Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Kỳ nữ” Kim Cương: Yêu đam mê, đau đến tận cùng

(DS&PL) -

Ông trời đã ban cho Kim Cương nhiều điều, tài năng, nhan sắc, danh vọng, tiền tài và sự ngưỡng mộ nhưng lại từ chối mong ước bình dị nhất...

Ông trời đã ban cho Kim Cương nhiều điều, tài năng, nhan sắc, danh vọng, tiền tài và sự ngưỡng mộ nhưng lại từ chối mong ước bình dị nhất, đó là một người đàn ông cùng bà bước qua giông bão để đi đến cuối cuộc đời. Ở cái tuổi U80, bà vui vầy bên con cháu, học chữ buông để giữ lại chữ an trong tâm hồn.

Tuổi thơ bất hạnh

Tuổi thơ của Kim Cương phiêu dạt theo đoàn hát của bố mẹ từ Nam ra Bắc, từ chốn phồn hoa đô thị đến các vùng quê nghèo khó. Đó là những ngày tháng tươi đẹp và hạnh phúc nhất trong ký ức của người nghệ sĩ tài năng này.

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nên nghệ sĩ Kim Cương lên sân khấu từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Với bà, diễn xuất tự nhiên giống như hít thở không khí chứ chẳng phải gồng mình để hóa thân. Thời điểm ấy, Kim Cương dường như là cô bé hạnh phúc nhất khi được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và những tràng pháo tay cuồng nhiệt của khán giả.

Tuy nhiên, chuỗi ngày tươi đẹp ấy đã chấm dứt khi ông bầu Cương (bố của Kim Cương) trở bệnh nặng với những cơn co giật rồi mãi mãi ra đi. Cha mất, mọi sóng gió bắt đầu ập đến khiến cô bé 9 tuổi chông chênh.

Nói về những ngày tháng khó khăn đó, nghệ sĩ kể, má của bà đã phải bán từng cân đai áo mão, từng miếng bạc, từng hạt thủy tinh trên các bộ phục trang để đổi lấy gạo ăn. Những chiếc áo được rút kết kim tuyến và bán cho người tản cư với giá rẻ mạt để họ làm tã lót cho em bé hay lau những con heo sắp đẻ. Từng tấm phông màn, từng cuộn dây kéo, cánh gà cũng lần lượt ra đi. Cuối cùng là tấm màn nhung có hai chữ Phước Cương. Lúc bán tấm màn nhung này má bà khóc nấc. Chị em bà cũng ôm nhau khóc theo.

Kim Cương và mẹ - cố NSND Bảy Nam. (Ảnh.Internet)

Đó là chuỗi ngày vô cùng khó khăn với cô bé Kim Cương vốn được bố mẹ nâng niu như món quà vô giá. Thuở ấy, Kim Cương vì quá sốc trước hoàn cảnh của gia đình mà đã thay đổi hoàn toàn, từ cô bé hiếu động, thông minh Kim Cương trở nên lì lợm, khó bảo. Và cũng vì sự ương bướng khó bảo ấy mà Kim Cương bị chuyển vào trường dòng. Tám năm học tập ở ngôi trường ấy, kỷ luật thép đã khiến cô bé ngỗ nghịch, bất trị trở thành một thiếu nữ đằm thắm, dịu dàng.

Cuộc “thoát ly” tạo nên “kỳ nữ”

Như một sắp xếp định mệnh, chuyến đi gặp mẹ năm 19 tuổi đã đưa cô bé Kim Cương trở lại với sân khấu. Sau vở diễn Giai nhân và ác quỷ, Kim Cương đã tạo nên một cơn sốt trong giới chuyên môn, ký giả và khán giả thời bấy giờ. Cô gái 19 tuổi ấy trở thành cái tên được người ta ca tụng trên mặt báo, được khán giả ngưỡng mộ và là đề tài của những cuộc bàn tán. Sau lần ra mắt ấn tượng ấy, Kim Cương trở thành đào chính và gánh vác đoàn hát của gia đình.

Thế nhưng, giữa lúc mọi thứ đang rộng mở, cô gái trẻ quyết định thoát ly truyền thống của gia đình để đến với thoại kịch (kịch nói). Thuở ấy, quyết định của cô gái trẻ đã vấp phải sự phản đối của nhiều người. Việc giã từ sân khấu cải lương để chọn cho mình con đường nghệ thuật còn xa lạ với đông đảo khán giả là kịch nói bị coi là một sự liều lĩnh. Nhiều người sợ rằng, đó chỉ là phút nông nổi của tuổi trẻ và nó sẽ giết chết tương lai đang rộng mở của viên kim cương vô giá.

Nhan sắc rạng ngời của nghệ sĩ Kim Cương khi ở độ tuổi 20. (Ảnh: Internet) 

Con đường mới mà Kim Cương chọn đầy chông gai, thử thách, nhưng với bản lĩnh đã được tôi rèn từ những biến cố, cô gái ấy đã làm nên điều kỳ diệu. Ở mảnh đất mới này, Kim Cương thỏa sức vẫy vùng. Tài năng của bà như hạt giống tốt được gieo trên mảnh đất màu mỡ, nó ngày càng phát triển mạnh mẽ và mang đến những trái ngọt.

Ngay từ những suất diễn đầu tiên, đoàn kịch nói Kim Cương đã chinh phục được khán giả, khiến họ khóc cười theo từng lớp diễn của diễn viên. Bà không chỉ là một diễn viên mà cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò từ biên kịch, đạo diễn đến nhà sản xuất. Ở mỗi vị trí, nghệ sĩ Kim Cương đều nhận được sự ủng hộ, tung hô của giới chuyên môn và khán giả. Với những thành quả tuyệt vời đã đạt được, nhiều ký giả phong cho bà danh xưng đầy tự hào “kỳ nữ” (một người phụ nữ kỳ tài).

