Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ký ức của cô gái trẻ đất Cảng mong ước đổi đời bằng con đường làm dâu xứ người

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Tuổi 18, Hương đã rời bỏ Hải Phòng để cuốn theo giấc mộng đổi đời tại Đài Loan. Sau 10 năm lưu lạc xứ người đầy nước mắt, đắng cay và tủi hờn Hương hiểu rằng đó

(ĐSPL) - Tuổi 18, Hương đã rời bỏ Hải Phòng để cuốn theo giấc mộng đổi đời tại Đài Loan. Sau 10 năm lưu lạc xứ người đầy nước mắt, đắng cay và tủi hờn Hương hiểu rằng đó là cơn "Ác mộng cuộc đời" mà cô mãi chẳng thể nào quên được. Sau những gì đã trải qua, Hương quyết định gửi câu chuyện lưu lạc xứ người của mình cho PV với hy vọng, câu chuyện của mình sẽ là bài học cho nhiều chị em suy nghĩ kỹ trước cất bước theo chồng chỉ vì mong ước làm giàu nơi xứ người...

Cuộc ngã giá tuổi 18

Tôi sinh ra trong một gia đình không mấy làm dư dả tại Tam Hưng (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), nơi mà đến bây giờ phong trào lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… vẫn là giấc mộng đổi đời của không ít cô gái trẻ nơi đây.

Tuổi 18, tôi có mái tóc dài chấm đến ngang lưng, khuôn mặt dễ thương, toát lên vẻ mặn mà của người con gái Thuỷ Nguyên. Người Hải Phòng chúng tôi vẫn có câu: “Trai An Hải, gái Thuỷ Nguyên”, tới tuần cập kê, nhiều trai làng cũng đã ướm hỏi nhưng lúc đó, tôi chưa có ý định lấy chồng khi tuổi còn quá trẻ.

Số phận làm dâu xứ người của tôi được bắt mối từ một người bà con chuyên làm ăn lớn. Ý định lấy chồng Đài Loan đã được chị ta tiêm nhiễm vào đầu mẹ tôi. Ban đầu tôi giãy nảy lên, cãi cự với mẹ vô cùng gay gắt. Xin nói thêm trước đó tôi đã từng bỏ nhà đi vì cha mẹ ép lấy chồng Đài Loan.

Người đàn bà giới thiệu mối cho tôi vẫn đều đặn đến nhà tôi thuyết phục mẹ. Qua câu chuyện, tôi biết người chồng tương lai của mình là một kỹ sư, là trai tân chưa vợ, nhà chỉ có 3 mẹ con, có hai nhà, một nhà cho mẹ và em gái anh ta ở, một mình anh ta ở trong căn nhà giữa thành phố Đài Trung, do tuổi đã lớn lên muốn tìm vợ Việt Nam. Chị ta khẳng định đây là một mối rất hời, biết hoàn cảnh gia đình tôi nên mới nhiệt tình mai mối.

Chị ta cũng không quên hứa hẹn, nếu làm vợ người này, tôi chỉ việc nội trợ và sinh con cho anh ta bởi mẹ anh ấy muốn có cháu nội. Nghe những lời của bà chị, cùng với lời thuyết phục của mẹ, cuối cùng tôi cũng nhắm mắt đồng ý.

Ngay cả đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cũng không biết “ma xui, quỷ khiến” thế nào cũng đã xuôi thuận theo ý mẹ và người đàn bà kia, nhất là sau lần xem mặt qua webcam với người chồng sắp cưới của mình. Cuộc ngã giá hình thành và số tiền cuối cùng gia đình tôi được nhận là 35 triệu đồng. Nhà trai sẽ đứng ra lo toàn bộ tiệc cưới còn tiền mừng nhà gái sẽ thu toàn bộ. Trước ngày cưới chúng tôi chỉ có 2 lần gặp nhau.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp người chồng khiến tôi bị sốc: “Anh ta quá già so với ảnh nhìn qua webcam, thân hình to con, mặt mũi thì nhăn nheo, anh ta nói anh ta 36 tuổi nhưng có lẽ anh ấy phải trên 50 tuổi". Đám cưới được tổ chức với đầy đủ thủ tục, cũng có đông đủ anh em, bà con ngõ xóm. Thế nhưng, những người đến đám cưới vui với tôi thì ít, ái ngại với tôi thì nhiều bởi chú rể còn già hơn cả người sinh thành ra tôi. Mặc dù được mẹ động viên, cố gắng sang ở với người ta, dần dần sẽ có tình cảm, chịu khó làm ăn, rồi có tiền gửi về nuôi mẹ và hai em ăn học, song trong suy nghĩ của mình, tôi bắt đầu có linh cảm điều gì đó bất ổn trong cách kiếm tìm hạnh phúc và sự giàu có của bản thân mình.

