Từng là vợ của một nhà báo, phải một mình chèo chống gia đình những lúc khó khăn mà không có chồng bên cạnh, nhưng bà Nguyễn Thị Thủy luôn hiểu rằng công việc phóng viên là phải như vậy.
Ở vào độ tuổi xưa nay hiếm, những ký ức bắt đầu phai mờ dần, thế nhưng khi biết khách tìm đến nhà hỏi về người chồng nhà báo đã mất, trong ánh mắt của bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1934), trú xóm 10, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, ánh lên niềm vui hạnh phúc.
“Tôi khác với ông nhà, chẳng học được mấy chữ, còn ông ấy lúc nào cũng nổi tiếng văn hay chữ tốt. Làm chiến sĩ, nhà báo có lẽ là một trong những lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời ông ấy”, bà Thủy móm mém cười.
Mặc dù sức khỏe yếu, bà Thủy vẫn cố làm công việc lặt vặt giúp con cháu. |
Chồng bà là liệt sĩ, nhà báo Lê Văn Luyện (SN 1933), phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Hai ông bà vốn cùng một xã, thế nhưng do hoàn cảnh mỗi người mỗi khác nên cũng chỉ biết chứ không thân thiết với nhau. Nhà bà vốn đông anh chị em, gia đình chỉ làm nông nên hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Từ hồi nhỏ cho đến lớn, cả cuộc đời bà gắn bó với ruộng đồng.
“Ông Luyện được ăn học đàng hoàng, nổi tiếng cả vùng là học giỏi, là thần tượng của rất nhiều cô gái trong xã. Mặc dù vậy, ông ấy vẫn không chọn một ai mà sau khi học xong thì xung phong đi bộ đội luôn. Thế nên không hiểu sao duyên phận đưa đẩy để tôi lấy được ông ấy”, bà Thủy kể.
Đôi bàn tay gầy gò in hằn thời gian của vợ nhà báo. |
Năm đó bà 18 tuổi. Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ kéo dài mãi, thế nhưng về với nhau chỉ khoảng 1 tuần thì ông Luyện ra miền Bắc tập kết nhận lệnh mới. Từ đó, ông Luyện thường xuyên biền biệt nơi chiến trường. Mỗi lần bà được gặp chồng thường chỉ trong chốc lát, bởi đó là những lần người lính này tranh thủ tạt qua nhà khi đang trên đường đi công tác. Nỗi khắc khoải của người vợ trẻ không biết tâm sự với ai, đành chôn kín trong lòng với hi vọng nước nhà thống nhất gia đình sẽ đoàn tụ.
Làm vợ một người lính, việc xa chồng là điều bình thường, làm vợ một nhà báo điều đó bà càng thấu hiểu hơn. Bà không thể ích kỷ giữ chân chồng ở nhà lâu hơn, bởi hàng triệu người trong đó có những người vợ, người mẹ như bà đang khắc khoải chờ đọc bản tin nơi chiến trường. Sự hạnh phúc của mọi người khi loa phát thanh xã đọc tin thắng trận dồn dập từ các nhà báo chiến trường gửi về, càng khiến bà tin tưởng công việc của chồng đang làm.
Cuộc đời bà sống bằng niềm hy vọng, với sự tin tưởng chồng. |
Chồng bà, một nhà báo đang từng ngày chiến đấu bằng ngòi bút, bằng những bức ảnh để cả đất nước, cả thế giới biết được cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thần kỳ như thế nào. Bà vẫn nhớ như in ánh mắt hối lỗi của chồng, khi có lần vừa về đã phải đi cho kịp in tin bài, không thực hiện được lời hứa dạy con học, không làm được một chút công việc nhà chia sẻ với vợ.
“May mắn rằng trong những lần ông ấy về vẫn kịp để lại cho tôi 3 người con. Đây là điều hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi, là nguồn an ủi trong thời gian chồng chiến đấu xa nhà. Thời điểm đó, cuộc chiến tranh còn vô cùng khốc liệt, tôi biết cả đất nước gia đình nào cũng như vậy chứ không riêng mình. Tôi đã có những điều rất nhiều phụ nữ khác không có, như vậy là quá đủ rồi”, bà Thủy nói.
