(ĐSPL) - Lãi suất huy động lại một lần nữa được các đại gia ngân hàng điều chỉnh tăng, sau đợt tăng rầm rộ vào tuần đầu tháng 7.
Sau một loạt những cái tên như Vietcombank, Sacombank, Techcombank, Eximbank… thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ cuối tháng 6 đầu tháng 7. Đến nay, một loạt các ngân hàng khác cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động để nâng khả năng cạnh tranh của ngân hàng và thu hút nguồn tiền từ bên ngoài.
Trong đợt điều chỉnh tăng lãi suất lần này ngoài những cái tên mới như Ngân hàng ACB, VietABank… điều đáng chú ý là một lần nữa lại xuất hiện cái tên VPBank.
Có vẻ như VPBank thấy rằng 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động trước đó vào ngày đầu tháng 7/2016 vẫn chưa đủ để thu hút nguồn tiền gửi từ các khách hàng, vì vậy ngân hàng này đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất huy động mới từ ngày 13/7/2016, đây là đợt điều chỉnh biểu lãi suất thứ 3 chỉ trong tháng 7 của VPBank.
Nếu như 2 lần trước VPBank tập trung vào điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dưới 15 tháng, thì đến lần này VPBank quyết định tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất VPBank áp dụng ở các kỳ hạn 15 và 18 tháng tăng 0,2\% lần lượt ở mức 6,8\% và 7,2\%; đối với kỳ hạn dài 24 tháng và 36 tháng VPBank điều chỉnh lên mức 7,6\% và 7,7\% (tăng 0,3\%). Động thái này đã cho thấy mục tiêu của VPBank trong thời gian tới là hướng khách hàng vào các gói kỳ hạn dài, khi mà VPBank điều chỉnh tăng tới 0,3\%.
Biểu lãi suất mới của một số ngân hàng trong đợt điều chỉnh vừa qua. Ảnh: Kinh doanh & Pháp luật. |
Trước VPBank, vào ngày 12/7/2016, Ngân hàng ACB cũng đã có thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Cụ thể, ACB điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, với mức kỳ hạn 1 tháng tăng 0,2\% từ 4,4\% lên 4,6\% và kỳ hạn 2 tháng tăng 0,3\% lên 4,7\%; cùng với đó, gói kỳ hạn 3 tháng tăng 0,1\% từ 4,8\% lên 4,9\%.
Sau một khoảng thời gian khá dài im hơi lặng tiếng, nhận thấy hàng loạt các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động, đến ngày 11/7/2016, VietABank cũng đã công bố điều chỉnh biểu lãi suất. Đây là lần đầu tiên VietABank điều chỉnh lãi suất trong năm 2016. Trong đó, điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn trên 6 tháng đối với tất cả các hình thức lấy lãi. Cụ thể, ở kỳ hạn 1 tháng, lãi suất huy động tăng từ 6,7\% lên 6,8\%; kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng cùng tăng 0,2\% lên thành 6,9\% và 7,5\%; kỳ hạn 13 tháng tăng 0,3\% lên thành 7,6\%; kỳ hạn 15 và 36 tháng cũng được điều chỉnh tăng từ 7,4\% lên 7,7\%.
Ngân hàng SCB cũng công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 25/7/2016, trong đó điều chỉnh lãi suất huy động tăng mạnh đối với kỳ hạn 1 tháng. Với điều kiện lĩnh lãi cuối kỳ được điều chỉnh tăng 0,4\% từ 5\% lên thành 5,4\% và lĩnh lãi giữa kỳ tăng từ 4,98\% lên 5,33\%.
Sau SCB 1 ngày, MaritimeBank cũng công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 26/7/2016, qua đó điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 1 và 2 tháng tăng 0,2\%. Trước đó vào cuối tháng 6, MaritimeBank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất ở các gói kỳ hạn ngắn.
Theo biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 26/7/2016, MaritimeBank (MSB) điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng 0.2\% đối với tất cả các hình thức tiền gửi tiết kiệm. Theo đó, hình thức tiết kiệm định kỳ sinh lời và tiết kiệm trả lãi ngay, lãi suất tăng từ 4.7\% lên 4.9\%, tiết kiệm rút gốc từng phần tăng từ 4.8\% lên 5.0\% và tiết kiệm lãi suất cao nhất tăng từ 5.0\% lên 5.2\%.