Sau một hành trình dài, hai vợ chồng đặt chân một nơi hoàn toàn xa lạ, nơi mà xứ sở người ta cho rằng sẽ đổi đời nhanh chóng. Tôi ngồi trên máy bay bên người chồng Đài Loan mà lòng trống rỗng, vô định. Sau lễ cưới tại Việt Nam, anh chàng kỹ sư Đài Loan tỏ ra là một người chồng trân trọng những giá trị truyền thống khi anh ta muốn có một đêm “tân hôn” tại Đài Loan. Thế nhưng, không hiểu sao, tôi vẫn có một cảm giác sợ sệt đến lạ lùng mà mỗi lần nhớ lại tôi vẫn cảm thấy rờn rợn.

Xuống phi trường Đài Bắc, tôi bồn chồn hết nhìn cái này đến cái khác. Đúng vậy một cô gái ở trong vùng nông thôn hẻo lánh, được môi giới lấy chồng Đài Loan, thì Đài Bắc đối với tôi là cả một vùng trời văn minh xa lạ. Sau khi xong mọi thủ tục. Chồng tôi gọi cứ điện thoại liên tục.

Với vốn tiếng Trung ít ỏi, lúc đó tôi hoàn toàn không biết chồng mình đang nói gì, chỉ nhìn chồng với con mắt lệ thuộc và sợ sệt khi bản thân đang ở một đất nước xa lạ. Chồng tôi gọi taxi, chất hành lý vào cốp xe rồi nói với tôi bằng mấy câu tiếng Trung: "Mình tranh thủ đi em, về quê anh mất cả ngày đi xe đó em".

Mặc dù xuống sân ga hàng không lúc trời mới xẩm tối nhưng hai vợ chồng mới cưới không kịp ăn gì, không kịp ngủ nghỉ gì sau chuyến bay dài. Vội vàng bắt xe ngay trong đêm về nhà chồng. Màn đêm bao bọc kèm theo gió heo may lạnh đến xé lòng! Hình ảnh đầu tiên tôi còn nhớ khi xách vali bước chân bước vào cửa nhà chồng là em gái chồng xuống đon đả chào hỏi và mẹ chồng cũng vậy. Tôi cảm thấy được an ủi phần nào. Nhưng đêm đầu tại xứ người tôi đã thấy cuộc sống khác hẳn. Người chồng của mình đã rũ bỏ hoàn toàn “chiếc áo hoàn hảo” ở Việt Nam. Đêm tân hôn đã trở thành cơn ác mộng đầu tiên của cuộc đời tôi. Những thứ mà mãi sau này vẫn cứ ám ảnh tôi mỗi khi có một người đàn ông muốn gần gũi tôi.

Mọi thứ như hoang dại trong một căn nhà lạnh lẽo chỉ còn lại tiếng kêu khóc của một cô gái xa xứ đáng thương. Sau ngày kinh hoàng đó, tôi dần biết được người đàn ông cưới tôi về làm vợ hóa ra không phải là một người hoàn hảo như giới thiệu mà thực sự lại là một gã đàn ông rất xấu. Anh ta thực chất là một kẻ bê tha rượu chè, cờ bạc thậm chí đã từng phải ngồi tù vì đã làm điều xằng bậy với phụ nữ, còn cái mác kỹ sư xây dựng kia thực chất chỉ là giả dối.

Ngày Hương chính thức được nhập tịch Đài Loan.

Nước mắt đắng cay ở xứ người

Hai vợ chồng tôi không phải sống ở gia đình riêng như chồng tôi hứa trước khi sang mà cả 4 con người cùng chung sống trong một căn hộ 40m2, được xây 2,5 tầng. Kinh tế cơ bản ban đầu không quá khó khăn. Tuy nhiên, mọi việc trong nhà đều do tôi đảm nhiệm như chăm sóc mẹ chồng, việc nhà... Từ lúc lấy chồng, tôi lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Nhiều đêm tôi mệt rã rời nhưng vẫn phải phục vụ chồng say rượu.

Gã chồng tôi uống rượu như nước lã, một khi đã rượu vào là anh ta mê mệt. Trong đó có chị Thanh (một người hàng xóm tôi mới quen) quê Hưng Yên cũng làm dâu Đài Loan, chị Thanh may mắn hơn tôi khi chị có công việc ổn định và con cái hạnh phúc đề huề.

Cũng từ người hàng xóm này tôi mới biết chồng tôi mới ra tù nên phải sang Việt Nam lấy vợ. Biết mình gặp phải kẻ không ra gì nhưng tôi vẫn cố nhịn để kệ đời mình “bèo trôi theo nước”, lúc đó, một cô gái tuổi 18 như tôi không nghĩ được gì nhiều.

Kể cả sau này khi có bầu, dù tôi vừa bụng mang dạ chửa nhưng tôi vẫn phải làm quần quật như ô sin trong nhà và tìm cách phải đối mặt hàng ngày với gã chồng vũ phu, nghiên ngập, có phần bê tha của mình.

Chồng chỉ đi làm công nhân nhưng được bao nhiêu tiền lương là anh ta đi đánh bài, uống rượu rồi về quậy tung cả nhà. Hắn về nhà trong lúc say còn nhiều hơn lúc tỉnh, những lúc đó chồng kiếm đủ chuyện để chửi, để đánh tôi, có những lúc hắn đập đầu vợ vào tường, dù đau nhưng tôi vẫn cố vùng thoát ra để chạy trốn, nhưng giữa phương trời xa lạ tôi cũng không biết đi đâu về đâu. Nhiều lần sợ quá, tôi phải xin em chồng cho ngủ nhờ, khóa trái cửa để đợi chồng tỉnh.

Ngày nào mẹ chồng và em chồng đi vắng, chỉ còn 2 vợ chồng là tôi phải chui xuống gầm giường ngủ, không dám bật đèn. Dù bầu bí, dưới sàn lạnh lẽo vô cùng nhưng vẫn phải chịu khó, bởi chồng tôi nếu tìm thấy tôi anh ta sẽ chửi, nếu không tìm thấy thì thôi. Chồng tôi ngày càng trái tính, đã vậy anh ta còn thường xuyên dắt bạn bè về uống rượu rồi chửi bới loạn xạ. Ban đầu hắn còn tử tế nói chuyện với vợ bằng vài câu tiếng Việt, sau đó hắn bắt đầu nói chuyện với vợ bằng những tiếng chửi của Đài Loan.

Hai vợ chồng có bất cứ chuyện gì dù đúng hay sai nhưng mẹ chồng vẫn bênh chồng trước. Đi khám thai về xác định là con gái anh ta lại chửi vợ khủng khiếp hơn, anh ta chửi tôi không biết đẻ như người ta. Lúc đó, tôi tự nhủ, dù sao cũng có con với người ta, tôi nghĩ mình trẻ cắn răng chịu đựng tính khí thô lỗ thất thường của ông chồng rượu chè, cố gắng đi làm để dành tiền chờ ngày sinh nở bên cạnh đó phải lo gửi về giúp bố mẹ trả hết nợ.

Lúc mới qua, vốn tiếng Trung còn ít ỏi tôi xin vào làm ở tiệm dép gần đó. Làm một tháng được 7.000 Đài Tệ nhưng phải gửi về nhà cho bố mẹ một chút thành ra không đủ sinh hoạt, mua sữa cho bà bầu. Một hôm chồng biết tôi có tiền dành dụm để đi đẻ, anh ta lục được lấy toàn bộ tiền đi chơi gái, uống bia hết. Sắp đến ngày sinh nở, tôi có nói với chồng, nhưng hắn gạt phắt, vậy là tôi phải tự bắt xe đi một mình. Giữa đêm lạnh buốt, tuyết trắng xóa đường đi, một thân một mình, bụng bầu sắp sinh, tôi tủi thân quá, ngồi ngoài phòng chờ đẻ mà khóc thương cho cuộc đời mình, khóc trong ấm ức, khóc mà quên mất cơn đau đẻ.

