thể tác động đến lãi suất trái phiếu Chính phủ, từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất nói chung. Ngoài ra, các yếu tố quốc tế tạo rủi ro bất định xuất hiện cuối tháng 6 dù chưa ảnh hưởng đáng kể tới lãi suất trong nước nhưng cũng là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm.    

Nhận định thời gian tới, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho rằng sức ép tăng lãi suất trên thị trường là rất lớn, xuất phát từ kỳ vọng lạm phát. Do đó, điều hành cần rất thận trọng, không chủ quan với lạm phát, ngoài điều hành giá nói chung thì cần cân nhắc và thận trọng các hoạt động vĩ mô khác, để tránh tác động điều hành lãi suất.

"Vì sức ép lạm phát sẽ tạo nên sức ép vốn và lãi suất đầu vào cao. Bởi hiện nay nguồn vốn tập trung cho kinh tế chiếm phần lớn là nguồn tín dụng ngân hàng, nhu cầu huy động trái phiếu cũng cao hơn, nên cần chủ động linh hoạt trong điều hành, để giữ ổn định lãi suất cho vay, là rất cần thiết" - Thống đốc nhấn mạnh.

Lưu ý khi gửi tiền

Trước khi gửi tiền ngân hàng bạn nên cân nhắc xem nhu cầu của mình sẽ phù hợp với việc gửi ngắn hạn hay dài hạn. Nếu bạn không chắc chắn về nhu cầu sử dụng của bản thân thì nên gửi ngắn hạn. Vì nếu bạn gửi dài hạn mà bạn rút tiền gấp khi chưa đến thời kỳ đáo hạn, bạn sẽ nhận lãi suất rất thấp hoặc không có lãi. Tuy nhiên, khi bạn sắp xếp được kế hoạch chi tiêu hợp lý và muốn gửi dài hạn trên một năm để có mức lãi suất tốt, đến thời hạn, bạn phải đến ngân hàng để làm thủ tục tất toán.

Trường hợp muốn gửi tiếp thì bạn cũng nên đến làm thủ tục đáo hạn. Điều này vừa giúp bạn có thể kiểm soát được số tiền gốc và lãi của mình sau mỗi kỳ hạn gửi, đồng thời có thể thương lượng lại với ngân hàng để hưởng mức lãi suất mới có lợi hơn, tránh trường hợp như của bà Lê Thị Bích Thuỷ (TP HCM) gửi tiết kiệm nhưng không đến rút, để kéo dài tới hơn 30 năm. Đến khi làm thủ tục tất toán chỉ nhận được cả gốc lẫn lãi 4.385 đồng do sự trượt giá vì lạm phát và Việt Nam trải qua các kỳ đổi tiền.

Hiện nay, loại tiết kiệm được các ngân hàng thiết kế rất nhiều kỳ hạn để người dân linh hoạt lựa chọn. Kỳ ngắn từ 1 đến dưới 12 tháng; dài trên 12 tháng). Có ngân hàng đang có những sản phẩm tiền gửi chỉ 1, 2, 3 tuần.

Sau khi quyết định gửi dài hạn hay ngắn hạn rồi, bạn nên tham khảo một vòng xem ngân hàng nào có mức lãi suất cao nhất mà vẫn đảm bảo các quyền phụ lợi khác.

Bạn nên chọn ngân hàng lớn, uy tín, phát triển ổn định, có bề dày lịch sử, có độ an toàn cao. Để biết được điều này, bạn có thể tham khảo các dữ liệu từ báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm.

Thêm vào đó, những ngân hàng có nhiều chi nhánh, mạng lưới hoặc có nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ để triển khai các sản phẩm gửi tiết kiệm online... cũng sẽ được coi là một sự lựa chọn thông minh vì các cuộc giao dịch của bạn sẽ thuận lợi hơn những ngân hàng khác.

Cân nhắc khi trả lãi

Ngoài ra, bạn tính toán kỹ các phương thức trả lãi mà ngân hàng áp dụng. Bạn có 2 cách chọn lãi suất: Lãi suất cố định và lãi suất thả nổi.

Lãi suất cố định sẽ được giữ nguyên trong suốt kỳ, lãi sẽ được trả cuối kỳ. Còn lãi suất thả nổi sẽ được điều chỉnh từng quý hoặc từng tháng và tùy theo từng ngân hàng. Bạn có thể chọn cách lãi sẽ được nhập vào vốn hay rút tiền mặt ở mỗi lần lãnh lãi. Thông thường thì gửi tiết kiệm lãnh lãi cuối kỳ cố mức lãi suất tốt hơn.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

   

Tin nổi bật