Chiều 19/6, Bộ GD-ĐT cho biết đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã cơ bản hoàn tất ở 63 tỉnh, thành.
Ngày 24/6, gần 926.000 thí sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại 2.144 điểm thi, với 39.689 phòng thi trên cả nước. Toàn bộ các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, nhiều đơn vị thành lập thêm ban chỉ đạo thi cấp huyện để giúp ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chuẩn bị và triển khai tổ chức tốt các điểm thi ở địa phương. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác đề thi, thực hiện chặt chẽ quy trình sao in đề thi để bảo đảm đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, tuyệt đối không để xảy ra sai sót.
Tại Ninh Thuận, Sở GD- ĐT yêu cầu thủ trưởng các trường học được chọn đặt điểm thi THPT quốc gia năm 2018 cần khẩn trương kiểm tra chu đáo, tiến hành tu sửa các phòng học và chuẩn bị phương án xử lý khi có tình huống bất thường xảy ra. Bởi thời tiết đang chuyển mùa và có thể mưa trong quá trình diễn ra kỳ thi.
Cụ thể, ưu tiên sửa chữa, nâng cấp về an toàn lưới điện sau điện kế, phối hợp với điện lực về phương án máy phát điện dự phòng khi có sự cố lưới điện, đảm bảo đủ ánh sáng cho thí sinh làm bài và điểm thi thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo an toàn, trật tự trong khu vực thi của điểm thi. Kiểm tra hệ thống ánh sáng trong khu vực thi và trong phòng thi, bàn ghế học sinh, mái phòng học, tường rào bảo vệ, máy photo, phòng Hội đồng, phòng Trưởng điểm thi,...đảm bảo phục vụ, xử lý nhanh và kịp thời những tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình tổ chức kỳ thi.
Phát cơm miễn phí cho các thí sinh tại các điểm thi. Ảnh minh họa |
Tại Thừa Thiên- Huế, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên-Huế đã phát miễn phí thẻ thông tin dự thi gồm các thông tin về lịch thi, địa điểm thi, quy chế kỳ thi... đến từng thí sinh để các em chủ động nắm bắt, tránh những sai sót đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập Đỏ tỉnh và Tỉnh Đoàn đã lên kế hoạch hỗ trợ hơn 3.000 suất cơm, đồng thời liên hệ nhiều nhà dân dành phòng nghỉ miễn phí cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thi sinh vùng dân tộc các huyện miền núi, bãi ngang.
Ở Cần Thơ, các đoàn thể ở thành phố cũng đã vận động được hơn 750 triệu đồng để nấu cơm và đưa rước miễn phí cho thí sinh khó khăn đi thi trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Trao đổi với Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin: "Thực hiện chủ trương của lãnh đạo TP, không để học sinh nào khó khăn mà bỏ thi nên ngành giáo dục có tổ chức phục vụ nấu cơm trưa cho cán bộ coi thi và thí sinh khó khăn trong các ngày diễn ra thi. Tổng kinh phí để thực hiện cho việc này hơn 750 triệu đồng từ sự hỗ trợ của mạnh thường quân, hội phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương".
Ngoài ra, tại các tỉnh thành khác cũng đã hoàn tất các khâu chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất để phục vụ cho 3 ngày thi sắp tới.
Theo đó, từ 23/6, các trường ĐH tại Hà Nội sẽ bắt đầu “chuyển quân” về các địa phương để phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia.
Trao đổi với báo Tiền Phong, GS. Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cho biết, năm nay trường được Bộ GD-ĐT giao phối hợp tổ chức thi với Sở GD-ĐT Bắc Ninh cùng hai trường ĐH khác đóng trên địa bàn tỉnh. Số cán bộ, giảng viên trường cử đi làm thi là gần 400 người. Các công việc hậu cần chuẩn bị cho đội ngũ giảng viên cán bộ coi thi của trường, Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã lo, chuẩn bị đầy đủ.
Từ 23/6, các các bộ, giảng viên tại các trường đại học sẽ di chuyển về các địa phương để phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa |
Còn PGS. Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, trường được giao phối hợp tổ chức thi với Sở GD-ĐT Phú Thọ. Năm nay, trường ĐH Giao thông vận tải cử 500 cán bộ giảng viên đi làm thi. Sáng 23/6 đội ngũ này sẽ di chuyển về Phú Thọ. Trước đó, sáng 18/6 trường cũng đã lên Phú Thọ để tập huấn cho đội ngũ điểm trưởng, điểm phó, thanh tra cắm chốt...
Học viện Ngân hàng phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia với Sở GD-ĐT Hà Giang. PGS. Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, 4h30 sáng 23/6 trường sẽ bố trí 6 xe khách di chuyển 250 thầy cô về tập kết tại huyện Bắc Quang và thành phố Hà Giang. Ngoài việc coi thi, Ban nữ công của Học viện Ngân hàng còn tổ chức một hoạt động từ thiện tại một trường THPT đóng tại địa bàn xã khó khăn nhất của Hà Giang bằng việc tặng trường một số bộ máy tính để phục vụ học sinh, giáo viên học tập.
Năm nay, kỷ luật thi cử sẽ được Bộ GD-ĐT siết chặt trong kỳ thi THPT quốc gia. Trước mỗi buổi thi, trưởng điểm thi bảo đảm các phương tiện thu phát thông tin cá nhân (nếu có) của tất cả người làm nhiệm vụ tại điểm thi phải được lưu giữ tại phòng trực của điểm thi. Khi coi thi, cán bộ coi thi không được mang các thiết bị thu phát thông tin, không được làm việc riêng, hút thuốc hoặc sử dụng đồ uống có cồn. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định các cán bộ coi thi phải bảo vệ đề trong giờ thi, không để lọt đề ra ngoài phòng thi.
Siết chặt kỷ luật, chống gian lận thi cử ở cả cán bộ coi thi và thí sinh. Ảnh minh họa |
Giám thị để thí sinh quay cóp, mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi hay cán bộ chấm thi không đúng hướng dẫn hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót sẽ bị phạt cảnh cáo. Tùy theo mức độ vi phạm, cán bộ làm thi có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác nếu vi phạm một trong các lỗi như: ra đề thi sai; trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác; gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh.
Trường hợp giám thị đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh sẽ bị buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau lễ ra quân “Tiếp sức mùa thi 2018”, hơn 20.000 sinh viên tình nguyện sẽ có mặt ở các điểm thi trên 63 tỉnh thành để hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia.
Chương trình sẽ thành lập khoảng 650 đội hình tình nguyện cấp tỉnh với hơn 20.000 tình nguyện viên, cùng 2.729 đội hình tình nguyện cấp cơ sở với gần 65.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh trên cả nước.
20.000 sinh viên tình nguyện sẽ có mặt ở các điểm thi trên 63 tỉnh thành để hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: Zing |
Tại các khu vực, đội hình tiếp sức mùa thi sẽ hỗ trợ thí sinh và người nhà về địa điểm ăn uống giá rẻ, đảm bảo vệ sinh, đồng thời phối hợp đảm bảo giao thông, an ninh tại địa điểm thi và hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi.
Điểm nổi bật của “Tiếp sức mùa thi năm 2018” là chương trình sẽ dành 200 triệu đồng để hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc tham gia thi kỳ thi THPT Quốc gia. Chương trình sẽ tiếp nhận thông tin về các trường hợp này thông qua ban thường vụ tỉnh, thành Đoàn, ban thư ký Hội Sinh viên các tỉnh, thành phố, trường học trực thuộc trung ương.
Nguyễn Phượng (T/h)