Từ ngày tôi sinh con gái trong gia đình chồng không một ai đoái hoài đến, chỉ có 2 mẹ con tự chăm sóc nhau. Khi con gái đến tuổi gửi trẻ, tôi một mình đưa đón con đi đi về về. Cuộc sống dù còn vất vả nhưng có đứa con là niềm an ủi nên tôi cũng tạm yên lòng với cuộc sống mới nơi xứ người. Rồi một ngày, chồng tôi đón về một cô gái trẻ, cô ta tự nhận là vợ mới của chồng tôi. Cả nhà tuyên bố đuổi tôi ra khỏi nhà. Chồng bắt phải ly dị, tôi lúc đó mới 19 tuổi, không đủ dũng cảm làm điều đó. Ý định bỏ về Việt Nam đã xuất hiện trong đầu tôi, nhưng tiền đâu mà về, rồi về lại mang tiếng, còn bố mẹ ở quê, dù khó khăn nhưng cũng cố nhịn. Nhiều khi buồn quá tôi sợ mình nghĩ quẩn nhưng không dám nói với ai.

Đã hơn 1 lần tôi muốn bế con về Việt Nam nhưng lại nghĩ lấy chồng không giúp ích gì được cho cha mẹ mà bây giờ mang con về làm khổ bố mẹ rồi bà con hàng xóm cười chê nên tôi vẫn cố ở lại. Làm được bao nhiêu tiền, tôi không dám tiêu, để dành gửi về cho bố mẹ trả nợ từ từ, chỉ giúp được phần nào chứ không thể trả hết bởi tôi phải nuôi con ăn học, nếu cứ bỏ không cho nhà chồng con tôi sẽ thiệt thòi nhiều.

Tôi ăn uống kham khổ, nhiều lúc người chỉ còn lại một dúm xương, mặt mũi đầy mụn nhọn, tàn tạ vô cùng. Chồng tôi thì ngày ngày vẫn hành hạ tôi vì không chịu ly dị, không những vậy nhiều lúc tôi phải nuôi lại chồng. Hắn uống rượu suốt, nhiều khi thiếu nợ, đi bao gái rồi người ta lại nhà người ta đòi, hắn lại lôi tôi ra bắt phải trả nợ cho hắn. Sau 7 năm câm nín nơi nhà chồng, con gái tôi bắt đầu vào lớp 1. Tôi nghĩ mình đã hy sinh quá đủ để được gần con, nhưng nỗi đau và câu hỏi tại sao phải sống trong ê chề khi lòng không muốn vẫn ám ảnh không nguôi. Nếu không có những hạnh phúc nhỏ nhoi từ con trẻ thì chắc tôi không vượt qua được với ông chồng lớn tuổi mà như có vấn đề tâm thần. Có một lần uống rượu xong rồi ông ta đánh con, tôi bênh vực con gái thì hắn ta nắm đầu đập vào vách tường. Anh ta có cái tật lạ là cứ uống rượu xong là gọi xe cấp cứu, đánh tôi xong ông ta gọi cả cảnh sát rồi vu cho tôi đánh ông ấy, liên tục như vậy, nhất là khi nào uống rượu say mèm.

Nhiều khi mẹ chồng tôi nói anh ta bị ma nhập, bà ta đi cúng khắp nơi nhưng cũng không khỏi bệnh. Một ngày, mẹ chồng tôi đi xem bói, bà về bà nói nguyên nhân con bà bị điên điên dở dở ấy là do lấy tôi. Sự việc ấy càng làm cho chồng tôi vũ phu với tôi hơn. Còn cô gái trẻ hắn gọi là vợ mới kia, trực tiếp gọi điện cho tôi đe doạ tôi, nói tôi không ra khỏi nhà chồng sẽ giết mẹ con tôi. Nghĩ đến con, tôi sợ hãi quá dạ trốn khỏi nhà chồng. Ba tháng sau, nỗi nhớ con quay quắt khiến tôi bất chấp hết tất cả sợ hãi trở lại nhà chồng.

Trong nhà chồng tôi, vợ mới, mẹ chồng và em chồng để sẵn giấy ly dị bắt tôi ký, tôi không ký chồng tôi lôi tôi ra đường đánh tới tấp, phải nhờ đến cảnh sát can thiệp tôi mới thoát khỏi gã vũ phu. Ngay sau đó tôi xách quần áo ra khỏi nhà chồng. Không ly dị nhưng tôi cũng đã được thăm nuôi con bất kỳ khi nào rôi muốn. Giữa xứ Đài, tôi bơ vơ đi tìm những người bạn người Việt Nam để mong kiếm kế sinh nhai...

