Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ký ức về những ngày Cách mạng tháng Tám hào hùng của nhân chứng lịch sử

(DS&PL) -

đã hơn 70 năm nhưng ông Trần Văn Nội vẫn nhớ như in đêm hôm đó, hàng trăm người dân ùa về đình làng Mọc phá kho thóc Nhật.

(ĐSPL) - Mặc dù đã hơn 70 năm nhưng ông Trần Văn Nội vẫn nhớ như in đêm hôm đó, hàng trăm người dân ùa về đình làng Mọc phá kho thóc Nhật. Chỉ lát sau đèn đuốc sáng choang cả khu vực đình, tiếng người hô hào ầm ĩ, khí thế long trời lở đất của quần chúng nhân dân nổi dậy phá kho thóc Nhật.

Khí thế cách mạng ngút trời

Hơn 70 năm trôi qua, những ký ức lịch sử hào hùng về những ngày tham gia phá kho thóc Nhật, ngày Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh 2/9/1945 với ông Trần Văn Nội, 91 tuổi (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn nguyên vẹn như ngày hôm qua.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Trần Văn Nội là một trong số ít nhân chứng còn nhớ về những ngày cả làng Mọc hừng hực khí thế cùng với nhân dân miền Bắc nổi dậy phá kho thóc Nhật cứu đói. Nhắc đến những ngày ấy, giọng ông Trần Văn Nội trầm buồn: “Bối cảnh lịch sử từ giữa năm 1944 sang đến năm 1945 đâu đâu cũng thấy người nửa sống nửa chết nằm la liệt. Người chết đói hiện hữu ở khắp các ngả đường. Làng Mọc, vùng chiêm trũng cũng không khá hơn, cả làng chìm trong cơn đói, nhưng các cán bộ Việt Minh vẫn đến gõ cửa từng nhà động viên chờ ngày khởi nghĩa. Không khí cách mạng lan tràn khắp nơi, người dân chờ đợi ngày vùng lên đánh đuổi quân thù. Nhiệm vụ trọng tâm của đội tuyên truyền chúng tôi là tuyên truyền và nắm bắt tình hình tại địa phương”.

Cũng theo ông Trần Văn Nội, vào cuối năm 1944 đầu 1945, cao trào cách mạng diễn ra khắp nơi đặc biệt là các tỉnh miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang.... Tại Hà Nội, những cán bộ nằm vùng đã tổ chức quần chúng thành những nhóm nhỏ, chủ yếu làm nhiệm vụ nắm bắt tình hình và tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân chuẩn bị cho phong trào phá kho thóc Nhật. “Trước đêm phá kho thóc Nhật, tôi và các anh em được giao nhiệm vụ canh gác các ngả đường đề phòng quân lính từ Pháo Đài Láng về viện trợ sẽ lập tức báo cho nhân dân để tránh thiệt hại về người. Một nhóm canh ở cổng nhà lý trưởng “nội bất xuất, ngoại bất nhập””, ông Nội nói.

 Phong trào nhân dân nổi dậy phá kho thóc Nhật diễn ra khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận (ảnh tư liệu).

Ông Trần Văn Nội kể tiếp: “Được lệnh của cấp trên, chúng tôi đến từng nhà trong làng Mọc và các làng bên mật báo, đúng tối ngày 21/7/1945 sẽ phá kho thóc Nhật. Mọi người mang theo thúng để mang thóc về. Lời hiệu triệu dân làng tối nay sẽ phá kho thóc Nhật được phát đi rộng rãi. Đúng 19h hôm đó, trời tối đen như mực, bỗng chốc, cả trăm người mang theo thúng, mủng ùa về đình làng Mọc xúm vào kho thóc duy nhất trong làng”.

Cũng theo ông Trần Văn Nội, khắp ngõ ngách làng Mọc đều đồng lòng nhất trí nghe theo lời kêu gọi của Việt Minh. Từ người già tới thanh thiếu niên sục sôi khí thế. Lúc này, nhiệm vụ của đội ông Nội là phải đảm bảo cảnh giới để người dân phá kho thóc Nhật thật nhanh và cảnh báo khi lính Nhật quay về đàn áp. Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng là bí mật theo dõi động thái của những tên Việt gian nằm vùng trong làng.

Trước giờ phá kho thóc Nhật, cán bộ Việt Minh đã vạch tội ác của thực dân Pháp, quân Nhật tận thu thóc, phá lúa trồng đay khiến cho dân ta chết đói và đã đến lúc nhân dân vùng lên đánh đuổi quân thù. Khí thế ngút trời, đúng 19h, hàng trăm người từ trẻ đến già kéo về đình làng Mọc nơi Nhật làm kho thóc. “Không khí tấp nập người ra người vào, người cầm thúng, mủng xông vào kho thóc. Chỉ trong nháy mắt, đèn đuốc sáng choang cả khu vực đình, tiếng người hô hào ầm ĩ. Khí thế hừng hực khiến những kẻ tay sai cho Nhật đầu hàng vô điều kiện không dám chống đối”, ông Trần Văn Nội giọng hào sảng nói.