Năm 1972, nhà báo Lê Văn Luyện hy sinh tại mặt trận Quảng Nam. Thời điểm này, 3 người con của ông bà vẫn còn thơ dại. Bà nhớ đã khóc gần một tuần ròng rã vì đau đớn, nhưng rồi nhìn thấy các con mếu máo bên cạnh giường mẹ, nghĩ đến những điều vợ chồng hứa hẹn, bà lại nén nỗi đau cố gắng sống.
Ấy vậy mà cuộc đời đâu đã chịu buông tha cho bà, người con út Lê Hồng Thái (SN 1968) không may nhiễm chất độc màu da cam, nên từ lúc lọt lòng đã mang những khiếm khuyết trên cơ thể. Thái bị hở hàm ếch, móm mất hàm răng phía trên, một tai bị điếc và một mắt bị mờ. Mặc dù bà đã cố gắng đưa con đi chữa trị khắp nơi, nhưng tất cả các bác sĩ đều lắc đầu.
Thế nhưng người phụ nữ quật cường này không hề chịu thua số phận, bà gắng gượng sánh hai vai vừa là cha, vừa là mẹ tần tảo sớm hôm vượt qua mọi khó khăn vất vả, để nuôi gia đình và gom góp tiền đưa con trai đi chữa bệnh.
Bà Thủy cùng người con dâu. |
Tuổi đời vẫn còn trẻ, sau này có nhiều người ngấp nghé muốn bà và các con về ở cùng, nhưng bà vẫn nhất quyết từ chối. Không phải bà không muốn hạnh phúc, nhưng bà sợ các con mình sẽ khổ khi ở với cha dượng nên quyết định ở vậy nuôi con. May mắn rằng, bố mẹ chồng vẫn một mực tin yêu bà, đưa cả 4 mẹ con về ở chung trong gia đình.
Thời gian dần trôi, những người con của bà đều lớn lên và có gia đình riêng, kể cả người con út cũng tìm được hạnh phúc khiến cho bà vô cùng mãn nguyện. Thế nên, bà chỉ có một mong ước duy nhất trước khi về với tổ tiên, đó là tìm được hài cốt của chồng.
“Các đồng đội của chồng tôi bảo đã chôn cất ông ở chân núi Liệt Kiệm, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, đã nhiều lần gia đình vào tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy. Tôi chỉ mong lúc nhắm mắt xuôi tay có thể đưa ông ấy trở về với quê cha đất tổ”, bà Thủy nói.
Ước mong càng lúc càng xa vời khi mấy năm trước bà Thủy phát hiện mình bị ung thư thực quản. Cũng bắt đầu từ đó là chuỗi thời gian triền miên khổ đau của người vợ nhà báo phải nằm điều trị tại bệnh viện. Thi thoảng hết đợt điều trị bà được các bác sĩ cho về nhà.
Những huân chương là kỷ vật còn lại của người chồng bà. |
Vừa xoa bóp tay chân cho mẹ chồng, chị Nguyễn Thị Kim Hoa cho hay: “Mấy tháng này mẹ tôi gầy rộc hẳn đi, chẳng ăn được gì nữa. Cả ngày động viên mãi mới ăn được chút cháo loãng xay nhuyễn, ra sân ngồi một lúc lại phải vào giường nằm. Đợt này mẹ toàn nhắc chuyện quá khứ, cả chuyện chờ hài cốt của bố về nữa”.
Ông Võ Trọng Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc xác nhận: “Bà Thủy là vợ liệt sĩ, nhà báo chiến trường, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, con trai út bị nhiễm chất độc da cam. Hàng năm vào những ngày lễ, tết chính quyền địa phương cũng thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà. Đợt này thấy bà yếu hẳn đi nên chúng tôi cũng lo lắng, thỉnh thoảng qua nhà động viên bà cố gắng sống để quây quần với con cháu”.
Nhà báo Nguyễn Văn Nhật, Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Nghệ An cho biết, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Thông tấn xã Việt Nam có trên 260 nhà báo đã hy sinh, có nhiều người vẫn chưa tìm được phần mộ.
“Ngày Nhà báo Việt Nam là dịp kỷ niệm, tri ân các phóng viên, nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sức khỏe và cả máu để độc giả có những bài báo hay, những tin tức nóng hổi. Vì vậy chúng tôi luôn cố gắng đi thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình nhà báo đã hy sinh quên mình vì đất nước”, nhà báo Nhật nói.
Theo Người Đưa Tin