(ĐSPL) - Theo quan niệm của người Gia Rai, linh hồn của người chết là có thật. Sau khi chết linh hồn vẫn tồn tại trú ngụ trong thân xác người chết, nên linh hồn họ vẫn quanh quẩn gần người sống. Cho nên, người Gia Rai trong cùng một gia đình sau khi chết được chôn chung trong một ngôi mộ tập thể, gọi là nhà mồ.
Dân tộc Gia Rai bao gồm khoảng 320.000 người sinh sống chủ yếu ở các vùng rừng núi Tây Nguyên như các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, trong các buôn làng. Người Gia Rai có phong tục thờ cúng vạn vật hữu linh, trong đó thường thờ cúng Thần nhà rông (yang rôông), Thần bến nước (yang ia), Thần Làng (Yang ala bôn), Thần Nước (Yang ia); Thần Vua (Yang ptao) do Vua Nước (Pơ tao ta), Vua Lửa (Pơ tao put), Vua Gió chuyên cúng trời đất, cầu mưa thuận gió hòa và mùa màng tươi tốt.
Người Gia Rai vẫn duy trì chế độ mẫu hệ từ bao đời nay để lại, người phụ nữ được xem trọng trong gia đình và xã hội. Khi chết theo tục, tất cả người cùng họ mẹ chôn chung một huyệt, người đàn ông chết phải khiêng về chôn ở huyệt phía mẹ mình; trong huyệt chung ấy các quan tài được xếp kề sát bên nhau theo chiều ngang rồi chồng lên theo chiều dọc, khi quan tài cao bằng miệng huyệt thì lấy ván kê thêm bốn bề để chôn tiếp vài ba lớp nữa mới làm lễ “bỏ mả”. Những ngôi mồ chung đó người ta gọi là khu nhà mả.
Những bức tượng nhà mồ bao quanh các ngôi nhà mồ chôn tập thể. |
Các khu nhà mồ giống như các khu nghĩa trang của người Kinh, chỉ khác người kinh một ngôi mộ chỉ dành cho một người chết, còn người Gia Rai người trong cùng một gia đình cùng chôn chung trong một ngôi mộ tập thể. Trong khu nhà mã có các nhà mồ. Hướng Đông - Tây là hướng của các nhà mồ để có thể đón trọn ánh nắng mặt trời và giảm bớt mùi hôi từ các khu nhà mồ chôn tập thể.
Theo già làng Ngher, “để làm được các ngôi nhà mồ, trước đó người nhà phải vào trong rừng tìm các loại cây gỗ quý để về làm. Các ngôi nhà mồ được làm gần với buôn làng, tiện cho việc thăm nom. Nhà mồ chỉ được làm mới khi ngôi nhà cũ đã đầy xương cốt”. Cũng theo già làng Ngher, mỗi ngôi mộ tập thể này, nếu nhiều thì chôn được khoảng 20 người chết.
Trong nhà mồ phía đầu người ta đặt một chén rượu cần, chọc thủng đáy và ghè bỏ tai rồi phủ lên một cành gai. Ở nhiều nơi dưới huyện Phú Thiện (Gia Lai) người ta còn chôn một ống tre thông xuống quan tài để hàng ngày bỏ cơm, muối, gạo, rượu... với quan niệm là để cho người chết ăn uống. Họ tin rằng, khi chưa làm lễ bỏ mả (mộ) cho người thân, thì dù đã chết, linh hồn vẫn còn lai vãng đâu đây, cũng cần ăn uống và về giúp đỡ gia đình. Khi làm lễ bỏ mả linh hồn mới được siêu thoát, về với thế giới bên kia. Lễ bỏ mả là lễ lớn nhất trong năm của người Gia Rai.
Một lễ bỏ mả của người Gia Rai. |
Người trong gia đình sẽ chia của cho người chết, người sống có cái gì thì cũng phải chia cho người chết thứ đó. Phần người chết được chia, có đồ dùng trong gia đình, các dụng cụ để sinh hoạt giống như người sống. Ngoài ra, người nhà còn chia thức ăn, đồ uống cho người chết.
Xung quanh các nhà mồ có các tượng gỗ gọi là tượng nhà mồ. Tượng nhà mồ là một điều không thể thiếu và tạo nên nét đặc sắc nhất cho các ngôi nhà mồ. Thông thường, quanh mỗi nhà mồ người Gia Rai có nhiều tượng gỗ nhô lên nối tiếp liền với những cột chính để liên kết với hàng trăm khúc gỗ tròn nhỏ dựng thành hàng rào. Tượng gỗ được gọt đẽo thô sơ, giản lược trong đường nét, hình khối, có tính gợi tả chứ không cặn kẽ chi tiết, song hết sức sinh động, mộc mạc mà chân thực, mang đậm triết lý nhân sinh, cái siêu thực và cái hiện thực đan xen hài hòa.
Toàn bộ hoạt động của con người là hoạt động sản sinh ra văn hoá cho nên các nghi lễ chủ yếu trong đời người là một trong những biểu hiện sâu đậm về bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là đời sống tâm linh, tâm lý và phong tục tập quán. Qua ngôi nhà mồ và các tập tục liên quan thể hiện nỗi đau, khát vọng về sự hồi sinh từ cái chết, ước nguyện vĩnh hằng của con người trước thiên nhiên và vũ trụ của người Gia Rai.