Ông Trần Văn Nội cũng cho biết, sở dĩ phá kho thóc Nhật diễn ra khá suôn sẻ như vậy cũng bởi sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng của cán bộ Việt Minh. Điều này khiến cho quân địch hoàn toàn bị động, từ việc bố trí cảnh giới đến cắt đứt đường dây liên lạc ngay tại kho thóc mà lính gác không biết. Đến khi nhân dân kéo đến chúng buộc phải đầu hàng vô điều kiện.

Ký ức về ngày Quốc khánh

Một trong những nhiệm vụ quan trọng khi nhân dân nổi dậy phá kho thóc Nhật đó là cần có lá cờ đỏ sao vàng. “Ngày đó vải vóc còn rất hiếm, trong khi nhiệm vụ chính trị là cần có cờ đỏ sao vàng trong ngày nhân dân phá kho thóc Nhật cứu đói. Không biết làm cách nào, gần đình làng có một ngôi đền thờ trong đó có một tấm vải đỏ. Chúng tôi đã xin tấm vải đó để làm cờ, còn sao vàng thì dùng tấm vải màn trắng nhuộm với nghệ. Đêm đó, lá cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đi thẳng đến kho thóc Nhật có ý nghĩa vô cùng to lớn đã khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Đây cũng là tiền đề quan trọng để cuộc Cách mạng tháng Tám thành công”, ông Trần Văn Nội kể lại.

Không chỉ tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân làng Mọc phá kho thóc Nhật, người chiến sỹ cách mạng Trần Văn Nội còn tham gia vận động nhân dân đứng lên biểu tình, khởi nghĩa buộc chính phủ bù nhìn đầu hàng, đưa Cách mạng tháng Tám năm 1945 tiến tới thành công.

Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc kết thúc hơn 80 năm nhân dân Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ.

Nhắc đến ngày đất nước chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, ông Trần Văn Nội cũng là người có mặt tại lễ mít tinh ngày Quốc khánh đầu tiên của dân tộc tại Quảng trường Ba Đình năm 1945. Với ông, ký ức về ngày mùa thu lịch sử của dân tộc và lời Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước hàng triệu đồng bào cả nước khiến ông rơi nước mắt.

Ông Trần Văn Nội bùi ngùi nhớ lại: “Đêm hôm đó tôi không sao ngủ được, thức liền đến 2h sáng thì mọi người tập trung tại một khu đất rộng cùng với các làng bên cạnh rồi đi bộ đến Quảng trường Ba Đình. Ai cũng háo hức trước sự kiện vô cùng trọng đại của đất nước và đặc biệt ai cũng mong được gặp Bác. May mắn, xã tôi được đứng khá gần Quảng trường, được nhìn rõ Bác Hồ và các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đúng 14h ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập”.

Cũng theo ông Trần Văn Nội, hàng vạn người tại Quảng trường Ba Đình, nhưng ai cũng ý thức và trật tự. Nhưng khi Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” thì lúc đó hàng vạn người dân đồng thanh đáp lại: “Có ạ”. Tôi nghe giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đọc Tuyên ngôn độc lập. Lúc này tôi mới biết người có vầng trán cao, râu dài phúc hậu đang đứng trước mặt mình chính là Bác Hồ.

Ngồi bên cạnh ông Trần Văn Nội, vợ ông, bà Nguyễn Thị Hiên (83 tuổi) cũng là người tham gia buổi mít tinh lịch sử hôm đó. Bà Hiên xúc động kể: “Tôi là trưởng ban tuyên truyền của xã, trước ngày tham dự Quốc khánh 2/9/1945, tôi và mọi người đã thức cả đêm để làm khẩu hiệu chào mừng ngày Quốc khánh đầu tiên của dân tộc. Không khí tại quảng trường hôm đó không thể diễn tả được, xúc động lắm. Ai cũng tự hào và vui mừng bởi từ nay nước Việt Nam chính thức tuyên bố với thế giới là một nước độc lập, nước tự do”.

Ông Trần Văn Nội và bà Nguyễn Thị Hiên từng tham gia phá kho thóc Nhật và có mặt tại lễ mít tinh mừng Quốc khánh 2/9/1945 đầu tiên của dân tộc (ảnh Thành Long).

Tham gia cách mạng từ nhỏ

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Ông Trần Văn Nội là một trong số ít nhân chứng từng tham gia phá kho thóc Nhật tại làng Mọc năm 1945 cũng như có mặt tại lễ mít tinh tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 lịch sử của dân tộc. Cả ông Nội và bà Nguyễn Thị Hiên cùng tham gia tích cực phong trào yêu nước và vận động nhân dân đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi quân thù. Tuổi cao, nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn và nhiều năm nay ông được mời tham gia các chương trình gặp mặt các nhân chứng lịch sử”.

VŨ PHƯƠNG

[mecloud]nCghE2vtou[/mecloud]

Tin nổi bật