Mặc dù, Kim Cương được báo giới phong tặng hai chữ "kỳ nữ" và công chúng ái mộ xếp vào top ba người phụ nữ đẹp nhất miền Nam cùng Thẩm Thúy Hằng và Kiều Chinh nhưng Kim Cương chưa bao giờ ngừng học hỏi, ngừng trau dồi nghề nghiệp. Bà dành 3 năm tu nghiệp tại Pháp và những kiến thức vô giá ở trời Tây đã giúp Kim Cương hoàn thiện vốn kiến thức để tạo nên những tác phẩm sâu sắc chạm tới trái tim và khối óc những khán giả. Đến ngày nay, đoàn kịch nói Kim Cương vẫn là kiểu mẫu của nhiều đoàn kịch. 

Chết lên chết xuống vì yêu

Với nghệ sĩ Kim Cương, vinh quang không thể kể hết nhưng tình yêu lại ngắn chẳng tày gàng. Hạnh phúc tình ái của bà mong manh như làn sương mờ. Bà yêu đam mê, yêu cuồng nhiệt nhưng cũng chính chữ tình ấy khiến bà đau đến tận cùng.

Nói đến chữ tình, bà từng trải lòng, Kim Cương chết lên chết xuống vì yêu. Nếu không yêu thì thôi nhưng đã yêu thì bà yêu qua từng hơi thở, từng phút, từng giờ... Thế nhưng, thứ đọng lại sau mỗi cuộc tình chỉ là nỗi đau. Tình yêu đi qua cuộc đời bà giống như vệt sao chổi vụt ngang bầu trời đêm, đẹp đẽ nhưng lại qua thật nhanh và có sức tàn phá khủng khiếp.

Ngay từ mối tình đầu, Kim Cương đã phải nhận đắng cay. Như rất nhiều cô gái trẻ thời kỳ đó, Kim Cương được cha mẹ hứa gả cho con trai của một Đốc Phủ Sứ ở Mỹ Tho làm trong ngành tư pháp. Hai người thương nhau từ cái nhìn đầu tiên, thế nhưng mối tình lại kết thúc chóng vánh khi người ấy không chịu được cảnh vợ mình "tối tối lên sân khấu ôm người này, tình tứ người kia". Vì vậy mà, mối tình thơ ngây đầu đời của nghệ sĩ Kim Cương chẳng để lại khung trời kỷ niệm đẹp đẽ mà trở thành nỗi đau.

Sau mối tình đầu nhiều đau đớn, Kim Cương đến với cuộc tình thứ 2 và cũng giống như lần trước, điều bà nhận lại vẫn chỉ là nỗi buồn. Thuở ấy, tình yêu của bà với anh ký giả đến thật nhanh và đầy mật ngọt. Với họ, chỉ cần nắm tay nhau dạo dưới hàng cây hay hẹn hò vội vã nơi bến tàu cùng ly nước chanh cũng đủ khiến ngọn lửa yêu bùng cháy nồng nàn.

Thế nhưng, mối tình như thơ ấy lại gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của nghệ sĩ Bảy Nam (mẹ của Kim Cương). Khi ở tận cùng của sự tuyệt vọng, chàng rủ nàng đi trốn, bỏ lại tất cả sau lưng, nhưng tình yêu với sân khấu quá lớn và đạo hiếu của người con khiến Kim Cương phải phụ lòng. Thế là cuộc tình kết thúc trong đau đớn. Một tháng sau, người cô yêu lấy vợ. Trái tim Kim Cương vỡ vụn.

Sau hai lần tổn thương vì chữ tình những tưởng trái tim kia sẽ khép chặt nhưng một lần nữa, tình yêu lại gõ cửa. Cuộc tình thứ ba của Kim Cương là một nhạc sĩ nổi tiếng và được rất nhiều phụ nữ ái mộ. Với người đàn ông này, Kim Cương cũng yêu bằng tất cả đam mê và mong ước được trở thành vợ, thành mẹ. Tiếc rằng, người con gái tài sắc ấy không níu được chân người đàn ông tài hoa và khép lại cuộc tình trong đau khổ tột cùng.

Nghệ sĩ Kim Cương bằng lòng với những gì đang có. (Ảnh: Internet)

Phải rất lâu sau cuộc tình đau thương này, Kim Cương mới mở lòng đón nhận tình yêu mới và đó cũng là bố của con trai bà. Ở cái tuổi 35, trải qua ba lần đau vì chữ tình, Kim Cương đã không còn tin vào tình yêu một cách mù quáng và khi tình yêu bị lý trí xen vào nó sẽ chẳng còn thơ, còn mộng. 15 năm chung sống, họ chưa một lần cãi vã, cũng không biết đến giận hờn, ghen tuông. Và rồi, chính cuộc sống quá đỗi bình lặng ấy đã đưa họ dần xa nhau.

Chia tay chồng, Kim Cương tin rằng bà sẽ chẳng thể rung động vì chữ yêu thêm một lần nào nữa. Thế nhưng, thần tình ái thật biết cách trêu đùa người phụ nữ ấy. Ở cái tuổi U50, con tim bà lại thổn thức. Cuộc tình này nhẹ nhàng bước vào, bà đón nhận nó trong niềm hân hoan giống như cô gái lần đầu biết yêu. Bà chìm đắm trong hạnh phúc tình ái cho đến ngày hai con tim kia bị lỗi nhịp và lặng lẽ buông tay sau 3 đêm suy nghĩ. Bà nói, đây sẽ là cuộc tình cuối cùng.

Lê Anh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 12

Tin nổi bật