Các chuyên gia giáo dục đều đồng tình cho rằng Bộ GD-ĐT cần phải kỷ luật nghiêm những cán bộ coi thi, chấm thi để xảy ra sai phạm.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng chủ trương lựa chọn 1 kỳ thi quốc gia để đồng thời làm 2 nhiệm vụ là hoàn toàn đúng đắn. Đây là một việc làm tốt và dư luận xã hội cũng rất ủng hộ quyết định này của Bộ GD-ĐT.
Ông Nhĩ cũng khẳng định việc quyết định phương án thi và tổ chức kỳ thi quốc gia 2015 là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh đó, đa số các chuyên gia đều kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ nên duy trì cụm thi do các trường đại học tổ chức và nâng số lượng cụm thi để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đặc biệt góp ý cùng Bộ GD-ĐT công tác ra đề, coi thi và chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 đảm bảo an toàn, tin cậy.
|
Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia 2015 phải đảm bảo tính phân hóa cao. |
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng với kinh nghiệm nhiều năm vừa qua, Bộ GD-ĐT có thể ra đề thi để đánh giá được trình độ học sinh, làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng xét tuyển.
Điều quan trọng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần xin ý kiến các chuyên gia về công tác khảo thí để có thể đưa ra những đề hay và chính xác.
Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học cũng nhận định Bộ có kinh nghiệm làm đề 2 kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng được dư luận đánh giá khá tốt.
Tuy nhiên, ông Khuyến cho rằng Bộ GD-ĐT phải chú ý ra đề phần đề thi tốt nghiệp THPT phải hợp lý hơn, tránh trường hợp quá dễ.
“Bộ phải ra đề cho phổ điểm đẹp cho kỳ thi quốc gia 2015. Phổ điểm đẹp, cân đối tức là sự phân hóa sẽ đạt được. Đề thi phải xây dựng bám theo chương trình phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đây là trách nhiệm của Bộ”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Thạc sỹ Lê Xuân Trung, hiệu trưởng THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cũng tin tưởng Bộ GD-ĐT tổ chức ra đề đạt yêu cầu do đã có kinh nghiệm nhiều năm qua.
Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này mong muốn đề thi được ra theo hướng mở, vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thực tiễn.
Việc này sẽ quay trở lại đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy từ phổ thông đến đại học.
Để đảm bảo kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng Bộ GD-ĐT cần tiếp tục cấm học sinh mang điện thoại, các thiết bị thu phát khác để cách ly được học sinh với bên ngoài.
“Điều quan trọng nhất, Bộ cần tăng cường giảng viên đại học giám sát kỳ thi này. Bộ cần quy định cụ thể và thông báo rộng rãi sẽ xử lý lãnh đạo cụm thi một cách nghiêm khắc nếu để xảy ra tiêu cực và không quản lý được”, PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất.
PGS Nhĩ cho rằng Bộ GD-ĐT nên giao cho các cụm tổ chức chấm thi và quy định trách nhiệm cụ thể. Chấm thi đảm bảo tập trung, bài thi được đánh số phách. Sau chấm còn tiến hành phúc tra.
“Nếu phúc tra điểm quá chênh lệch thì những người chấm thi phải bị kỷ luật. Lúc đó, cán bộ chấm thi cũng phải chấm cẩn thận”, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nêu ý kiến.
|
Thạc sỹ Lê Xuân Trung, hiệu trưởng THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội). |
Năm nay, các cụm thi cũng sẽ cần huy động nhiều giáo viên chấm thi môn Văn hơn những năm trước để đảm bảo việc chấm được nhanh và chính xác hơn. Bộ GD-ĐT cũng đã có kinh nghiệm tổ chức chấm thi trong các năm qua nên việc này cũng không quá khó khăn.
Góp ý thêm, thạc sỹ Lê Xuân Trung cho rằng vấn đề chấm phải kỹ lưỡng, chặt chẽ hơn. Bộ cũng phải tính tới cấp độ của đề thi.
Năm 2014 xu hướng Bộ đã triển khai với các môn xã hội ra theo hướng mở để phát huy khả năng tư duy, cảm thụ người học trước các vấn đề yêu cầu.
Bộ GD-ĐT phải tổ chức chấm độc lập từng bài từng giám khảo, đảo chấm và chấm chung thống nhất.
“Thanh tra chấm phải có chuyên môn, làm việc trách nhiệm để kiểm soát công bằng. Cán bộ chấm thi và thanh tra chấm thi phải có sự mềm dẻo, nếu là sáng tạo đúng, hay thì vẫn phải ghi nhận kết quả của thí sinh”, ông Trung đề xuất.
Bộ GD-ĐT ra đề thi, chấm thi thế nào?
Thông tin trước dư luận, đại diện Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết những năm gần đây, đề thi, nhất là đề thi các môn Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được ra theo hướng mở để tạo điều kiện cho học sinh huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài.
Vị đại diện này lấy ví dụ trong đề thi Ngữ văn có kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân...); khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng một cách máy móc.
|
Công tác chấm thi phải đảm bảo nghiêm túc, khách quan. |
“Đề thi trong kỳ THPT quốc gia năm 2015 sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12”, đại diện Cục khảo thí và kiểm định chất lượng cho biết.
Đề thi phải đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hoá thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ).
Đại diện Cục khảo thí cho biết đề thi phải đánh giá được thí sinh ở cả bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình, sách giáo khoa phổ thông như các kỳ thi năm 2014.
Đại diện Cục khảo thí cũng nhận định muốn tổ chức kỳ thi nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy cao thì phải làm tốt tất cả các khâu: từ ra đề thi, coi thi, chấm thi đến xử lí và sử dụng kết quả thi.
Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường đại học chủ trì, tương tự như các cụm thi tuyển sinh “3 chung” trong các năm trước.
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở; đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Hiện nay, Bộ đã bước đầu xây dựng được ngân hàng đề thi; trong những năm tới ngân hàng đề sẽ được phát triển, hoàn thiện nhờ áp dụng các giải pháp hiện đại của khoa học đánh giá chất lượng giáo dục.
“Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường, nhất là ở khâu coi thi, chấm thi để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm xảy ra”, đại diện Cục khảo thí khẳng định.
Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, xử lí kết quả thi và quản trị cơ sở dữ liệu của kỳ thi một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật và an toàn.
“Phần mềm máy tính sẽ hỗ trợ công tác truy vấn kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, công khai kết quả thi trên mạng, xử lí thống kê kết quả thi phục vụ đánh giá phản hồi chất lượng đề thi và hỗ trợ công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ”, đại diện Cục khảo thí khẳng định.