Cái kết có hậu

Sau ngày bị cả nhà chồng chà đạp, cướp mất con, tôi bơ vơ khắp nơi, cũng may trong quá trình đi làm tôi dành dụm cho mình được ít tiền để chi tiêu tằn tiện. Tôi tìm đến những người bạn Hải Phòng ở Đài Loan nhờ họ giúp đỡ chỗ ở và việc làm bởi tiệm dép chỗ tôi không cho tôi tiếp tục công việc nữa. Những ngày đầu xin việc khá khó khăn, thân hình tôi ngày một tàn tạ. Tôi tiếp tục bơ vơ nơi xứ người, phòng trọ của tôi liên tục bị cảnh sát hỏi thăm, với vốn tiếng Trung ít ỏi tôi không biết giải thích với cảnh sát thế nào, nhiều lần giao tiếp bằng tay.

Giấy tờ duy nhất mà tôi mang theo khỏi nhà chồng là giấy kết hôn của hai người. Công việc chưa có, số tiền dành dụm cũng đã cạn dần tôi cảm thấy hoang mang, nghĩ về tương lai, nước mắt tôi lại không ngừng tuôn. Hơn một lần tôi có ý định bay về Việt Nam, bay về với bố mẹ nhưng nghĩ đến con gái, nghĩ đến áp lực của hàng xóm đối với bố mẹ tôi mà tôi không đành lòng.

Tôi quyết tâm phải tìm cho mình sự sống, kiên trì gặp gỡ các mối quan hệ, gặp lại những người bạn Việt Nam cuối cùng tôi cũng đã tìm được một công việc làm công tại một xưởng sắt, tuy khá khó khăn mệt nhọc nhưng bù lại giúp tôi có thu nhập để tồn tại, để có thời gian về thăm con. Để mưu sinh trên đất người, tôi tự nhủ mình phải đi học lấy cái chữ, học thành thạo tiếng của họ mới mong hoà nhập được với cuộc sống nơi xứ người. Gạt bao nỗi vất vả của công việc xưởng sắt, tôi tự học tiếng Hoa, đồng thời đi đến trường tiểu học tham gia lớp học tiếng Hoa dành cho cô dâu người nước ngoài.

Cuộc sống của tôi đã hé mở ra một tia sáng mới, thầy cô và bạn bè dần phát hiện ra tôi là nạn nhân của bạo hành. Mọi người đã khích lệ tôi đứng lên, cuối cùng tôi đã có dũng khí và tôi đi xin được việc làm nuôi sống bản thân. May mắn cho tôi khi được quỹ hỗ trợ pháp luật Tân Trúc vừa giúp tôi kiện chồng ra tòa với lý do bị đánh đập gây thương tích, quỹ cũng vừa giúp tôi kiện để chứng minh tôi hoàn toàn không tự nguyện ký giấy ly hôn, tôi được quyền cư trú chính thức tại Đài Loan sau 6 tháng sau.

[poll3]935[/poll3]

Khi cuộc sống của bắt đầu đi vào ổn định, tôi bắt đầu tham gia hoạt động xã hội trong cộng đồng người Việt, những cô dâu Việt. Càng tham gia hoạt động xã hội tôi càng có cơ hội gặp những mảnh đời bất hạnh hơn bản thân mình. Tôi đã giúp đỡ rất nhiều những cô dâu bất hạnh, họ cùng quẫn tụm lại với nhau giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn bên xứ người.

Bởi vậy, tôi quyết định kể về quãng đời cho mọi người biết, và mong rằng những cô gái trẻ khác khi quyết định theo chồng sang xứ người đừng quá mơ tưởng. Nơi nào cũng cần có tình yêu, vợ chồng đồng lòng, cần cù lao động thì mới mong vun vén hạnh phúc. Nếu còn nhen nhóm qua bên này là nơi giàu có an nhàn thì nên suy nghĩ thật kỹ kẻo hối hận thì cũng đã muộn màng.

*Bài viết đã được đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

PHƯƠNG TRẦN

Tin nổi bật