Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), chúng tôi có dịp gặp ông Ngô Tuấn Quỳnh (76 tuổi, xã Vô Tranh, tỉnh Thái Nguyên), cựu tù chính trị Phú Quốc, nhân chứng sống của một thời hào hùng, bi tráng.
Ông Quỳnh kể lại: “Tháng 8/1967, tôi nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Thời điểm đó tôi đang học tại trường Thiếu sinh quân, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi đã viết đơn xin nhập ngũ tham gia nhiệm vụ bảo vệ Bộ chủ huy tỉnh Tây Ninh tại chiến trường Bông Trang – Nhà Đỏ.
Sáng hôm đó, khi đang làm nhiệm vụ canh gác tại căn cứ, nhận lệnh của chỉ huy, tôi cùng các đồng đội khác di chuyển ra vị trí được chỉ định để chống xe tăng địch tấn công. Sau một thời gian chiến đấu, do chênh lệch hoả lực nên rút xuống hầm cố thủ.
Lúc này, địch phát hiện và ném bom khiến gầm gần như bị sập hoàn toàn, đất phủ kín người khiến tôi không còn cách nào khác ngồi bất động chờ trời tối để tìm cách rời khỏi vòng vây. Tuy nhiên, trong quá trình đó tôi đã bị địch phát hiện, bắt giữ. Đây cũng chính là trận đánh đầu tiên của tôi và “địa ngục trần gian” bắt đầu từ đó”.
Ông Ngô Tuấn Quỳnh (76 tuổi, xã Vô Tranh, tỉnh Thái Nguyên), cựu tù chính trị Phú Quốc, nhân chứng sống của một thời hào hùng, bi tráng.
Sau nhiều lần tra hỏi nhưng bất thành, ông Quỳnh bị đày ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây, những người chiến sĩ bị hành hạ bằng những trận đánh “thừa sống, thiếu chết” liên tục. “Chúng tạo ra hàng loạt lý do vô cớ để đánh đập các chiến sĩ của ta. Ví dụ như giám thị và quân cảnh hỏi quê mình ở đâu, mình trả lời cũng bị đánh, không trả lời cũng bị đánh. Những trận đòn này chỉ dừng lại khi trời chuyển tối và chúng tôi đã kiệt sức”, ông Quỳnh nói.
Đã qua gần 60 năm, nhưng trong ký ức của ông Quỳnh vẫn nhớ mãi khoảnh khắc khi đặt chân vào phòng giam nhà tù Phú Quốc. Theo trí nhớ của người cự tù chính trị, căn phòng có chiều dài khoảng 200m, chiều rộng khoảng 100m nhưng có tới 14 lớp hàng rào, trong đó có rào bùng nhùng, rào dây thép gai, rào mắt cáo,…
Không phải ai cũng hình dung được một thiếu niên mới 17 tuổi lại có thể chịu đựng những màn tra tấn man rợ đến vậy. Ông Quỳnh bị nhốt chuồng cọp, ăn cơm hẩm, bị đánh đập vì từ chối khai báo. Trong gần 5 năm bị giam giữ ở Phú Quốc, tuổi thanh xuân của ông trôi qua giữa bức tường đá lạnh và nhưng ngọn lửa yêu nước thì luôn sục sôi
“Tôi chứng kiến những người đồng đội bị tra tấn dã man, bị đánh đến chết. Bản thân cũng chuẩn bị sẵn tâm lý có thể chết bất cứ lúc nào. Tôi nghĩ về gia đình, nghĩ về Tổ quốc, nghĩ về đồng bào bị áp bức, bóc lột, bản thân lại có thêm động lực để sống, để đấu tranh với kẻ thù”, ông Quỳnh chia sẻ.
“Ở nhà tù Phú Quốc tôi mới biết còn có cả một mặt trận âm thầm mà mãnh liệt, mặt trận của lòng tin, của tổ chức, của tinh thần đấu tranh - mặt trận kháng chiến trong tù.
Ở nơi đây, chúng tôi vẫn bí mật tổ chức học chính trị, dạy nhau văn hoá, nghệ thuật, rèn thể lực, giữ vững tư tưởng cách mạng. Ở đây, nền đất hoá thành bảng đen, que củi hoá thành phấn, bút, tôi được tổ chức đào tạo. Từ một cậu thanh niên mới chỉ biết mặt chữ tôi được đồng đội dạy làm toán, những bài thơ cách mạng, biết cách liên lạc giữa các buồng giam”, ông Quỳnh bồi hồi nhớ lại.