Trước đó vào ngày 20/06/2016, MaritimeBank cũng đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng 0.1\% đối với tất cả các hình thức tiền gửi tiết kiệm.
Các chuyên gia ngân hàng dự báo, trong những tháng tới, lãi suất tiếp tục đứng ở mức cao và có xu hướng tăng nhẹ. (Ảnh minh họa). |
Hạ lãi suất: Bài toán khó cho Ngân hàng Nhà nước
Thông tin trên báo Lao động, các chuyên gia ngân hàng dự báo, trong những tháng tới, lãi suất tiếp tục đứng ở mức cao và có xu hướng tăng nhẹ.
TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - nhận định, từ nay đến cuối năm, việc giảm lãi suất là khó khăn, các ngân hàng chỉ có thể cố gắng giữ mặt bằng lãi suất như hiện nay.
Lãi suất tiết kiệm tăng tác động lên lãi suất cho vay, cho dù các nhà băng đang rầm rộ kích cầu tín dụng bằng các gói lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, lãi suất thực khách hàng phải trả bắt đầu theo chiều hướng tăng lên.
Chia sẻ với báo chí, TS. Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, trước diễn biến của thị trường hiện nay, nhất là việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu đã có những tác động nhất định đến một số kênh đầu tư (chứng khoán, vàng, tỉ giá…) thì an toàn hơn hết vẫn là kênh gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, với lãi suất trung bình có thể đạt đến trên 8\%/năm trong thời gian tới đây.
Trong khi đó, theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Á quý III/2016 mà Ngân hàng HSBC vừa công bố, lạm phát toàn phần trung bình của Việt Nam ở mức 0,6\% trong năm 2015, thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI toàn phần đã tăng từ 0,8\% trong tháng 1.2016 lên 2,4\% trong tháng 6.2016.
Theo HSBC, lạm phát cơ bản tuy vẫn nằm trong vòng kiểm soát, dao động từ 1,6\% đến 2,0\% trong một năm qua, nhưng sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu nội địa dồi dào cùng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.
“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tăng thuyết phục hơn trong năm 2017, lạm phát toàn phần sẽ chạm mốc 4,9\% vào cuối năm. Điều này sẽ hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì vậy, chúng tôi trông đợi NHNN giữ nguyên lãi suất trước khi tiến hành đợt tăng đầu tiên vào quý III/2017”, HSBC phân tích.
Thông tin trên báo Tiền phong, lãi suất chịu nhiều áp lực tăng trong thời gian tới nên hạ lãi suất là điều khó ép với thị trường. Điều này đặt Ngân hàng Nhà nước vào thế khó khi một lúc phải đối phó với vô số nhân tố tác động ngược chiều với lãi suất như: biến số về lạm phát, áp lực tăng tín dụng, tăng trưởng nền kinh tế...
Thông tin nhanh về diễn biến thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm, mới đây, Vụ Phó vụ chính sách tiền tệ NHNN – Nguyễn Đức Long cho biết: Mặc dù có áp lực tăng nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các TCTD trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng nhanh.
Từ nay đến cuối năm, đại diện NHNN cũng cho rằng không thể chủ quan với lãi suất mà theo đó, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT; điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các TCTD nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay
Tuy nhiên, phân tích từ giới chuyên môn cho thấy: Quyết định tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang đặt NHNN vào vị trí chịu rất nhiều áp lực khi vừa phải đảm bảo cho sự ổn định cho tỷ giá, duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp và kiểm soát lạm phát. Chỉ số CPI tính đến hết tháng 6-2016 đã ở mức 2,35\% so với cuối năm 2015 và mức tăng được dự báo sẽ cao hơn trong những tháng tới do tác động của cung tiền ở mức cao với độ trễ khoảng sáu tháng.
Thời gian qua, việc nền kinh tế không hấp thụ hết khối tiền được NHNN bơm ra đã buộc các TCTD phải đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Nguồn vốn này sẽ chủ yếu được đầu tư vào các dự án công, thay vì “bơm” trực tiếp sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cuối cùng. Do vậy, lạm phát có xu hướng tăng lên là tất yếu khách quan.
“Lạm phát tăng sẽ tác động tiêu cực lên tỷ giá và lãi suất. Nếu kịch bản này xảy ra thì khi đó NHNN sẽ buộc phải tăng lãi suất để hút tiền đồng thời sẽ phải đẩy mạnh phát hành tín phiếu NHNN nhằm giảm nguy cơ đầu cơ ngoại tệ từ các TCTD”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin