(ĐSPL) - Khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới được kỳ vọng sẽ là một điểm nhấn về không gian ở Sài thành. Tuy nhiên, mảnh đất “vàng” này đã bị “treo” hơn 20 năm qua. Mùa hè nắng nóng, mùa mưa ngập tới nửa nhà, người dân nơi phải sống chật vật với dự án “khủng” nhiều năm đến bao giờ?
Chuyện có thật, bỏ của chạy lấy người
Một buổi chiều tháng Sáu, PV tìm đến khu vực phường 28 (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Đây là điểm bị “quy hoạch trắng” trong dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa. Thấy PV hỏi về dự án đô thị sinh thái, nhiều người dân ở đây lắc đầu ngao ngán.
“Hồi trước hồ hởi, kỳ vọng về dự án này bao nhiêu thì bây giờ chúng tôi ngán ngẩm bấy nhiêu. Hơn 20 năm rồi, chẳng hiểu dự án còn treo lơ lửng đến bao giờ”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, một người dân sinh sống trong khu vực quy hoạch dự án phàn nàn.
Vượt qua cầu Kinh Thanh Đa, qua hết một đoạn của phường 27, PV tới địa phận phường 28. Mặc dù khu vực này chỉ cách trung tâm TP.HCM (quận 1) từ 6 – 8km nhưng khung cảnh hết sức bình dị.
Chạy dọc theo con đường độc đạo Bình Quới, chúng tôi quan sát hai bên đường thấy còn rất nhiều bãi đất trống và ao, hồ. Thi thoảng, ven bờ ao, hồ xuất hiện một số người ngồi câu cá. Xen kẽ đó là những khu đất cỏ mọc um tùm. Có lẽ vì quy hoạch treo quá lâu nên một số nhà cửa cũng bỏ hoang ở hai bên đường, không có người ở.
Đi sâu vào phía trong, nhất là các con đường hẻm là không gian hoang vu. “Nhiều người không chịu được cảnh sống ẩm thấp đã phải tìm đến nơi khác sinh sống nên khu vực này mới hoang tàn như vậy”, ông Trần Anh Bình, người dân ở đây thở dài nói với PV.
Bên cạnh những kẻ “bỏ của chạy lấy người”, không ít hộ dân kiên trì tìm cách xây dựng mới, sửa chữa nhà cửa vì không thể chống chọi được với cảnh nắng lên thì nóng, mưa xuống lại ngập. Chị Trần Thị Hải, có khoảng 20m2 đất mặt tiền đường Bình Quới nhưng mãi đến đầu năm nay mới được phép sửa chữa nhà.
“Nói sửa chữa nhưng căn nhà tạm đã dỡ bỏ đi hoàn toàn, phải xây mới. Mà tôi phải xin mãi mới được chính quyền cho phép xây nhà đấy. Chính quyền cũng nói nếu tôi xây thì phải cam kết là không được yêu cầu đền bù nếu có giải tỏa. Thôi thì cứ vay mượn tiền mà làm ở trước đã chứ không chịu được cảnh ngập và nắng nóng. Mà cũng cũng không biết khi nào dự án mới triển khai. Mình phải lo cho mình trước đã”, chị Hải nói.
Những nhà không có điều kiện như chị Hải thì phải tìm cách chống ngập mỗi khi mùa mưa đến. Những năm trước, đê bao (sông Sài Gòn) bị vỡ, nhà bà Ái ngập sâu trong nước, đồ đạc nổi lềnh bềnh. Năm nay rút kinh nghiệm, bà kê cao đồ đạc lên. Tuy nhiên, mỗi khi trời mưa, gia đình bà Ái đành bất lực nhìn rác, bùn hôi thối theo nước trôi vào nhà.
Hết treo lại thành kéo dài?
Được biết, dự án khu đô thị Thanh Đa – Bình Quới được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, thành phố giao cho tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, chẳng hiểu vì sao, dự án này vẫn mãi giậm chân tại chỗ. Cho đến năm 2010, thành phố quyết định thu hồi.
Từ đó, dự án tiếp tục rơi vào quên lãng. Mãi đến cuối năm 2015, UBND TP.HCM mới giao cho liên danh tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJS (Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) xúc tiến thực hiện.
Khi hỏi về nhà đầu tư mới, ông Đặng Văn Tuấn, một người dân có đất nằm trong quy hoạch buồn rầu bảo: “Tôi cũng nghe đài báo nói là có nhà đầu tư mới, nghe đâu là liên danh với công ty nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin gì về việc triển khai cả. Phường cũng chưa có thông báo nào về việc di dời hay giải phóng mặt bằng, đền bù... Chúng tôi phải lo làm ăn trước đã, chuyện đó khi nào tới thì tính, đến giờ chúng tôi đã mệt mỏi với dự án treo này lắm rồi”.
Mặc dù đã có nhà đầu tư mới đến “đánh thức” dự án sau 20 năm “ngủ đông”, án binh bất động nhưng nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về tiến độ của dự án. Lý giải về điều này, ông David Tran, một nhà đầu tư về bất động sản (Việt kiều Úc) cho rằng, khu đô thị Thanh Đa – Bình Quới cần một nhà đầu tư xứng tầm, có năng lực mới có thể biến khu đất “vàng” này thành một nơi đáng sống, đúng theo kỳ vọng.
Thực tế cho thấy tại Việt Nam, một số nhà đầu tư đến từ Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) đã được chào đón nồng nhiệt nhưng khi nhận dự án xong thì để hoang phí một thời gian, sau lại... rút êm.
Chính vì thế, việc nhà đầu tư nước ngoài vào dự án này cũng không biết là tín hiệu buồn hay vui. Vị Việt kiều này dẫn chứng, điển hình nhất là dự án 1 tỉ USD của Sama Dubai đầu tư tuyến cao tốc từ sân bay Tuy Hòa đến Ghành Đá Đĩa (Phú Yên) và nâng cấp sân bay Tuy Hòa. Trong đó, nhà đầu tư này dự kiến sẽ dành 500 triệu USD để đầu tư một khu du lịch tầm cỡ tại Ghành Đá Đĩa.
Thế nhưng từ năm 2008 đến nay, dự án này vẫn án binh bất động. Ghành Đá Đĩa vẫn lèo tèo một ít du khách tìm đến mà chưa hề có một động thái nào cho thấy sẽ có khu du lịch tại đây. Hay tương tự như cách đây hơn 10 năm, tập đoàn Magnum Group (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) đến bãi biển Non Nước (TP.Đà Nẵng) với khí thế hừng hực cùng dự án Vegas Beach Club Resort có tổng vốn đầu từ thời điểm đó là 24 triệu USD.
Và dự án cũng triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2006 với 450 phòng khách sạn, các khu căn hộ, biệt thự... Thế nhưng, chủ đầu tư chỉ xây dựng được hai khung nhà biệt thự và chào bán biệt thự nghỉ dưỡng. Việc buôn bán ế ẩm, dự án nằm bất động, mãi đến năm 2008 thì bán lại cho Kingdom Hotel Investment Company (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất). Cuối cùng dự án này sau đó phải bán lại cho một nhà đầu tư trong nước.
Về dự án Thanh Đa – Bình Quới, theo tìm hiểu của PV, phía Bitexco là đơn vị chịu trách nhiệm về vốn, còn Emaar Properties PJS sẽ đảm nhiệm công tác tư vấn, cử chuyên gia sang phối hợp thực hiện. Và người dân khu vực này đang chờ đợi từng ngày để ổn định cuộc sống.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Đinh Bảo Quốc, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 28 chia sẻ, tuy còn cả một quãng thời gian dài ở phía trước như lập - duyệt dự án, giải phóng mặt bằng... nhưng dự án khởi động thì người dân vô cùng phấn khởi. Bởi khi đó, người dân cũng sẽ sắp xếp, ổn định được cuộc sống mới mà không phải lo nghĩ như khi dự án bị treo.
Nói thêm về dự án này, ông Bảo khẳng định: “Phường 28 là khu vực “giải tỏa trắng” theo quy hoạch. Đây cũng được ví như khu đất “vàng” nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thấy “rục rịch” gì đến. Hơn 20 năm qua, người dân đã phải sống chung với dự án treo này. Giờ TP.HCM đã giao cho Bitexco thì chúng tôi rất mừng và đang chờ đợi dự án sớm được triển khai. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi cũng chưa có thông tin gì”.
Tổng vốn đầu tư trên 30 ngàn tỉ đồng Khu đô thị Thanh Đa – Bình Quới được UBND TP.HCM giao cho Bitexco có tổng diện tích khoảng 426ha, bao gồm toàn bộ phường 28, với tổng vốn đầu tư khoảng gần 31 ngàn tỉ đồng. Dự án chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 (2016-2020), tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Giai đoạn 2 (2021-2025), nhà đầu tư sẽ thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng của dự án. Giai đoạn 3 (2026-2030) hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại của dự án. |
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]Dj62EtGnLC[/mecloud]