Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, chị N.T.L (31 tuổi) từng mang thai 2 lần nhưng đều bị sảy vào lúc 8 tuần và 13 tuần do mắc bệnh Basedow. Khi mang thai lần thứ 3, tuy chị được phát hiện có bệnh Basedow và đái tháo đường thai kỳ nhưng tình trạng được kiểm soát tốt bằng thuốc kháng giáp trạng và tiêm insulin, sản phụ thầm mừng khi thai vượt qua mốc 8 tuần, 13 tuần rồi 25 tuần.
Thế nhưng, đến tuần 26, sản phụ phải đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám do xuất hiện cơn đau thượng vị. Qua siêu âm, bác sĩ phát hiện sản phụ có một khối u lớn ở tuyến thượng thận bên trái, kích thước 86x70mm. Khối u to có 3 nguy cơ lớn là u ác tính, u tiết ra các nội tiết tố gây tăng huyết áp nặng và u to có thể chèn ép gây sảy thai hoặc đẻ non. Sản phụ được yêu cầu phải nhập viện gấp để xác định khối u thuộc dạng gì và cách thức điều trị ra sao.
Đứng trước sản phụ ngoài 30 tuổi, có nhiều bệnh nền, đã 3 lần mang thai mà chưa một lần được làm mẹ, các bác sĩ ở khoa Nội tiết và Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai cảm nhận rõ nỗi khát khao cháy bỏng của sản phụ. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để khống chế khối u, kiểm soát huyết áp để không làm ảnh hưởng đến thai kỳ? Làm thế nào để đong đếm, kiểm soát tốt bệnh Basedow và đái tháo đường?
Sau đó, sản phụ được chỉ định làm thêm nhiều xét nghiệm chuyên sâu nhằm đánh giá các bệnh lý nội tiết như siêu âm tim, điện tim, siêu âm Doppler mạch thận, MRI ổ bụng, siêu âm hạch vùng cổ, xét nghiệm nước tiểu 24h... Trong quá trình này, các bác sĩ lại phát hiện sản phụ mắc bệnh ung thư tuyến giáp.
Đối mặt với ca bệnh khó, TS Nguyễn Quang Bảy – Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường đã đề xuất hội chẩn toàn viện để hoạch định phác đồ điều trị tối ưu cho sản phụ.
Các chuyên gia thuộc hơn 10 chuyên khoa đã tiến hành hội chẩn nhằm trả lời các câu hỏi: Khối u thượng thận và ung thư tuyến giáp có chỉ định phẫu thuật không? Thời điểm nào nên phẫu thuật? Nếu phẫu thuật sớm thì chắc chắn sẽ giữ được tính mạng của người mẹ nhưng nguy cơ hỏng thai là rất cao, vậy làm thế nào để bảo toàn thai nhi cho đến ngày mãn nguyệt khai hoa?...
Bác sĩ kiểm tra tình trạng người bệnh. Ảnh: Nhân Dân
Sau khi cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ, các bác sĩ quyết định tiếp tục điều trị nội khoa, theo dõi sát để giữ thai và các chuyên khoa luôn sẵn sàng để xử trí mọi tình huống khẩn cấp cho người bệnh. Lúc này, các bác sĩ tiếp tục gặp một thách thức mới. Đó là để phòng nguy cơ sinh non, sản phụ được chỉ định tiêm thuốc trưởng thành phổi nhưng loại thuốc Corticoid này lại có thể làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp và tăng đường huyết.
"Đó là một chuỗi ngày gian nan, vất vả theo dõi sát đường huyết và chỉnh liều insulin liên tục. Cả mẹ và thai nhi được thăm khám thường xuyên bởi các bác sĩ nội tiết và sản khoa. Sau một tháng điều trị, chăm sóc tích cực tại bệnh viện, sản phụ đã được tiêm thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi, kiểm soát được các bệnh nền và ra viện", báo Nhân Dân dẫn lời TS Nguyễn Quang Bảy.
Sau 1 tháng điều trị và chăm sóc tích cực, sản phụ được tiêm thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi, kiểm soát được các bệnh nền và ra viện. Tuy nhiên, đến tuần thai thứ 33, sản phụ lại phải nhập viện vì xuất hiện những cơn co tử cung, dọa đẻ non. Các bác sĩ bước vào cuộc chiến cân não để em bé được ở thêm trong bụng mẹ ngày nào thì tốt cho bé ngày đó.
Mỗi biến động dù nhỏ nhất về lâm sàng và chỉ số xét nghiệm đều được các bác sĩ theo dõi sát sao và điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Khi thai được 34 tuần và đạt trọng lượng 2,6kg, sản phụ lại xuất hiện các cơn co tử cung. Lúc này, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai. Em bé chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình.
Là người trực tiếp điều trị cho sản phụ, bác sĩ Bùi Phương Thảo cho hay đây là thành công lớn vì người bệnh có tiền sử sản khoa nặng nề, lại có đến 5-6 bệnh khác nhau nhưng đã may mắn được “mẹ tròn con vuông”.
Vào tháng 11/2022, khi em bé được 3 tháng, sản phụ đã trở lại Bệnh viện Bạch Mai để xử lý khối u tuyến thượng thận và bệnh ung thư tuyến giáp. May mắn, ca phẫu thuật được thực hiện thành công ngoài mong đợi, với sự phối hợp của các khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Phẫu thuật lồng ngực, Phẫu thuật Tiêu hóa Gan mật tụy và Gây mê hồi sức. Các bác sĩ đã mổ cả 2 khối u trong một ca phẫu thuật.
Có thể nói, chính nỗ lực của sản phụ và gia đình cùng trí tuệ tập thể, sự nhất tâm, bền trí, hết lòng vì người bệnh của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khi đồng hành với sản phụ trong từng chỉ số xét nghiệm, từng biến động của nhịp tim, huyết áp... đã tạo nên kỳ tích nói trên. Mặc dù em bé chưa được 1 tuổi nhưng sản phụ đã hân hoan dự tính và chuẩn bị tâm thế để sinh tiếp bé nữa.
Đinh Kim (T/h)