Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Phổ điểm tập trung ở mức 5-6, khó có điểm 9-10

(DS&PL) -

Đa số các giáo viên đều dự đoán, phổ điểm năm nay chỉ nằm ở mức 4-6 hoặc 5-7 điểm. Học sinh khá cũng chỉ dừng chân ở điểm 6. Học sinh giỏi thực sự mới đạt được điểm 8, 9.

Đa số giáo viên của các trường THPT đều dự đoán, phổ điểm năm nay chỉ nằm ở mức 4-6 hoặc 5-7 điểm. Học sinh khá cũng chỉ dừng chân ở điểm 6. Học sinh học giỏi thực sự mới đạt được điểm 8, 9.

Phổ điểm các môn tập trung ở mức 5-6

Nhân định về đề thi năm nay, trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM cho rằng, cấu trúc đề thi khá giống với đề thi minh họa. Với 50% câu hỏi học sinh trung bình có thể làm được để tốt nghiệp, 30% câu hỏi tiếp theo sẽ dùng để dành cho các học sinh khá muốn đậu vào các trường tốp giữa, 10% dành cho học sinh giỏi và 10% câu dành cho học sinh cực kỳ xuất sắc muốn đậu vào trường top trên.

“Về cơ bản, đề thi đảm bảo được 2 mục tiêu, tuy nhiên độ khó cao hơn năm trước nhiều, đến nỗi học sinh trường chuyên cũng than phiền. Với bộ đề thi này, điểm 9 ở hầu hết các môn là cực hiếm do đó sẽ không còn mưa điểm 10 như năm trước…”, ông Độ nói.

Mặc dù đánh giá đề khó, điểm tối đa sẽ ít song ông Độ cho rằng, phổ điểm vẫn sẽ dao động quanh điểm 4 và 5, độ phân hóa đề cao sẽ giúp phân loại được học sinh khá, giỏi và xuất sắc, giúp các trường chọn đúng được đối tượng học sinh của mình.

Đa số các thầy cô đều nhận định, phổ điểm năm nay sẽ tập trung ở mức 5-6 điểm. Ảnh: Tiền Phong

Cũng nêu lên quan điểm về mức điểm các môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) thầy Đào Nguyên Sử nhận định, phổ điểm chỉ ở tầm 4-6 điểm, học sinh khá chỉ dừng lại ở mức 6-7 điểm, riêng điểm 9, 10 năm nay sẽ rất ít vì chỉ học sinh chuyên, học sinh được ôn luyện kỹ thì mới đạt được điểm số này.

Ở các môn thi như Vật lý, Sinh học, Ngoại ngữ, đa số giáo viên chuyên môn của các trường THPT cũng dự đoán, phổ điểm năm nay chỉ nằm ở mức 4-6 hoặc 5-7 điểm. Nếu như năm trước, học sinh khá có thể đạt 7-8 điểm thì năm nay học sinh khá cũng chỉ dừng chân ở điểm 6. Học sinh học giỏi thực sự mới đạt được điểm 8, 9.

Còn ở tổ hợp môn KHXH, các giáo viên cho rằng, đề trắc nghiệm nhưng đòi hỏi thí sinh phải hiểu bản chất vấn đề, trong quá trình học giáo viên phải mở rộng nhiều nội dung ngoài sách giáo khoa thì mới chọn được đáp án đúng.

Đáp án môn văn gây khó cho giáo viên

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trương Minh Đức (Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM) cho rằng đáp án môn văn khá chung chung. Theo giáo viên này, dẫu biết rằng đề ra theo hướng mở thì đáp án không thể bó hẹp nhưng cái “mở” của đáp án thế này khiến giáo viên thiếu căn cứ tối thiểu dẫn đến khó chấm và có thể chấm lệch.

Ông Đức phân tích: Trong đề thi vừa qua, câu hỏi được quan tâm nhiều nhất là nghị luận xã hội, biên độ quá rộng, lẽ ra đáp án cần giới hạn nhất định để đảm bảo kiến thức cơ bản. Nhưng thực tế, đáp án nêu ra 2 nội dung thấy được sứ mệnh và hành động cụ thể. Thêm vào đó, đề thi yêu cầu trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước nhưng đáp án lại đưa ra cả tiềm lực bản thân. Vậy những thí sinh viết đơn giản, sáo rỗng rằng bản thân phải cố gắng học thật giỏi chẳng hạn thì có được đánh giá là tiềm lực bản thân hay không, và những tiềm lực thế nào là chuẩn?

Đáp án môn Văn gây khó khăn cho người chấm thi. Ảnh minh họa

Chỉ với câu hỏi này, có thể xảy ra tình trạng giám khảo chấm qua loa hoặc do đáp án chung chung, người chấm “chùn tay”, không dám chấm điểm tối đa hoặc không tự tin sẽ cho điểm trung bình. Như thế, thí sinh  nào cũng như nhau thì sẽ không phân hóa, thiệt thòi cho thí sinh có học lực khá giỏi và ảnh hưởng đến điểm xét tuyển vào những trường tốp đầu.

Ở câu nghị luận văn học, đề bài yêu cầu nhận xét về cách nhìn hiện thực của 2 tác giả nhưng đáp án lại đưa ra điểm tương đồng và khác biệt. Thông thường, nếu yêu cầu nhận xét thì không nhất định phải chỉ ra điểm giống và khác nhau. Trong trường hợp này thí sinh có so sánh thì chỉ nên điểm cộng mà thôi. Việc sử dụng ngôn ngữ trong đề và đáp án không tương thích sẽ khiến thí sinh không hiểu rõ yêu cầu của đề, gây thiệt thòi cho thí sinh.

Cô Nguyễn Thanh Dung, giáo viên dạy Văn ở một trường THPT Thanh Hóa cho rằng, đáp án môn Ngữ văn rất chung chung như vậy, việc cho điểm bài thi phụ thuộc vào cảm quan, bản lĩnh của người chấm. “Giá như đáp án mở nhưng có thêm những gạch đầu dòng biểu đạt nội dung, tư tưởng cần có thì sẽ có căn cứ hơn”, cô Dung nói.

Cũng theo cô Dung, đề Ngữ văn năm nay khó, phù hợp với thi học sinh giỏi hơn là phục vụ kỳ thi 2 trong 1. Sẽ có khoảng 50% thí sinh chỉ đạt điểm ở mức từ 4-6 điểm, không ít em chỉ đạt 2-3 điểm và hiếm có điểm 9, 10.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật