Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV: Thảo luận trúng và đúng vấn đề cử tri, nhân dân cả nước quan tâm

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Quốc hội đã lựa chọn thảo luận cũng như chất vấn các thành viên Chính phủ rất “trúng và đúng” 4 nhóm vấn đề mà cử tri và nhân dân hết sức quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Ảnh: VGP

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày ra đời Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, một văn kiện chính trị - pháp lý mang tính nhân văn, dân chủ, tiến bộ; trong đó, tư tưởng cốt lõi xuyên suốt là các giá trị dân chủ, pháp quyền, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

Hơn 75 năm qua, Quốc hội luôn lấy đó làm tôn chỉ hoạt động. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Quốc hội khóa XV sẽ tiếp nối, kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, quyết tâm đổi mới trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Sáng 13/11, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã bế mạc sau 16 ngày làm việc.

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát. Trước khi tiến hành Kỳ họp, Quốc hội đã dành phút mặc niệm đồng bào đã tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

Tại kỳ họp, về công tác phòng chống dịch, Quốc hội ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết 30 của Quốc hội, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự ủng hộ, đồng lòng, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; các địa phương đang từng bước triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Công tác ngoại giao vaccine, cung ứng và tiêm chủng vaccine đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng, trong đó nhiều ổ dịch mới bùng phát tại các cơ sở sản xuất, thương mại và trường học, cho thấy tình hình dịch trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại. Vì vậy, Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội và điều hành của Chính phủ, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; không được để dịch bùng phát trở lại.

Quốc hội giao Chính phủ, trên cơ sở tổng kết công tác phòng, chống dịch thời gian qua, kinh nghiệm quốc tế và những bài học đắt giá đúc kết được, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, trong đó có kế hoạch phân bổ, sử dụng vaccine nói chung và cho người cao tuổi, nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp việc tiêm vaccine cho trẻ em.

Xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, tuyệt đối không để lúng túng, bị động, bất ngờ với những tình huống có thể còn phức tạp hơn so với thời gian trước đây. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng theo phương châm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng” để bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch COVID-19 và các bệnh dịch khác.

Về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, trong điều kiện dịch cơ bản được kiểm soát, nhiều chính sách, gói hỗ trợ nền kinh tế được ban hành và thực hiện kịp thời, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 đã có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và cả năm 2022 còn nhiều khó khăn, thách thức.

Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là nguyên nhân chủ quan cả trong quản trị quốc gia, các cấp, các ngành và trong quản trị doanh nghiệp. Phân tích, dự báo những thuận lợi, nguy cơ, thách thức và đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực trên tinh thần bám sát, bổ sung, hoàn thiện các giải pháp, nhiệm vụ được đề ra tại các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), có tính đến tác động của dịch bệnh, đặt trong tổng thể các Kế hoạch 5 năm và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó nhấn mạnh khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay.

Sử dụng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ, tài khóa để giữ vững kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về công tác lập pháp, trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, toàn diện, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với sự nhất trí rất cao 2 dự án luật, cho ý kiến 5 dự án luật, ban hành 12 nghị quyết, trong đó có 11 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời, quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn; tiếp tục góp phần quan trọng thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế và sự tương thích của hệ thống pháp luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Quốc hội cũng đã thông qua các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế và TP. Hải Phòng, nhằm cụ thể hóa các kết luận của Bộ Chính trị để Chính phủ có chính sách tạo động lực phát triển cho các tỉnh nói trên có tính liên kết vùng cao, có tốc độ phát triển nhanh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Kết quả thực hiện thí điểm các Nghị quyết này sẽ là cơ sở để rút kinh nghiệm, hoàn thiện mô hình, cụ thể hóa thành luật hoặc các quy định chung để có thể nhân rộng và áp dụng trên phạm vi cả nước.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV (từ ngày 10-12/11), Quốc hội tiến hành chất vấn 4 Bộ trưởng, có sự tham gia trả lời của các Phó Thủ tướng Chính phủ về các nhóm vấn đề: y tế, LĐTB&XH, GD&ĐT, KH&ĐT.

Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn là “trúng và đúng” bốn nhóm vấn đề mà cử tri và nhân dân hết sức quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ, trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các vị bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu.

Với sự đồng thuận cao nhất, 100% đại biểu có mặt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Ky-hop-thu-2-Quoc-hoi-khoa-XV-Thao-luan-trung-va-dung-van-de-cu-tri-nhan-dan-ca-nuoc-quan-tam/452955.vgp

Tin nổi bật