Đã qua gần 60 năm, nhưng trong ký ức của ông Quỳnh vẫn nhớ mãi khoảnh khắc khi đặt chân vào phòng giam nhà tù Phú Quốc
Ông Quỳnh tâm sự, thời điểm xách ba lô lên đường nhập ngũ, hành trang duy nhất mà bản thân có chỉ là lòng yêu nước bà nhiệt huyết tuổi trẻ. Chỉ đến khi đặt chân tới nhà tù Phú Quốc bản thân mới hiểu và thấm nhuần tư tưởng, con đường cách mạng. Những ngày sát cánh cùng đồng đội hoạt động trong tù, chia nhau từng giọt nước, từng hạt gạo rang cùng nhau vượt qua giây phút sinh tử mới thấm thía được sự thiêng liêng của hai tiếng “đồng chí”.
Ông Quỳnh cho biết vẫn còn nhớ như in hình ảnh động đội dùng những hạt gạo rang cuối cùng để giã ra đắp vào vết thương cho ông sau trận tra tấn cực hình. Đó là ngày mà đường hầm bí mật do ông và các đồng đội tạo ra sau nhiều năm cố gắng. Thời điểm đó, dụng cụ đào hầm của các tù bình chính trị chỉ là những chiếc nắp cà – mèn, những cái quai ca inox hay thậm chí dùng tay không để đào đất.
Vấn đề đặt ra lúc này là làm cách nào để qua mắt kẻ thù và "thủ tiêu" được lượng đất đào lên. Bởi lẽ nhà tù sẽ có 2 ca điểm danh trong ngày, cát ở Phú Quốc là cát trắng trong khi đất lại là đất đỏ. Để giải quyết vấn đề này, các chiến sĩ cộng sản đã dùng bàn cờ làm nắp hầm, ở trên các chiến sĩ vờ như đang đánh cờ để đánh lạc hướng kẻ địch, ở dưới đồng đội âm thầm đào hầm.
Năm 2012, tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Trại giam Phú Quốc vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Các chiến sĩ đã sáng tạo nhiều cách để tránh sự phát hiện của kẻ địch. Mỗi người xuống hầm, vừa đào, vừa vận chuyển đất lên. Những người ở trên có nhiệm vụ gạt lớp đất, cát khô xung quanh nền nhà, đổ đất mới đào xuống nén thật chặt rồi rải lớp đất khô lên một lần nữa. Chưa hết, đổ đất mới đào lên vào những chiếc thùng phuy đi vệ sinh hằng ngày, rồi bỏ một ít đất mới vào túi quần rồi bí mật đưa ra ngoài khi đi đánh răng rửa mặt…
Cứ như thế, ròng rã qua nhiều năm trời, các đồng chí bị giam ở đây đã đào thông đường hầm dài khoảng 300m nối từ phòng giam ra tới chân đồi bên ngoài với chiều rộng chỉ vừa một người trườn qua.
Nhưng khi hầm thông ra ngoài thì bị lính cai ngục phát hiện. Địch bắt toàn bộ tù nhân trong phòng giám đó lột quần áo (chỉ để lại quần đùi) ra phơi nắng một ngày dưới bãi cát cho đến khi da của các tù nhân bị bỏng rộp.
Còn với những người vượt ngục bất thành, chúng nhốt vào các phòng biệt giam, rồi thay nhau tra tấn cả ngày lẫn đêm. Rất nhiều đồng chí đã bị địch đóng đinh, đổ lửa than, thiêu sống, chôn sống.
Đến tháng 3/1973, ông Quỳnh được trao trả theo hiệp định Paris và được phân công đi học rồi công tác tại E57 khu vực Tây Ninh. Với ông Quỳnh, nhà tù Phú Quốc như một ngôi trường cách mạng đã tôi luyện giúp ông trở thành một người chiến sĩ các mạng kiên trung, bất khuất. Đó cũng là nền tảng giúp ông hoàn thành các nhiệm vụ được giao sau khi trở lại hoạt động cách mạng.
Sau khi xuất ngũ, ông Quỳnh trở về với gia đình và sinh hoạt hoạt Đảng tại địa phương. Hiện nay, ông Quỳnh làm Phó trưởng Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy tỉnh Thái Nguyên.
Chiến tranh kết thúc, trở lại cuộc sống đời thường, những người chiến sĩ ấy luôn phát huy tinh thần cách mạng, phẩm chất truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia công tác tại địa phương.
Trong phát triển kinh tế, nhiều gia đình hội viên đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đầu tư chăn nuôi trang trại, phát triển doanh nghiệp mang lại giá trị kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội.